Cặp tàu hộ vệ Gepard 3.9 mới được Việt Nam đặt mua từ nhà máy đóng tàu Zelenodolsk AM. Gorky cách đây 2,5 năm sẽ được bàn giao chậm hơn 1 năm so với kế hoạch bàn đầu. Nguyên nhân được cho là thiếu động cơ tuabin khí do phía Ukraine đơn phương dừng cung cấp.
Phát biểu với hãng tin TASS hôm 15/6, Phó Giám đốc nhà máy đóng tàu Zelenodolsk AM. Gorky, ông Alexander Karpov nói rằng, công việc chế tạo hai tàu hộ vệ Gepard 3.9 mới cho Hải quân Việt Nam sẽ được lùi sang năm 2017 và 2018 do lỗi cung cấp động cơ từ công ty của Ukraina.
"Chúng tôi sẽ bàn giao 2 chiến hạm này cho Việt Nam vào năm 2017 và 2018, tức là chậm hơn kế hoạch trong hợp đồng 1 năm cho mỗi con tàu", ông Karov nói. Theo ông, Hải quân Việt Nam đã chính thức đặt hàng mua 2 tàu Gepard phiên bản chống ngầm từ cách đây hai năm rưỡi.
|
Một trong hai tàu Gepard 3.9 mà Nga đang chế tạo cho Việt Nam. |
"Chúng tôi vẫn tiến hành hợp đồng bình thường tới khi phía Ukraine từ chối cung cấp các động cơ tuabin khí. Vì vậy, thời hạn bàn giao tàu đã được lùi lại. Chúng tôi đang tìm cách giải quyết vấn đề này và dự kiến sẽ nhận được các động cơ mới vào tháng 9 tới", ông Karpov nói.
Được biết, hiện tại hai tàu Gepard 3.9 mới của Việt Nam đã được chế tạo xong phần khung thân và đang tiến hành hoàn thiện kiến trúc thượng tầng cũng như lắp đặt vũ khí. Trong đó có hệ thống pháo hạm AK-176M nâng cấp hiện đại hơn (cùng loại với pháo hạm được trang bị trên 2 tàu tên lửa Molniya số hiệu 379 và 380 mà HQVN vừa nhận vào trang bị). Việc lắp đặt động cơ tuabin khí cho tàu sẽ tạm thời dừng lại cho đến khi nhận được động cơ mới (có nguồn tin nói là sẽ chuyển sang mua động cơ của Đức).
Ngoài ra, theo báo cáo hôm 15/6, Giám đốc điều hành nhà máy đóng tàu AM. Gorky, ông Renat Mistahov khẳng định phía Việt Nam có ý định đặt mua thêm một cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 khác, được trang bị các hệ thống vũ khí tiên tiến hơn, đặc biệt là hệ thống tên lửa hiện đại để củng cố và tăng cường thêm sức mạnh cho hạm đội.
Theo báo Đất Việt