Malaysia sẽ xây dựng lữ đoàn lính thủy đánh bộ cũng như thành lập căn cứ hải quân ở Bintulu, trên khu vực Biển Đông. Kế hoạch này được Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Tun Hussein đưa ra vào ngày 10/10/2013.
Ông Hishammuddin Tun Hussein tuyên bố rằng, Hải quân Hoàng gia Malaysia sẽ thành lập căn cứ tại bờ Biển Đông để bảo vệ các vùng xung quanh và lượng dầu dự trữ. Căn cứ hải quân mới của Malaysia dự kiến sẽ gần James Shoal – là nơi Hải quân Trung Quốc (PLAN) tập trận ngày 26/3/2013.
Theo mô tả của ông Hishammuddin, căn cứ kể trên sẽ được thành lập nhằm phục vụ các hoạt động đổ bộ và đảm bảo an ninh cho bang Sabah – nơi bị các phiến quân Sulu tấn công vào tháng 2/2013.
|
Lâu nay, Hải quân Malaysia không có lính thủy đánh bộ mà duy trì lực lượng đặc nhiệm hải quân tương tự Navy SEAL của Mỹ.
|
Tuyên bố của ông Hishammuddin không đưa ra thêm bất cứ lý do nào nhưng tạp chí Jane's cho rằng căn cứ hải quân này được lên kế hoạch trước sự kiện cuộc tấn công của Sulu.
Mặc dù các binh sĩ lính thủy đánh bộ sẽ được tuyển từ cả 3 quân chủng – hải quân, lục quân và không quân – nhưng phần lớn sẽ được rút ra từ 3 tiểu đoàn lính dù thuộc Lữ đoàn Lính dù số 10 và thành lập tiểu đoàn lính thủy đánh bộ.
Hai trung đoàn Hải quân Hoàng gia Malaysia số 9 và số 8 đều đã thực hiện các cuộc huấn luyện tác chiến đổ bộ. Cuộc tập trận gần đây nhất là cuộc tập trận CARAT với lính thủy đánh bộ Mỹ cũng như tập trận đổ bộ với lính Pháp bằng tàu đổ bộ cỡ lớn Tonnerre.
|
Lính Hải quân Malaysia trong cuộc tập trận đổ bộ đường biển với Hải quân Mỹ.
|
Bộ Quốc phòng Malaysia vẫn chưa quyết định xem lực lượng Lính thủy đánh bộ sẽ nằm dưới quyền điều khiển trực tiếp của quân đội nước này hay lực lượng hải quân. Theo kế hoạch ban đầu, lực lượng này sẽ là lực lượng đặc biệt đặt dưới quyền điều khiển của trung tâm chỉ huy Liên quân hợp đồng chiến Malaysia trước khi có sự bố trí thích hợp hơn.
Malaysia cũng đang thảo luận với Mỹ để nhận được sự hỗ trợ đào tạo và trao đổi chuyên gia với nước này dành cho lực lượng kể trên.
Malaysia cũng đang tìm mua tàu đổ bộ chiến đấu. Nước này đang được Pháp chào hàng tàu đổ bộ lớp Mistral trong khi Hàn Quốc chào hàng tàu đổ bộ lớp Dokdo. Mỹ cũng đang mời chào Malaysia mua tàu đổ bộ USS Denver – dự kiến sẽ được Mỹ cho nghỉ hưu vào năm 2014.
Mỹ rất mong muốn Malaysia thành lập lực lượng lính thủy đánh bộ cũng như các điều luật hiện tại không cho phép lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ thực hiện các cuộc tập trận đào tạo với các lực lượng lính thủy đánh bộ đến từ các nước không được coi là đồng minh của Mỹ - chỉ có những cuộc tập trận nhiều binh chủng như CARAT là ngoại lệ. Malaysia cũng phát triển nhiều cuộc tập trận và trao đổi quân sự với Mỹ nhưng vẫn bị hạn chế do thiếu vắng lực lượng lính thủy đánh bộ.
|
Pháp đang mong muốn Malaysia mua tàu đổ bộ siêu lớn lớp Mistral.
|
Không chỉ vũ khí và trang thiết bị cho lính thủy đánh bộ, Mỹ còn mời chào Malaysia những vũ khí còn thừa từ các chiến dịch ở Afghanistan bao gồm vũ khí bộ binh, kính ngắm đêm và xe phá bom.
Malaysia còn được Mỹ mời chào máy bay trực thăng chiến đấu AH-1Z Super Cobra. Mặc dù Boeing đang rất tích cực mời chào AH-64 Apache nhưng Malaysia lại không muốn mua những vũ khí đang được các nước láng giềng sử dụng. Apache đang được Singapore sử dụng và Indonesia đã đặt mua.
Malaysia thành lập căn cứ hải quân ở Bintulu do các hành động xâm lấn của Trung Quốc vào vùng biển của nước này. Không giống như Philippines, Malaysia không công bố những hành động này để ngăn ngừa ảnh hưởng tới mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Tuy nhiên, các hành động của Trung Quốc ở vùng biển gần lại là nỗi lo của Kuala Lumpur.
Hải quân Hoàng gia Malaysia chỉ có một số lượng tàu khiêm tốn. Những con tàu chiến đấu vùng biển gần thế hệ thứ 2 SGPV–LCS sẽ bắt đầu hoạt động vào 2018 đóng vai trò quan trọng với nước này.
Nguyễn Hoàng