Trao đổi với Tuổi Trẻ phi công Nguyễn Nam Liên - từng là phi công quân sự cho biết chiều 14/6, khi đang lái máy bay dân sự từ Hà Nội về TP.HCM bay ngang vùng trời biển Nghệ An ông đã nhận được tín hiệu báo hiệu (ETL) của hệ thống định vị khẩn nguy của máy bay Su 30-MK2 gặp nạn. Ngay lập tức ông đã báo về đài kiểm soát không lưu Nội Bài vị trí phát tín hiệu này.
Theo phi công Nam Liên, các máy bay Su hiện được trang bị ghế phóng (ejection seat) K-36 do Nga sản xuất, khá hiện đại và an toàn.
Cơ hội sống cho phi công cao
|
Loại ghế phóng được dùng cho máy bay SU 30. |
“Nếu đã chạm được vào ghế K-36 thì cơ hội sống là có” phi công Nam Liên tiết lộ. “Nhưng phi công phải chủ động kéo cần đẩy ghế ra khỏi buồng lái”, ông Liên cho biết.
Vẫn theo phi công Nam Liên, ra khỏi máy bay là một lẽ, tồn tại trên không là một lẽ, rơi xuống đất/biển và sống được bao lâu lại là một lẽ khác.
Khi phi công mở chốt an toàn và kéo lẫy ra lệnh phóng ghế ra khỏi buồng lái thì hai chân, tay và người phi công sẽ bị kéo ngược vào thành ghế và các đai lúc này giữ chặt người lái khi bung lên khỏi máy bay, thường sẽ cách máy bay ở độ cao từ 60-90m trong thời gian rất nhanh.
Gần như cùng lúc đó hai dù định vị (nằm ở phía trên vai phi công) sẽ phóng ra để giữ ghế phi công cân bằng và một hệ thống tên lửa nhỏ được lập trình sẽ phóng chiếc ghế này ở tư thế thuận lợi nhất.
Sau đó phi công sẽ được tách ra khỏi ghế, kèm theo đó là dù bung ra để đỡ phi công hạn chế tác động khi chạm đất hoặc biển.
Ghế này hiện đại đến mức dù khi máy bay đang ở trạng thái nghiêng hay bay ngửa bụng, sau khi đưa phi công ra ngoài khoang lái sẽ tự động điều chỉnh lực đẩy để ghế luôn ở phương thẳng đứng thay vì đẩy phi công cắm thẳng xuống đất.
Từ những thập niên 70 khi máy bay gặp trục trặc, chưa rời khỏi mặt đất thì ghế cũng đã bung lên cao để cứu phi công. Tuy nhiên, khi phi công kéo lẫy để bật ghế ra sẽ không phát bất cứ tín hiệu nào về mặt đất để biết được họ đã rời máy bay.
Tín hiệu chỉ phát ra khi máy bay đập xuống đất/mặt biển khi đó lực tác động cực lớn sẽ kích hoạt hệ thống phát tín hiệu định vị khẩn cấp.
Trong trường hợp ghế bung ra ở độ cao 20.000m, môi trường xung quanh ôxy loãng, nhiệt độ quá lạnh dù sẽ chưa bung ra mà chiếc ghế nặng hơn 150kg này sẽ nhanh chóng rơi xuống độ cao 5.000m rồi mới bung dù ra.
Lúc này phi công sẽ thở bằng ôxy dự trữ có sẵn trong túi để ở dưới ghế ngồi. Khi xuống độ cao 5.000m phi công mới tự động tách khỏi ghế ngồi.
Có thùng chứa thức ăn, bộ đàm phát tín hiệu
Lúc này phi công sẽ rơi xuống cùng một thùng chứa các vật dụng và đồ ăn để tồn tại trong môi trường ngoài biển/mặt đất/rừng cho đến khi được cứu.
Thùng này chứa các thiết bị cứu hộ: xuồng phao, thức ăn, lọc nước ngọt, kính đánh tín hiệu, thuốc lọc nước, súng bắn pháo sáng, thuốc, lương khô... và cả bộ đàm cầm tay để tự phát tín hiệu để lực lượng tìm kiếm.
Thùng này được buộc với phi công bằng một sợi dây dài 15m.
Trong trường hợp bay biển áo phi công sẽ có túi chứa chất chống cá mập, khi rơi xuống nước phi công xé túi này ra thì một dung dịch loang ra, lấp lánh, phản quang trên mặt biển vừa để máy bay cứu nạn có thể dễ dàng nhận vừa có tác dụng đuổi cá mập.
Cũng trên áo này có túi chứa thuyền phao đủ để phi công chui vào trú ẩn. Các phi công khi thực hiện các bài bay tùy địa hình mà mang theo trang phục và thiết bị phù hợp.
Đồ nghề để phi công Su-30MK2 thoát hiểm có gì?
Một phi công tiêm kích Su-30MK2 nhiều kinh nghiệm cho biết khi có tình huống khẩn cấp, phi công sẽ sử dụng ghế dù để thoát hiểm.
Ghế dù (ghế thoát hiểm) rất hiện đại và thông minh, gồm nhiều thành phần: Dù, đạn hơi, tên lửa phóng ghế, túi dự bị khẩn cấp, hệ thống lực đẩy, hệ thống oxy, hệ thống điện….
Mỗi máy bay tiêm kích Su-30MK2 đều có 2 buồng lái. Khi phi công kéo cần nhảy dù phóng ghế, hai tên lửa phóng sẽ đẩy hai ghế dù lên. Phi công ở vị trí buồng sau thoát ra trước. Phi công ở vị trí buồng trước phóng lên sau. Nguyên tắc này không phụ thuộc phi công ở vị trí buồng lái nào kéo cần nhảy dù phóng ghế.
Ở độ cao trên 6.000m, sau 0,2 - 0,3 giây, hệ thống đạn hơi sẽ tự động nổ, tách phi công ra khỏi ghế và bung dù chính. Lúc này, hệ thống oxy dự trữ tự động cấp dưỡng khí vào mặt nạ cho phi công.
Trong hệ thống dù có túi cứu thương gồm: lương khô, thuốc chống cá mập, đạn phát tín hiệu, viên thuốc để lọc nước biển thành nước ngọt, hệ thống la bàn, hệ thống phát tín hiệu cấp cứu, dao, bật lửa, hệ thống vũ khí.
Khi bay biển, trong ghế còn có hệ thống thuyền phao. Đó là một túi có sợi dây dài khoảng 13m gắn vào đai quần phi công. Khi rơi xuống biển, tự hệ thống thuyền phao sẽ tự bung ra. Phi công sẽ kéo thuyền phao lại và leo lên.
Ngoài ra, phi công còn có áo phao là một túi nhỏ đeo trên người. Trong hệ thống áo phao còn có đèn tín hiệu sử dụng pin khô. Khi xuống nước, đèn tự kích hoạt sáng nhấp nháy.
Phi công còn có hệ thống còi, gương phản chiếu ánh mặt trời để lực lượng cứu hộ dễ phát hiện khi bay trên không.
Theo Tuổi Trẻ