Việt Nam thử vũ khí mới trên tàu chiến Mỹ chế tạo

Google News

(Kiến Thức) - Các tàu chiến cỡ nhỏ do Mỹ chế tạo PCF có trong trang bị cho các lực lượng Quân khu 9 đã được hiện đại hóa hỏa lực và thử nghiệm thành công.

Theo báo Quân đội Nhân dân, ngày 24/5, tại khu vực xã Hòn Chông, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, Bộ Quốc phòng tổ chức bắn thử nghiệm, đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ nghiên cứu, cải tiến một số loại vũ khí trên tàu PCF của Quân khu 9.
PCF (tên viết tắt của cụm từ Patrol Craft Fast) là loại tàu chiến nhỏ, tốc độ cao dùng cho hoạt động tuần tra, tác chiến vùng sông nước, nông do Mỹ thiết kế và đưa tới sử dụng trên chiến trường Việt Nam. Sau 1975, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã thu giữ được nhiều chiếc tàu kiểu này và biên chế sử dụng cho tới tận ngày nay.
 Tàu chiến PCF biên chế trong Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất hiện trong dịp kỷ niệm 37 năm Giải phóng Miền Nam ở Hậu Giang.
Theo tài liệu nước ngoài, PCF có thân vỏ nhôm, dài khoảng 15m, rộng 4m, mớn nước 1,5m. Tàu trang bị động cơ diesel GM 12V71N có công suất 480 mã lực cho tốc độ tối đa tới 21 hải lý/h đạt tầm hoạt động khoảng 590km. Thủy thủ đoàn chỉ cần khoảng 6 người gồm: sĩ quan chỉ huy; thủy thủ trưởng; 2 điện đài; lái tàu và 2 xạ thủ.
Hỏa lực của tàu PCF theo thiết kế của Mỹ thường gồm: một đại liên 12,7mm M2 Browning; một trung liên M60 cỡ 7,62mm và súng cối cỡ 81mm. Các thủy thủ có thể trang bị thêm súng trường tiến công và súng phóng lựu.
“Các đơn vị nghiên cứu, tham gia bắn thử nghiệm đã làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt. Quá trình tổ chức bắn thử nghiệm, các đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục đích, yêu cầu, nội dung từng hạng mục bắn; bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT)”, báo Quân đội Nhân dân cho biết.
Tuy không công bố chi tiết các loại vũ khí mới trang bị cho tàu PCF, nhưng nhiều khả năng đó có thể là các loại súng tương tự cỡ nòng trên mẫu gốc PCF nhưng là do Việt Nam chế tạo dựa theo thiết kế Nga.
Ụ súng máy ở đuôi tàu PCF mà Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam.
“Kết quả của buổi bắn thử nghiệm là cơ sở để các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu và thực hiện những phương án tiếp theo để hoàn thiện công nghệ, sản xuất VKTBKT phục vụ huấn luyện và SSCĐ, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp của Quân khu 9 nói riêng và của Quân đội nói chung”, Thượng tướng Thượng tướng Trương Quang Khánh cho biết.
Trước đó, chiều ngày 23/5, tại trường bắn K3, khu vực Chi Lăng, Quân khu 9, Cục Khoa học Quân sự, Quân khu 9, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng phối hợp tổ chức bắn thử nghiệm, đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ nghiên cứu, cải tiến thay thế vũ khí hỏa lực của Mỹ trên xe Thiết giáp M113 bằng vũ khí khí tài do Việt Nam chế tạo.
Hạng mục bắn thử gồm: Súng chống tăng 73mm SPG-9 bắn mục tiêu xe tăng; súng 12,7mm NSV bắn trực thăng bốc quân, bắn mục tiêu mặt đất; súng đại liên 7,62mm PKMSN bắn mục tiêu mặt đất. Quá trình bắn thử nghiệm, các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ, mục đích, yêu cầu, nội dung từng hạng mục bắn; bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, VKTBKT.
Hoàng Lê