Việt Nam và Hàn Quốc đang xem xét một cách nghiêm túc việc mua sắm các máy bay săn ngầm P-3 Orion và S-3 đã qua sử dụng và tân trang lại của hãng Lockheed Martin Corp, đại diện của công ty này cho hãng thông tấn Reuters biết.
Phía Việt Nam đang lên kế hoạch yêu cầu báo giá và các thông tin chính thức của 4-6 máy bay P-3 cũ của Hải quân Mỹ trong vài tháng tới, ông Clay Fearnow giám đốc chương trình tuần tra hàng hải của công ty Lockheed Martin cho biết với Reuters tại triển lãm hàng không ở Berlin (Đức) vào tuần trước.
Động thái dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam vào tháng trước đã mở đường cho những thỏa thuận như trên, nhưng bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần phải có sự xem xét một cách kỹ lưỡng từ chính phủ Mỹ, ông Clay Fearnow cho biết.
Nếu thương vụ này được chấp thuận, các máy bay trinh sát tuần tra P-3 của Hải quân Mỹ chưa sử dụng đang ở một sa mạc sẽ được tân trang với không chỉ đôi cánh mới mà còn có các thiết bị thông tin, tác chiến chống ngầm cho phía Việt Nam, Fearnow lưu ý.
|
Máy bay tuần tra chống ngầm P-3 Orion. |
Mức giá cho mỗi chiếc máy bay săn ngầm P-3 có thể từ 80 đến 90 triệu USD, tương đương mới mức giá mà phía Đài Loan cũng đã mua trong hợp đồng 12 chiếc P-3 vài năm trước.
Ông Fearnow cho biết thêm rằng, hãng Lockheed đã không chỉ chế tạo cánh mới mà còn nâng cấp tân trang cho hơn 90 máy bay săn ngầm P-3 cho các quốc gia khách hàng trên toàn thế giới như Mỹ, Na Uy, Đài Loan, Chile và Đức từ năm 2008. Một số đơn hàng vẫn đang trong quá trình hoàn tất.
Hai quốc gia Brazil và Hàn Quốc đang xem xét việc lắp đặt cánh mới cho các máy bay P-3 của họ. Tuy nhiên họ phải đưa ra quyết định trước ngày 1 tháng 9, nếu không họ sẽ phải trả giá cao hơn.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, họ không có bình luận gì về việc bán các máy bay trinh sát tuần tra P-3 hoặc S-3 cho đến khi họ nhận được các thông báo chính thức từ quốc hội Mỹ.
Ông Fearnow lưu ý thêm rằng, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Argentina cũng muốn trang bị cánh mới cho các máy bay P-3 của họ, tuy nhiên do nguồn ngân sách hạn hẹp nên họ chưa thể thực hiện. Nhật Bản đã thay thế các máy bay P-3 bằng các máy bay P-1 của họ, trong khi đó hải quân Mỹ thay thế các máy bay P-3 bằng các máy bay P-8 của Boeing.
Máy bay săn ngầm P-3 Orion có chiều dài 35,6 mét, cao 10,3 mét với sải cánh 30,4 mét, khối lượng cất cánh tối đa 63,45 tấn, sử dụng 4 động cơ cánh quạt T-56-A-13 công suất 4.600 mã lực/động cơ. Tốc độ tối đa của máy bay là 760 km/h, tầm hoạt động tới 4.400 km (khi tuần tiễu ở tốc độ 600 km/h).
P-3 Orion có thể đáp ứng nhiều vai trò từ tác chiến chống ngầm tới chống tàu mặt nước, tuần tra trinh sát biển, cứu hộ cứu nạn, do thám trên biển. Nó có khả năng triển khai ngư lôi 324mm, bom chống ngầm và tên lửa hành trình chống hạm Harpoon có tầm phóng 130km.
Trung Nghĩa