Chiến dịch Thunderhead và kế hoạch giải cứu phi công "điên rồ" của Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Theo kế hoạch này các phi công tù binh Mỹ phải đi bộ 100 trăm km từ Hà Nội ra tận cửa sông Hồng đổ ra biển, nơi các biệt kích hải quân Mỹ đang đợi sẵn, một kịch bản mà theo nhiều chuyên gia phân tích đánh giá là "tự sát".

Xin nhắc lại, đây không phải vụ tập kích Sơn Tây mà Mỹ thất bại ê chề trong năm 1970, mà là một kế hoạch "không tưởng" khác của Hải quân Mỹ nhằm giải cứu cho các phi công của mình ra khỏi miền Bắc Việt Nam diễn ra vào tháng 5/1972. Tất nhiên là kế hoạch này không thành công nhưng mức độ "không tưởng" của nó khiến nhiều người phải ngạc nhiên.
Kế hoạch bất khả thi của Lầu Năm Góc
Tháng 5/1972, tàu ngầm USS Grayback rời Philippines hướng thẳng tới Vịnh Bắc Bộ cho một phi vụ giải cứu bất khả thi hơn bất cứ nhiệm vụ bất khả thi nào Mỹ từng thực hiện ở Việt Nam. Nhưng làm sao mà một tàu ngầm có thể giải cứu được hàng trăm phi công Mỹ khi đó đang nằm ở tận Hà Nội - nơi nằm cách biển Thái Bình hàng trăm kilomets.
Kế hoạch giải cứu này mang tên Chiến dịch Thunderhead, được Lầu Năm Góc ra lệnh trực tiếp cho CIA thực hiện, quân đội Mỹ với lực lượng không quân, hải quân và biệt kích chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
 Khoang đổ bộ của tàu ngầm USS Grayback. Nguồn ảnh: CIA.GOV.
Thực tế, kế hoạch giải cứu không tưởng này đã được CIA đào tạo cho các phi công Mỹ từ trước khi họ tới Việt Nam và họ chỉ có duy nhất một cơ hội để thực hiện kế hoạch này.
Theo sự huấn luyện của CIA, mỗi phi công Mỹ khi bị bắt sẽ có cách thức liên lạc, tổ chức lại với nhau trong nơi chúng bị giam giữ ở miền Bắc Việt Nam. Dưới sự chỉ huy của một tên "cầm đầu nhà tù", các tù binh này sẽ sử dụng phương thức "liên lạc vệ tinh" với CIA bằng cách treo quần áo theo thứ tự quy ước trước, đào những hố, hào, đường rãnh trên mặt đất để những thông tin về trại tù binh được máy bay do thám hoặc vệ tinh Mỹ chụp được để từ đó truyền tin cho phía Mỹ.
Bằng cách thức truyền tin này, phía Mỹ đã biết được địa điểm ta nhốt tù binh ở Sơn Tây và từ đó đổ được biệt kích vào tấn công nhà tù này năm 1970. Tuy nhiên kế hoạch đã thất bại.
Cũng theo sự huấn luyện của CIA, mọi phi công Mỹ đều được huấn luyện các kỹ năng vượt ngục, sinh tồn trong rừng rậm và xác định phương hướng mà không cần la bàn. Theo quy ước, khi có tín hiệu của Mỹ, các tù binh này sẽ tìm cách vượt ngục, thoát khỏi nơi giam giữ và đến vùng biển quy định sẵn để lực lượng biệt kích Hải quân và tàu ngầm đón sẵn.
Tàu ngầm USS Greyback lên đường vào tháng 5/1972 vốn dĩ là để thực hiện nhiệm vụ đón "những tay cao bồi Mỹ" dám trốn trại từ Hà Nội và đi bộ tới tận... Thái Bình để được giải cứu.
Chiến dịch không tưởng
Khác với sự thất bại của chiến dịch tập kích Sơn Tây diễn ra trước đó 2 năm khi mà các tù binh phi công Mỹ chỉ việc nằm trong trại giam chờ biệt kích tới phá cửa giải cứu, kế hoạch lần này lại có phần khó khăn hơn cho các phi công Mỹ khi quân đội Mỹ và CIA đẩy phần khó nhất về phía các phi công - đó là tự vượt ngục và tìm được đường tới điểm hẹn định trước.
Trên tàu USS Greyback là lực lượng biệt kích hải quân SEAL 1 của Hải quân Mỹ, đây là lực lượng biệt kích tinh nhuệ bậc nhất của Hải quân Mỹ lúc bấy giờ, nhiệm vụ của lực lượng này đó là chiếm một bãi biển được đặt mật danh là "bãi giải tỏa", mọi phi công Mỹ đều thuộc lòng tọa độ và vị trí của bãi biển này từ trước khi sang Việt Nam và mỗi người trong số họ cũng tự hiểu rằng, khi có tín hiệu của Mỹ, chỉ việc trốn ra đến đây tức khắc sẽ có người đón theo ám hiệu từ trước.
 Địa điểm giải cứu nằm ở vùng giáp ranh giữa Thái Bình và Nam Hà, cách Hà Nội tới hơn 130km. Nguồn ảnh: CIA.GOV.
Bên trong "Hà Nội Hilton" - nơi giam giữ nhiều tù binh phi công nhất trong chiến tranh Việt Nam, tất cả đều không biết về việc chiến dịch giải cứu theo kiểu oái oăm này đã được thông qua - dù tất cả bọn họ đều từng học thuộc lòng các bước trong chiến dịch này từ trước khi sang Việt Nam chỉ để "đề phòng". Không một ai nghĩ lại có ngay họ phải thực hiện nhiệm vụ bất khả thi này.
Để thông báo thông tin cho các tù binh phi công biết rằng kế hoạch đã được triển khai và họ phải tìm đường ra điểm hẹn càng nhanh càng tốt, quân đội Mỹ đã sử dụng siêu máy bay do thám SR-71.
Thông điệp rất đơn giản, ba chiếc máy bay do thám SR-71 sẽ bay trên bầu trời Hà Nội và tăng tốc vượt qua bức tường âm thanh. Khi vượt qua bức tường âm thanh, một vụ nổ lớn sẽ diễn ra trong không khí và lan rộng, có thể nghe rõ ở khoảng cách nhiều chục kilomets. Thông điệp được phía CIA và tù binh phi công Mỹ thỏa thuận với nhau từ trước đó là ba tiếng nổ khi những chiếc SR-71 vượt bức tường âm thanh liên tiếp nhau vào lúc 3 giờ chiều.
Ba chiếc SR-71 của Mỹ lần lượt vượt qua bức tường âm thanh trên bầu trời Hà Nội vào lúc 3h chiều một ngày cuối tháng 5/1972, báo hiệu cho các phi công bị giam giữ ở Hilton Hà Nội về việc cuộc vượt ngục cần diễn ra càng nhanh càng tốt, Hải quân Mỹ đã chờ sẵn để đón các bạn ở điểm hẹn.
Sự lựa chọn khôn ngoan
Bên trong sà lim phòng giam, những sĩ quan cao cấp nhất của Không quân Mỹ và cũng là những tên "cầm đầu" chỉ huy toàn bộ toán phi công trong Hilton Hà Nội bàng hoàng không thể tin nổi tại sao Không quân Mỹ và Hải quân lại thông qua một kế hoạch ảo tưởng đến vậy.
Để có thể đi từ Hà Nội tới Thái Bình, những tên tù vượt ngục này không những phải vượt qua sự kiểm soát gắt gao của công an vũ trang và quân đội Việt Nam trong thời gian thiết quân luật vì máy bay Mỹ bắn phá, chúng thậm chí còn phải đánh cắp một chiếc xuồng máy hoặc một chiếc ghe để đi dọc sông Hồng tới được cửa biển - nơi hẹn sẵn.
Toàn bộ các tù binh phi công Mỹ cùng những tên đầu sỏ đứng đầu đám tù binh tại Hilton Hà Nội đều cho rằng kế hoạch này là bất khả thi. Nó bất khả thi từ việc vượt ngục khỏi "Hilton Hà Nội" cho tới hành trình đi từ Hà Nội tới tận Thái Bình, bất khả thi về mọi mặt. Nhất là vào thời gian đó, khi mà miền Bắc Việt Nam đang thiết quân luật và việc người da trắng xuất hiện ngoài đường phố miền Bắc thời bấy giờ là khó có thể xảy ra, sẽ thu hút quá nhiều sự chú ý.
Biệt kích Mỹ chờ đợi trong vô vọng
Theo đúng kế hoạch, biệt kích Mỹ sẽ chờ đợi ở "một hòn đảo nhỏ nơi sông Hồng đổ ra biển" và hy vọng các phi công sẽ may mắn đến được điểm hẹn bằng cách đánh cắp một chiếc xuồng máy và bơi thẳng ra biển hoặc bằng đường bộ.
Để "yểm trợ" cho các đồng đội vượt ngục, chiến dịch Thunderhead đã được Không quân Hải quân Mỹ vạch ra với việc ném bom không kích các khu vực quan trọng dọc sông Hồng nhằm tạo tình thế hỗn loạn cho toán phi công vượt ngục có thể trốn thoát dễ dàng.
Tuy vậy, sự chờ đợi là vô ích, không có bất cứ một phi công nào dám vượt ngục ra khỏi "Hilton Hà Nội".
Sau vài ngày chờ đợi trong vô vọng, biệt kích Mỹ phải rút lui khỏi đây, chiến dịch oanh tạc Thunderhead kết thúc.
 Lực lượng SEAL 1 của Hải quân Mỹ trên tàu USS Grayback tham gia chiến dịch giải cứu. Nguồn ảnh: CIA.GOV.
Trớ trêu thay, trong quá trình rút lui một biệt kích Hải quân Mỹ là Trung úy Melvin Spence Dry đã thiệt mạng do ngã gẫy cổ, kèm theo đó là hai biệt kích khác cũng bị thương nặng do nhảy từ máy bay trực thăng xuống nước.
Chiến dịch của Mỹ kết thúc thảm hại, không một phi công tù binh nào được giải cứu, một lính SEAL bị thiệt mạng trong lúc làm nhiệm vụ. Tuy nhiên do nhiệm vụ này dính dáng tới CIA và là nhiệm vụ tối mật, Trung úy Dry bị liệt vào hàng "mất tích" và chưa từng được coi là hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.
Mãi tới năm 2008, khi mà CIA giải mật các hồ sơ liên quan tới vụ đột kích này, phía Mỹ mới công nhận sự hy sinh của Trung úy Dry và trao tặng cho ông danh hiệu Ngôi sao Bạc. Melvin Spence Dry cũng là biệt kích SEAL cuối cùng của Mỹ thiệt mạng ở Việt Nam.

Mời độc giả xem Video: Phim tài liệu được Mỹ dựng lại kể về kế hoạch giải cứu "ảo tưởng" mà Hải quân Mỹ đề ra.

Tuấn Anh