Bãi Tà Lơn nằm ở phía Bắc đảo Phú Quốc của Việt Nam, cách thị xã Cam Pốt khoảng 20 km về phía Đông, cách cảng Côngpôngxom khoảng 90 km về phía Tây. Phía Bắc là dãy núi Tà Lơn, phía Nam là biển. Bãi đổ bộ Tà Lơn dài khoảng 300 m, có nhiều sú vẹt, cát, bùn xen lẫn đá ngầm. Độ sâu sát mép nước trở ra không đồng đều gây nhiều khó khăn khi tàu ta ủi bãi đổ bộ. Tuy nhiên khu vực này chỉ cách đảo Phú Quốc khoảng 14 km, nên cự ly hành quân trên biển ngắn và hoàn toàn có thể đổ bộ theo phương pháp bờ-bờ.
|
Hải quân đánh bộ cùng tăng - thiết giáp. Nguồn ảnh: Sách ảnh 60 năm HQNDVN anh hùng. |
Bè lũ Pôn Pốt phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là do các thế lực nước ngoài và bọn phản động quốc tế kích động, xúi giục, hậu thuẫn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đối phương đã từng là bạn chiến đấu của nhân dân Việt Nam nên phần nào chúng hiểu được cách đánh của ta. Chúng rất quen thuộc địa hình khu vực tác chiến trên biển, đảo, đất liền và có điều kiện huy động lực lượng để tác chiến. Khi chiến đấu, địch lợi dụng địa hình rừng núi, đảo và khu biển quen thuộc để ẩn nấp và kết hợp với pháo bờ hình thành thế trận phòng thủ vững chắc, liên hoàn. Tàu địch có nhiều kiểu loại, tốc độ cao, khả năng cơ động tốt, vũ khí pháo 57 mm, 37 mm và 25 mm của tàu tuần tiễu còn tương đối mới. Tàu phóng lôi là loại 123K có cải tiến. Lực lượng pháo bờ trên các đảo, trên một số nơi quan trọng dọc theo bờ biển là chỗ dựa cho tàu thuyền khi tác chiến.
Chế độ tay sai diệt chủng dã man tàn bạo ở Cam-pu-chia không được nhân dân ủng hộ. Chúng thực hiện chính sách bế quan, tỏa cảng nên không có sự ủng hộ của quốc tế. Khi chống phá ta thì cả thế và lực của chúng bị cô lập trên trường quốc tế. Về mặt quân sự, một bộ phận sinh lực quan trọng đã bị tiêu diệt. Nội bộ bị phân hoá, tinh thần chiến đấu sa sút, hoang mang, nên khi bị ta tiến công mạnh, áp đảo mãnh liệt thì dễ bị tan rã.
Theo đề nghị của cách mạng Cam-pu-chia, Quân đội ta giúp giải phóng nhân dân Cam-pu-chia khỏi họa diệt chủng là việc làm chính nghĩa. Do quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, với tinh thần quốc tế trong sáng, thực hiện “giúp bạn là tự giúp mình” nên Quân đội ta nói chung và đặc biệt là các lực lượng thuộc Quân chủng đã xác định rõ vinh dự và trách nhiệm, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao. Lực lượng Hải quân ta đã qua rèn luyện, chiến đấu trong chiến tranh chống Mỹ có một số kinh nghiệm về đánh tàu mặt nước, chống biệt kích xâm nhập, vận chuyển chi viện chiến trường... Cơ sở bảo đảm kỹ thuật đã được nâng cấp một bước, trình độ SSCĐ có tiến bộ, phần lớn cán bộ đã được thử thách trong chiến đấu... So sánh lực lượng, cục diện chiến trường đã thay đổi có lợi cho ta, không có lợi cho địch.
So sánh tương quan lực lượng hải quân giữa ta và địch cho thấy: Ta có số lượng và chất lượng hơn hẳn địch; hậu phương của ta lớn mạnh hơn địch. Nếu tập trung sử dụng lực lượng tàu thì hoàn toàn có khả năng kiểm soát được vùng biển phía Tây Nam nước ta. Ta có khả năng tiêu diệt một số tàu địch ở cự ly cách bờ, cách đảo khoảng 30 hải lý. Khi chiến đấu đánh tàu địch ở khu biển xa bờ, thì có khả năng đánh được một biên đội tàu địch 2-3 chiếc được trang bị hoả lực pháo từ 100 mm trở xuống.
|
Sơ đồ tác chiến tấn công tại mặt trận biên giới Tây Nam |
Nhiệm vụ trên giao nặng nề, yêu cầu phải tập trung lực lượng lớn và rất khẩn trương trong khi lực lượng và phương tiện đang phân tán làm nhiệm vụ ở nhiều nơi. Có đơn vị vừa làm nhiệm vụ ở biên giới về, thời gian củng cố rút kinh nghiệm chưa được bao lâu lại phải chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu. Mặt khác, nhiều đồng chí có kinh nghiệm chiến đấu được giải quyết chính sách, cho ra quân từ sau khi thống nhất đất nước. Hạm đội 171, Lữ đoàn 126 trong khi làm nhiệm vụ phía Tây Nam nhưng vẫn phải sẵn sàng làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa; Vùng 5 đưa quân tham gia chiến dịch nhưng phải bảo vệ vững chắc quần đảo Phú Quốc.
Phương tiện và trang bị tàu thuyền có nhiều kiểu loại, nhiều tàu hư hỏng, trước khi vào chiến đấu hầu hết phải sửa chữa, thậm chí phải huy động cả những tàu đang trong diện bảo quản ra sử dụng nên ảnh hưởng lớn đến việc cơ động chiến đấu… Đây là lần đầu tiên Quân chủng Hải quân sử dụng lực lượng lớn, tác chiến hiệp đồng quân binh chủng trên đất liền, trên biển, đảo rất phức tạp. Trình độ tổ chức chỉ huy hiệp đồng và kinh nghiệm trong tác chiến của cán bộ các cấp so với yêu cầu nhiệm vụ còn nhiều hạn chế.
Địa bàn tác chiến từ vùng biển Hà Tiên đến vùng biển Đông Nam Cam-pu-chia dài khoảng 100 km, chiều sâu 30-40 km, trong đó có những thành phố, hải cảng quan trọng như Côngpôngxom, quân cảng Ream. Đường bờ biển gấp khúc cùng với các đảo ven bờ tạo thành một số vịnh, vụng lớn nhỏ, thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ, điểm trú đậu của tàu thuyền.
Địch có thể lợi dụng địa hình ven biển có nhiều đảo nhỏ để bố trí hoả lực, hầm hào, công sự kiên cố, thực hiện lối đánh du kích, cho tàu thuyền ẩn nấp, bí mật, bất ngờ đánh vào cạnh sườn đội hình đổ bộ của ta, gây khó khăn cho công tác trinh sát và tiến công truy quét của ta. Đổ bộ đường biển và tiến sâu vào nội địa sẽ rất khó khăn bởi địa hình núi che chắn. Cảng dân sự Côngpôngxom và cảng quân sự Ream nằm trong tầm hoạt động của không quân ta, vì vậy nếu xảy ra đánh lớn, ta có khả năng dùng máy bay và tàu chiến phong toả con đường biển ra vào Cam-pu-chia, khoá chặt các cảng để chặn đứng nguồn tiếp tế huyết mạch của đối phương. Thuận lợi nhất là đổ quân vào cảng Côngpôngxom, theo đường quốc lộ tiến sâu vào nội địa, tới thẳng thủ đô Phnôm-pênh. Khoảng cách từ đảo Phú Quốc đến bãi Tà Lơn khoảng 14 km nên một số mục tiêu liên quan đến cuộc đổ bộ nằm trong tầm bắn hiệu quả của pháo lớn đặt trên một số đảo của ta.
Bãi Tà Lơn còn là bãi biển duy nhất trong khu vực có chiều dài lên đến 300 m, độ sâu thích hợp cho ta đổ bộ lực lượng đến cho cấp tiểu đoàn. Mặt khác, khu vực này địch bố trí phòng thủ sơ hở, khá thuận lợi cho ta đổ quân đánh chiếm đầu cầu, mở rộng bãi đổ bộ và phát triển tiến công tiếp theo trên bộ. (Còn nữa)
Theo Hải Nam/Báo Hải quân Việt Nam