Thay vì được thiết kế bằng các vật liệu truyền thống như gỗ, kim loại hay composite, vừa qua Công ty Cổ phần Công nghệ James Boat đã sử dụng chất liệu mới là vật liệu PPC để đóng tàu thủy. Hiện nay, một số tàu tuần tra của cảnh sát biển, tàu chở khách, tàu đánh bắt cá xa bờ… đã được ứng dụng công nghệ này, nhằm hạn chế các khuyết điểm của vật liệu cũ.
Nhựa đặc chế tốt hơn kim loại
Vừa qua, ông Nguyễn Kim Sơn cùng Công ty Cổ phần Công nghệ James Boat đã ứng dụng và chế tạo thành công tàu thủy và các kết cấu nổi bằng công nghệ cao từ vật liệu mới PPC. Đây cũng là đề tài nghiên cứu đạt giải nhì giải thưởng Vifotec năm 2014 trong lĩnh vực vật liệu mới.
PPC có tên đầy đủ là Polypropylene copolymer, một loại nhựa có nhiều ưu điểm, thân thiện, an toàn và phù hợp với môi trường nước. Cụ thể, PPC có độ bóng tạo độ đẹp cho sản phẩm, cũng như tiết kiệm được tiền sơn sửa hàng năm so với các vật liệu khác. Khi dùng để đóng tàu sẽ không bị hà ăn, không bị nước xâm hại, không gây độc môi trường và sức khỏe.
|
Tàu cảnh sát biển được làm bằng vật liệu PPC. |
PPC chịu được tất cả các cơ tính như không bị biến dạng khi va đập, chịu tác động của ánh nắng hay thời tiết khắc nghiệt, không bị rêu bám, tính đàn hồi cao, giảm ma sát, kháng axit… Ngoài ra, PPC còn chịu được độ ẩm cao, cách âm tốt, giảm xóc, đạt được tốc độ lướt sóng cao. Điều đáng nói, nhựa PPC nhẹ hơn kim loại nên người dùng có thể tiết kiệm nhiên liệu xăng dầu…
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghệ James Boat, vật liệu nhựa PPC có tuổi thọ trên 30 năm. Có hai loại nhựa PPC được ứng dụng để đóng tàu thủy dựa trên nguồn nước ngọt hay mặn.
“Ngoài các ưu điểm trên, PPC có trọng lượng riêng nhỏ hơn nước nên hạn chế được tình trạng lật, chìm tàu thuyền. Đây là vật liệu mới được nghiên cứu bởi các nhà khoa học và các chuyên gia đóng tàu của Cộng hòa Séc và Cộng hòa liên bang Đức, được đơn vị sử dụng độc quyền tại Việt Nam. Hiện công nghệ đóng tàu bằng PPC trên thế giới không nhiều, vì thế khi ứng dụng công nghệ tiên tiến ở nước ta là một bước đi lớn”, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết.
|
PPC chịu được tất cả các cơ tính như không bị biến dạng khi va đập, chịu tác động của ánh nắng hay thời tiết khắc nghiệt, không bị rêu bám, tính đàn hồi cao, giảm ma sát, kháng axit… |
Mục sở thị tàu tuần tra bằng PPC
Ở góc độ khác, các chuyên gia về tàu thủy cũng cho biết, do PPC có đặc tính riêng biệt nên khi chế tạo, lắp ráp tàu cũng cần các công nghệ khoa học cao đi kèm. Cụ thể, do bằng nhựa nên không thể sử dụng cắt nhiệt, đồng thời để cắt các chi tiết chính xác cao cần phải sử dụng máy cắt áp lực nước 3D. Một chiếc máy nhìn bề ngoài rất đơn giản nhưng có giá hơn 10 tỷ đồng và khả năng thay thế 100 nhân viên. Máy có thể cắt được tất cả các vật liệu từ kim loại đến tấm bọt biển…
Ngoài ra, công nghệ hàn nhiệt cũng được sử dụng để hàn gắn các chi tiết của tàu. Hiện có ba cách hàn nhiệt dành cho tàu thủy là hàn mớm, hàn liên kết và hàn cố định. Sau khi hàn, các vết nối láng mịn, chịu được các tác động môi trường. Theo các chuyên gia, dây hàn và tấm nhựa phải được sản xuất từ một lô, để có những đặc tính giống nhau. Vì thế, khi nhập tấm PCC phải nhập luôn lô keo hàn nhằm đồng bộ hóa.
Tại sông Hồng, chúng tôi được mục sở thị tàu tuần tra cảnh sát biển được chế tạo từ vật liệu cao cấp này. Tàu có màu trắng, bóng sáng, lướt êm trên sông dù đạt tốc độ 80km/h. Các chi tiết trong tàu cũng được sử dụng vật liệu PPC như kệ bếp, bảng điều khiển. Kèm theo đó, tàu được thiết kế đầy đủ các tiện nghi như bếp từ, bồn rửa bát, tủ lạnh, nhà vệ sinh tự hoại khép kín…
“Các nhà khoa học đã phải mất 5 năm để tìm và thử các loại vật liệu, sau đó mới chọn được nhựa PPC. Vật liệu không chứa hóa chất và có tính trơ nên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay môi trường. Sản phẩm nhựa có thể tái chế để sản xuất đường ống, bao bì cho ngành thực phẩm… Giá thành sản phẩm không cao hơn so với các loại tàu bằng gỗ hay kim loại mặc dù ưu điểm vượt trội”.
Öng Đinh Văn Hiển (nguyên Bí thư thứ nhất, Đại Sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc, người đưa công nghệ mới này vào Việt Nam)
Thu Hiền