Theo mạng Topwar, vào năm 2013, Quân đội Nga đã hoàn toàn loại khỏi biên chế xe tăng T-62 lỗi thời. Quyết định được thông qua bởi cục xe máy-tăng thiết giáp của Bộ Quốc phòng Nga.
Khi đó, việc loại biên xe tăng T-62 sẽ cho phép để bổ sung vào ngân sách nhà nước - sau khi tháo dỡ, các bộ phận của xe tăng sẽ được lưu trữ trong kho, sau đó sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài. Một số nước đã bày tỏ sự quan tâm đến khả năng mua lại những phụ tùng này.
|
Xe tăng T-62 với tháp pháo lắp giáp phản ứng nổ Kontakt-5. Nguồn ảnh: Topwar |
Lai lịch xe tăng T-62
Xe tăng hạng trung T-62 được phát triển vào cuối những năm 1950 trên cơ sở huyền thoại T-55. Chiếc xe vẫn được thiết kế theo kiểu truyền thống, trong đó khoang động cơ-truyền động nằm ở phần phía sau, khoang chỉ huy - ở phía trước, khoang chiến đấu - ở giữa. Vận hành xe tăng là kíp lái gồm bốn người – lái xe, chỉ huy, pháo thủ và nạp đạn.
Các kỹ sư đã tăng cường khả năng bảo vệ cho T-62 bởi loại giáp chống đạn đặc biệt làm từ thép cán và đúc đồng nhất. Vũ khí gồm một pháo nòng trơn cỡ 115 mm, súng máy đồng trục 7,62 mm và đại liên 12,7 mm. Xe tăng có thể đạt tốc độ lên đến 50 km/h, dự trữ hành trình 500 km trên đường cao tốc và 400 km trên địa hình gồ ghề. Thời gian phát triển T-62 cũng phù hợp với các tiêu chuẩn cao nhất - có thể vượt qua tường cao 0,8 m, hào rộng 2,85 mét và sâu đến 1,4 m (khi sử dụng ống thở - lên đến 5 m).
|
Xe tăng T-62 trong cuộc tập trận năm 1990. Nguồn ảnh: Topwar |
T-62 được đưa vào sản xuất vào năm 1961 và được sản xuất cho đến giữa năm 1970. Trong thời gian này nó đã có khoảng 20.000 xe tăng được xuất xưởng, và phục vụ không chỉ trong quân đội Liên Xô, mà còn trong quân đội của 27 quốc gia khác, bao gồm Algeria, Việt Nam, Ai Cập, Iran, Iraq, Israel, Somalia, Ethiopia, Mông Cổ và Tanzania.
Từ năm 1985, những chiếc xe tăng T-62 được hiện đại hóa được lắp giáp bảo vệ động năng. T-62 còn được lắp đặt hệ thống chống hủy diệt hàng loạt, có tác dụng bảo vệ tổ lái khỏi áp lực từ sóng xung kích của vụ nổ hạt nhân, bức xạ và bụi phóng xạ ion. Điều này đạt được bằng cách bịt kín thân xe và tháp pháo bởi những miếng nút đặc, cũng như nắp tự đóng và cửa hút khí.
Những trận chiến kinh điển của T-62
Trong suốt lịch sử của mình, T-62 trong lực lượng lục quân Liên Xô và Nga đã tham gia 7 cuộc xung đột vũ trang. Đặc biệt năm 1968, trong chiến dịch “Danube”, T-62 đã được đưa vào lãnh thổ Tiệp Khắc. Năm 1969, T-62 lại tham gia vào xung đột biên giới Trung-Xô trên đảo Daman, và trong những năm 1979-1989 đã được sử dụng rộng rãi bởi quân đội Liên Xô trong cuộc chiến ở Afghanistan.
|
Xe tăng T-62 trong cuộc xung đột Chechnya. Nguồn ảnh: Topwar |
Nga sau đó sử dụng xe tăng T-62 trong các chiến dịch Chechnya đầu tiên và thứ hai những năm 1994-2000, cuộc xung đột ở Dagestan vào năm 1999 và cuối cùng là vào năm 2008 trong cuộc chiến tranh ở Nam Ossetia.
Những cuộc xung đột quân sự lớn, trong đó T-62 đã tham gia trong thành phần quân đội nước ngoài đó là cuộc chiến “ngày tận thế” năm 1973 (trong thành phần của lữ đoàn tăng số 25 của Ai Cập), cuộc chiến tranh Lebanon năm 1982 (trong thành phần của quân đội Syria) và Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 ( quân đội Iraq).
Tương lai tiếp theo?
Quyết định về việc rút khỏi trang bị các xe tăng T-62 của Nga đã được chuẩn bị trong nhiều năm, và thực tế, không phải là một bất ngờ. Loại biên T-62 được thực hiện theo sắc lệnh của ông Anatoly Serdyukov vào năm 2011 (khi còn đang là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), trong đó yêu cầu các lực lượng vũ trang loại biên các loại vũ khí không cần thiết và chuyển sang xe tăng chủ lực cùng một cỡ nòng lớn hơn.
Trong biên chế Quân đội nga hiện chỉ còn có các xe tăng T-72 hiện đại hóa (trong biên chế hiện có 9.600 chiếc), T-80 (4.400 chiếc) và T-90 (800 chiếc), những xe tăng lỗi thời T-55, T-62 và T-64 phải đem tái chế, phế liệu.
|
Xe tăng T-62 trên đường tới Afghanistan. Nguồn ảnh: Topwar |
Chương trình tái trang bị vũ khí Nga đặt ra mục tiêu tăng tỉ lệ vũ khí hiện đại lên 75% vào năm 2020. Trong năm 2014, Bộ Quốc phòng Nga đã mua một lô thí điểm 16 xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 "Armata". Năm 2015 sẽ bắt đầu chuyển giao Armata cho quân đội. Vì vậy, trong vài năm tới sẽ lại có những mẫu xe tăng tiếp tục bị loại biên, bởi dự định sẽ thay thế tất cả các xe tăng bằng Armata.
Hiện nay thế giới đang hướng đến các cuộc chiến tranh phi tiếp xúc. Các cuộc không kích lớn, pháo kích và tên lửa tầm xa cũng có thể đảm đương nhiệm vụ của hàng ngàn xe tăng.
Thư Hoàn