|
Bộ đội Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) và các đơn vị cắm cờ trên nóc hầm De Castries tại Điện Biên Phủ, chiều 7-5-1954. Ảnh tư liệu |
Chiến thuật sử dụng pháo binh “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động 100% lựu pháo, hơn 70% sơn pháo 75mm và 80% súng cối 120 của toàn quân.
Trong từng trận đánh cụ thể, chúng ta đã tập trung ưu thế pháo binh gấp từ 2-4 lần pháo binh địch. Vì vậy, người Pháp được coi là bậc thầy về phản pháo, cũng đã phải khuất phục trước những khẩu pháo thô sơ, bé nhỏ của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngày 13/3/1954, pháo binh của ta đồng loạt khai hoả, dồn dập bắn vào cứ điểm Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điên Phủ; đồng thời chế áp pháo binh địch ở phân khu trung tâm Mường Thanh, không cho pháo binh địch chi viện cho các hướng đang bị quân ta tiến công.
|
Pháo binh QĐND Việt Nam dội bão lửa xuống tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu. |
Trong trận đánh mở màn đợt 2 chiến dịch, ba đại đội lựu pháo của ta đánh đòn tập kích hoả lực mãnh liệt vào hai trận địa pháo của địch, khiến cho cả hai trận địa này tê liệt.
Dù pháo binh của Pháp có nhiều lợi thế nhưng do chủ quan và kiêu ngạo, pháo binh của Pháp đã hoàn toàn bị thất thủ trước những đòn tiến công dồn dập, bất ngờ của pháo binh Việt Nam dẫu còn non trẻ.
Trong trận mở đầu chiến dịch, 240 khẩu pháo của ta bắn liên tiếp trong vòng 1 giờ. Sau 15 phút khai hoả, hoả lực của ta đã gần như áp đảo pháo binh địch, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong đánh chiếm mục tiêu.
|
Trung đoàn 45 pháo lựu tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
|
Một trong những thành công nổi bật về nghệ thuật bố trí đội hình chiến đấu pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là các trận địa được bố trí phân tán, giãn rộng, giãn cách giữa các đại đội là từ 3 - 5km nhưng tập trung được hoả lực vào hướng chủ yếu, mục tiêu chủ yếu.
Trung đoàn 45 lựu pháo 105mmm được bố trí tạo thành một vòng cung hơn 30km bao quan tập đoàn cứ điểm. Cự ly các trận địa pháo đến Trung tâm Mường Thanh từ 6 - 8km, nằm gọn trong tầm bắn hiệu quả của pháo binh ta.
Cùng với đó, nghệ thuật ngụy trang, nghi binh cũng được sử dụng triệt để, chính vì vậy, mà người Pháp hoàn toàn bất lực trong việc phản pháo.
|
Dùng sức người kéo pháo vào trận địa, yếu tố làm nên bất ngờ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh Tư liệu |
Chiến thuật phòng không “Bám sát bộ binh chiến đấu, quyết tâm bắn rơi máy bay địch”
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên ta tiến hành tác chiến phòng không quy mô cấp trung đoàn, sử dụng lực lượng phòng không lớn hơn hẳn so với các chiến dịch trước đó, với một trung đoàn pháo cao xạ 37mm, 5 tiểu đoàn và một số đại đội, trung đội súng máy phòng không 12,7mm.
Nhiệm vụ của bộ đội phòng không là bảo vệ đội hình chiến đấu của lực lượng binh chủng hợp thành, khống chế không phận, triệt đường tiếp tế, tăng viện đường không, bảo vệ giao thông chiến dịch.
Đối với Trung đoàn 367, ta sử dụng lực lượng, bố trí đội hình, kịp thời chuyển hóa thế trận theo sự phát triển chiến đấu của bộ đội hợp thành trong từng đợt của chiến dịch; chỉ huy, phân chia hỏa lực của các tiểu đoàn, giao nhiệm vụ cho từng tiểu đoàn diệt từng tốp máy bay địch.
|
Bộ đội ta sử dụng súng máy phòng không tiêu diệt máy bay địch trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh Tư liệu
|
Nhờ đó, trong toàn chiến dịch, các đơn vị phòng không ở Điện Biên Phủ đã cùng pháo binh, bộ binh và các lực lượng bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại; riêng Trung đoàn 367 bắn rơi 52 máy bay địch.
Bộ đội phòng không đã bảo vệ được đội hình không phận chiến dịch, yểm trợ trận đánh mở đầu, bảo vệ an toàn lực lượng chủ yếu của chiến dịch, lực lượng chống địch phản kích, yểm trợ cho các mũi thọc sâu đánh vào trung tâm đề kháng của địch, tạo điều kiện cho bộ đội hợp thành thực hiện chiến thuật vây lấn và tiến hành tổng công kích giành thắng lợi hoàn toàn.
Nổi bật trong TCPK Chiến dịch Điện Biên Phủ là ta đã giữ được bí mật tuyệt đối và tạo bất ngờ cho địch. Với sự xuất hiện bất ngờ của pháo cao xạ, ta đã làm đảo lộn mọi tính toán chiến dịch của bộ chỉ huy địch, làm cho phi công địch từ chỗ hết sức chủ quan chuyển sang hoang mang lo sợ, buộc phải giải quyết nhiều vấn đề mới về chiến thuật, kỹ thuật.
Ta sử dụng lực lượng phòng không tập trung cho hướng chủ yếu, các trận đánh then chốt và thời cơ quan trọng nhằm tạo ra hỏa lực phòng không mạnh đánh thắng không quân địch trong từng trận đánh.
|
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng không 383 (Trung đoàn 367) bắt bám mục tiêu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Bộ đội phòng không đã bám sát bộ binh, đưa trận địa pháo phòng không vào sát cứ điểm của địch, nên đã yểm trợ đắc lực cho bộ binh tiến công cứ điểm trong tầm bắn có hiệu quả nhất. Cách đánh gần, táo bạo mang lại hiệu quả chiến đấu cao và trở thành cách đánh phổ biến, cách đánh truyền thống của Bộ đội phòng không Việt Nam.
Trong tác chiến, bộ đội phòng không đã thực hiện khống chế và thu hẹp không phận, tiến tới triệt hẳn nguồn tiếp tế và tăng viện đường không của địch; sử dụng lực lượng và cách đánh thích hợp bảo vệ giao thông chiến dịch.
Đồng thời, các đơn vị phòng không đã lợi dụng địa hình rừng núi, ngụy trang che giấu trận địa, sở chỉ huy; xây dựng trận địa và hệ thống công sự hầm hào hoàn chỉnh để hạn chế thương vong trước hỏa lực của không quân, pháo binh địch, bảo đảm cho bộ đội phòng không có điều kiện chiến đấu dài ngày, liên tục cả ngày lẫn đêm.
Bên cạnh đó, bộ đội phòng không thường xuyên cơ động đội hình phù hợp với yêu cầu tác chiến, tạo được thế có lợi bất ngờ đánh địch, mà địch không đánh trúng trận địa của ta.
|
Máy bay của Không quân Pháp bị bắn rơi ở chiến trường Điện Biên Phủ. Anh tư liệu |
Tác chiến trong điều kiện rừng núi, có nhiều góc che khuất, song bộ đội phòng không đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật, phương pháp xác định, bố trí trận địa, căn cứ vào nhiệm vụ chiến đấu, vào đặc điểm về địch, về địa hình và căn cứ vào thực tiễn chiến đấu để bổ sung, hoàn chỉnh thêm trong quá trình chiến đấu.
Kết hợp linh hoạt giữa hỏa lực tập trung với hỏa lực phân tán phù hợp với tình huống địch trên không; vận dụng linh hoạt các phương pháp bắn trong trường hợp xác định đủ phần tử và cả khi mây mù không xác định được phần tử. Để bắn máy bay địch thả dù, bộ đội phòng không đã nắm vững tính năng vũ khí, chuẩn bị sẵn các phần tử, thực hiện biện pháp lấy dấu chuẩn để sẵn sàng đánh địch...
Chiến thuật bộ binh “Vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật”
Ở các trận đánh mở màn chiến dịch vào cứ điểm Him Lam, Độc lập và Bản Kéo, bên cạnh tập trung binh lực theo sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy chiến dịch, Đại đoàn 312 và 308 đã tổ chức tốt hiệp đồng binh chủng đánh công kiên, tiêu diệt các cứ điểm kiên cố của địch
Quân ta đã sử dụng súng cối, lựu pháo, pháo ngắm bắn trực tiếp tập trung bắn chế áp, tiêu diệt các ụ súng, hỏa điểm của địch ở hai bên đầu cầu, chi viện cho bộ binh tiến hành mở cửa và xung phong, sau đó bắn vào sâu trong trận địa địch; bộ binh cơ động theo giao thông hào, chiến hào, trận địa xuất phát tiến công đã được chuẩn bị để áp sát địch, thực hiện mở cửa, đánh phá lần lượt các mục tiêu.
|
Các chiến sỹ xung kích của ta tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam để tấn công và tiêu diệt cứ điểm thuộc này của địch trong ngày mở đầu chiến dịch 13/3/1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
|
Thắng lợi của hai trận đầu chứng tỏ khả năng hiệp đồng tác chiến đánh cứ điểm kiên cố của Đại đoàn 312 và 308 đã có nhiều tiến bộ; bộ đội được rèn luyện về cách đánh công kiên tương đối chính quy, khẳng định sự phát triển chiến thuật về cách đánh của các đại đoàn chủ lực của chúng ta.
Bước vào đợt 2 chiến dịch, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương tập trung ưu thế tuyệt đối binh hỏa lực, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở khu đông, chiếm lĩnh một số trận địa pháo và các điểm cao, biến thành trận địa của ta để uy hiếp khu trung tâm Mường Thanh; đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện cho toàn mặt trận chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.
Trong đợt 2 của chiến dịch, các đại đoàn của ta chủ trương tổ chức các lực lượng nhỏ, hoạt động rộng khắp dưới hình thức đánh vây lấn, lần lượt đánh chiếm từng ụ đề kháng, tiêu diệt thêm một số vị trí của địch.
|
Các đơn vị xung kích của ta tấn công sân bay và làm chủ sân bay Mường Thanh, cắt đứt đường tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Tổ chức các đội dũng sĩ luồn sâu vào bên trong đánh phá kho tàng, bắt tù binh, tập kích các vị trí địch; tổ chức các tổ bắn tỉa, tổ đoạt dù tiếp tế; những đội hỏa lực cơ động hoạt động rộng khắp, tiêu hao sinh lực địch, làm cho chúng luôn lo sợ, căng thẳng, tinh thần suy sụp, tuyệt vọng.
Cùng với đó, thực hiện cơ động một số phân đội hỏa lực phòng không tiến sâu vào cánh đồng Mường Thanh, khống chế không phận, sử dụng các loại hỏa lực bắn máy bay bay thấp, buộc chúng phải thả dù ở trên cao nên không chính xác, phần lớn số dù tiếp tế rơi vào trận địa của ta. Chiến thuật đánh nhỏ đã phát huy khả năng tác chiến của bộ đội, tạo hiệu quả cao trong bao vây, tiêu diệt sinh lực địch.
|
Bộ đội ta tiến lên chiếm lô cốt cuối cùng của quân Pháp ở Đồi C1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
|
Đợt 3 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, các đơn vị đã tổ chức lực lượng tập trung tiêu diệt các điểm cố định, khi địch cố thủ thì tiến hành chiến đấu giữ vững trận địa, kết hợp bao vây chặt, không cho địch phản kích; tận dụng thời cơ, phối hợp các lực lượng đánh thẳng vào trung tâm, giải quyết dứt điểm từng cứ điểm, tạo thế để đánh chiếm các điểm còn lại.
Như vậy, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật phù hợp với thực tế chiến trường là yếu tố quan trọng để các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Từ tập trung lực lượng, hiệp đồng binh chủng đánh chiếm các cứ điểm quan trọng đến vây hãm, đột phá các cứ điểm đơn lẻ với lực lượng ít, khoảng thời gian dài cho đến tiến công vào khu vực có bố trí phòng ngự kiên cố, phức tạp của địch.
Đó còn là quá trình vây lấn kết hợp với đột phá, tiến công chính diện kết hợp với vu hồi sau lưng, bên sườn, thọc sâu, luồn sâu; chấp hành chủ trương, mệnh lệnh, bám sát thực tiễn chiến đấu để vận dụng các chiến thuật phù hợp, phát huy khả năng của bộ đội và toàn đơn vị để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tiến Minh