Trang mạng Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng Nga gần đây đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua được hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 (Hồng Kỳ-9) của Trung Quốc. Điều này chắc chắn sẽ làm xấu đi mối quan hệ hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước thành viên NATO trong lĩnh vực quân sự. Nhưng việc này có thể giúp họ thực hiện mục tiêu tăng quy mô mua trang thiết bị quân sự trong nước đã đề ra, nâng cao khả năng tự cung tự cấp quốc phòng. Trung Quốc có thể dễ dàng hơn so với các nhà thầu còn lại về việc chia sẻ công nghệ sản xuất tên lửa cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Trang tin tức quốc phòng Mỹ dẫn lời của một quan chức cấp cao của dự án mua vũ khí quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, chính phủ đã đưa ra kết luận cuối cùng cho rằng kiến nghị hợp tác mà Trung Quốc đề xuất xuất phát từ góc độ kỹ thuật có thể chấp nhận được. Điều này không chỉ có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ có được công nghệ tương ứng, mà chi phí cũng rẻ hơn nhiều so với phương án đề xuất của các quốc gia khác.
Hiện nay quyết định liên quan tới việc ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc còn chờ Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Ismet Yilmaz và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phê chuẩn.
Xem xét đến việc Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã có vị trí nước đối tác đối thoại của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, vì vậy việc tiến hành thương vụ giao dịch lớn với đối tác Trung Quốc sẽ nâng cao vị trí địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng xét tổng thể, lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng mạnh mẽ trong việc mua hệ thống vũ khí của Trung Quốc, không chỉ xuất phát từ mối quan tâm đối với vấn đề địa chính trị, mà còn là để nâng cao khả năng trình độ của ngành công nghiệp quân sự của nước này.
|
HQ-9 được Trung Quốc phát triển dựa trên công nghệ S-300 (Nga), và giờ đây nó lại đánh bại S-300 ở Thổ Nhĩ Kỳ.
|
Một quan chức ngoại giao Mỹ cho rằng, nếu mua tên lửa HQ-9 của Trung Quốc sẽ giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết được những khó khăn đối với trang thiết bị quân sự của NATO hiện có trong quân đội nước này.
Tuy nhiên, vị quan chức ngoại giao không thể đoán định chính phủ Mỹ sẽ đưa ra phản ứng gì về vấn đề này. Nhưng có thể nói, việc để Trung Quốc hay hệ thống chống tên lửa mà Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cùng nghiên cứu được tích hợp vào hệ thống vũ khí của NATO không phải là một ý tưởng hay.
Điều này sẽ làm giảm khả năng của hệ thống phòng không Thổ Nhĩ Kỳ, vì nó không thể dùng với radar cảnh báo mà NATO chế tạo được sử dụng phổ biến trong Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đang nghiên cứu chế tạo hệ thống giám sát không gian sản xuất trong nước, về mặt lý thuyết có thể được sử dụng như phương thức cảnh báo sớm của hệ thống chống tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo một số nguồn tin, kế hoạch xây dựng hệ thống chống tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ rất lớn bao gồm cả thiết bị giám sát không gian. Trong khi hệ thống vũ khí của Trung Quốc chưa được trải nghiệm trong thực chiến, liệu nó có khả năng đánh chặn tên lửa tầm xa không, vẫn chưa có bất kỳ số liệu đáng tin cậy nào được công khai.
Các chuyên gia quốc tế cũng nghi ngờ khả năng của tên lửa HQ-9 Trung Quốc có thể đánh chặn chính xác tên lửa tầm xa. Nhưng đối với Thổ Nhỹ Kỳ thì Trung Quốc có thể giúp thực hiện việc tự cung tự cấp trong lĩnh vực quốc phòng.
Cách đây vài năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra gói thầu cung cấp hệ thống phòng không mới cho nước này với các ứng viên gồm: hệ thống S-300 của Nga; hệ thống SAMP/T của châu âu; Patriot PAC-3 của Mỹ và HQ-9 của Trung Quốc. Cho đến nay, nước này vẫn chưa công bố chính thức “người chiến thắng” trong gói thầu.
Bằng Hữu