Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không"
Ngày 17/12, Nixon chính thức ra lệnh mở cuộc tiến công bằng không quân vào Hà Nội và Hải Phòng. Chiến dịch mang tên Linebacker II. 10h15 phút ngày 18/12/ 1972, một chiếc
máy bay trinh sát không người lái của địch bay từ hướng Tây Bắc vào trinh sát Hà Nội. 19h10 phút, các đài radar cảnh giới của của binh chủng rađa báo cáo về sở chỉ huy trung tâm: "
B-52 đang bay vào hướng Hà Nội". 19h25 phút, không quân ta được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật Mỹ (F4, F8, F 111, A6, A7...). Cùng lúc ở Tam Đảo, Việt Trì, các đài quan sát dồn dập báo về Sở chỉ huy trung tâm: Máy bay F 111 ném bom sân bay Nội Bài, Kép... Từ 19h20 phút đến 20h 18 phút, nhiều tốp máy bay B-52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm... Đây là những cuộc chiến đấu mở đầu chiến dịch 12 ngày đêm "Hà Nội Điện Biên Phủ trên không".
|
Bộ đội tên lửa SAM-2 đã hạ gục nhiều "ngáo ộp" B-52 khiến người Mỹ thất kinh.
|
Ngày 29/12, Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” kết thúc. Trong 12 ngày, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn
bom xuống Hà Nội và các vùng lân cận, vượt quá khối lượng bom đã ném trong toàn bộ thời kì từ 1969 đến 1971. Đây là một chiến dịch sử dụng B52 lớn nhất từ trước đến nay với quy mô, cường độ và số lượng phương tiện chiến tranh, số lượng bom đạn khổng lồ.
Những cái đầu nóng ở Nhà Trắng khi đó tin rằng: Hà Nội sẽ không thể chịu nổi một chiến dịch ném bom như vậy và nhất định sẽ bị khuất phục, phải ký Hiệp định theo ý đồ của Mỹ. Trong Chiến dịch này Mỹ đã xuất kích hơn 600 lần chiếc B52 và hàng nghìn lần các loại máy bay hiện đại khác đã liên tục trong 12 ngày đêm rải xuống Hà Nội, Hải Phòng hàng vạn tấn bom đạn; phá hủy nhiều khu phố, nhà cửa, bệnh viện, trường học, công trình kinh tế, quốc phòng…và gây thương vong cho hàng nghìn người, trong đó có rất nhiều người già, phụ nữ, trẻ em.
|
Xác B-52 tại hồ Hữu Tiệp, Hà Nội.
|
Tổng kết chiến dịch, ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52. Chiến thắng cuộc tập kích bằng B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng của quân và dân ta là đòn giáng trả chí mạng vào sức mạnh không lực Mỹ, góp phần buộc Mỹ phải ký kết vào Hiệp định Paris, rút toàn bộ quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Chiến dịch Tây Nguyên
Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4 đến ngày 24/3/1975) là chiến dịch mở đầu cuộc tiến công chiến lược, đã tiêu diệt và đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của Mỹ, nguỵ ở Tây Nguyên, tạo ra đột biến về chiến lược và điều kiện thuận lợi phát triển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
|
Bộ đội ta hành quân vào Nam Tây Nguyên.
|
Vào năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã thảo luận và xác định Tây Nguyên là chiến trường chính, các chiến trường khác phối hợp. Với chủ trương ấy, ta quyết tâm chọn Buôn Ma Thuột làm trận đánh then chốt, trận mở màn đánh đòn hiểm nhằm vào chỗ sơ hở, điểm yếu của địch. Từ ngày 4/3/1975, ta chủ động cho các đơn vị đánh nhiều trận nhằm nghi binh, lừa địch.
2h sáng ngày 10/3/1975, ta nổ súng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột. Để nghi binh thu hút sự chú ý của địch, bộ đội đặc công và pháo binh nổ súng đánh sân bay Hòa Bình, hậu cứ Trung đoàn 53, khu kho Mai Hắc Đế. Lúc 7h sáng ngày 10/3, ta tiếp tục khai hỏa, địch không cứu được Đức Lập. Đến 11h30 phút ngày 11/3, ta giải phóng Buôn Ma Thuột bắt sống Vũ Thế Quang, Sư đoàn phó Sư đoàn 23 và Nguyễn Văn Luật, Tỉnh trưởng Đắc Lắc.
Ngày 12/3, địch cho các Trung đoàn 44 và 45, Sư đoàn 23 đổ bộ xuống đông Buôn Ma Thuột (khu vực Nông Trại, Phước An trên đường 21) và bị Sư đoàn 10 của ta phối thuộc xe tăng và pháo binh, lần lượt tiêu diệt trong các ngày từ 14 đến 18/3. Sau khi ta đánh tan Sư đoàn 23, địch “nhắm mắt” đưa một lữ đoàn dù bỏ Đà Nẵng về bảo vệ đèo Phượng Hoàng hòng ngăn chặn ta tiến xuống Nha Trang. Ta cho Sư đoàn 10 chuẩn bị đánh lữ đoàn dù nói trên trên đường Buôn Ma Thuột - Nha Trang.
|
Xe tăng ta tiến vào giải phóng các tỉnh, thành phố Tây Nguyên.
|
11h trưa 14/3, tại Cam Ranh diễn ra một cuộc họp ngụy, Nguyễn Văn Thiệu đã lệnh cho các tướng lĩnh đã quyết định rút quân khỏi Tây Nguyên theo đường số 7. Sáng sớm ngày 15/3, địch cho một số đơn vị rút quân. Đến trưa ngày 15 ngay cả CIA cũng bắt đầu di tản người Mỹ khỏi Pleiku. 13h chiều 15/3, cuộc di tản của Quân đoàn II chính thức bắt đầu trong sự cập rập, vội vã. Đến chiều 15/3, cánh quân đi đầu của thiết đoàn 19 ngụy qua Cheo Reo. 20 giờ tối 16/3, ta phát lệnh truy kích địch.
Đến ngày 24/3/1975 ta chủ động kết thúc chiến dịch. Trong Chiến dịch này, chỉ sau 8 ngày truy kích địch trên Đường số 7, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 28.514 tên địch, trong số đó có 4.502 chết hoặc bị thương, 16.822 người bị bắt làm tù binh. Ta thu giữ và phá 17.183 súng các loại, trong đó có 79 khẩu pháo từ 105 mm trở lên, gồm 48 khẩu pháo 105mm, 14 khẩu 155mm và 12 khẩu M107 175mm (mệnh danh Vua Chiến trường); phá hủy và thu giữ hơn 2.000 xe quân sự, trong đó có 207
xe tăng và xe bọc thép; bắn rơi 44 máy bay, thu và phá 110 chiếc khác.
Sau này, theo tính toán của Mỹ, trong số 60.000 quân khởi hành thì chỉ có 20.000 về đến đích và hầu như không còn sức chiến đấu. Trong số 7.000 biệt động quân chỉ còn 700 đến đích. Sau trận Buôn Ma Thuột và cuộc rút lui thảm họa trên đường số 7, Quân đoàn II không còn thực sự hiện hữu như là một lực lượng chiến đấu tương xứng với quy mô của nó nữa.
Chiến dịch Hồ Chí Minh
Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, là chiến dịch quân sự có thời gian ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ diễn ra trong 6 ngày (từ 26/4 đến 30/4/1975)
Ngày 14/4/1975, Bộ chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch, đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, phương án chiến dịch được thông qua lần cuối.
|
Xe tăng ta tiến vào Dinh Độc Lập.
|
Trong chiến dịch này ta tập trung lực lượng lớn, gồm: Quân đoàn 1 (thiếu Sư đoàn 308 ở lại bảo vệ miền Bắc), Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và Đoàn 232. Tổng số lực lượng là 15 sư đoàn, một lữ đoàn và 4 trung đoàn bộ binh; 20 lữ đoàn, trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh; 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn tăng thiết giáp; 8 lữ đoàn, trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công; 4 trung đoàn và 10 tiểu đoàn thông tin; một trung đoàn tên lửa, hai sư đoàn ô tô vận tải, một bộ phận hải quân và không quân, cùng lực lượng địa phương trong địa bàn chiến dịch.
Bộ Tư lệnh xác định hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch là hướng bắc và tây bắc, trong đó hướng tây bắc là chủ yếu nhất. Hướng đông và tây nam là những hướng hiểm yếu và quan trọng. 5 mục tiêu chủ yếu trong nội thành phải nhanh chóng đánh chiếm là: Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát, Dinh Độc Lập. Ngày 25/4, mọi công tác chuẩn bị của ta cơ bản đã hoàn thành, các lực lượng chiến dịch đã vào đến vị trí triển khai và sẵn sàng chờ lệnh nổ súng. 17 giờ ngày 26/4/1975, cuộc tổng công kích đánh chiếm Sài Gòn bắt đầu, mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Từ ngày 26 đến 28/4, ta tiến công vào tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, thực hiện bao vây cô lập triệt để Sài Gòn, tạo thêm thế có lợi để thực hành tiến công trên toàn mặt trận.
Ngày 29/4, đòn quân sự của ta đã chặn đánh và tiêu diệt các sư đoàn 22, 25, 5, 18, thủy quân lục chiến, các lữ 1 dù, lữ 3 kỵ binh ở tuyến ngoài của địch. Trong khi đó, các lực lượng đặc công, biệt động, bộ đội địa phương đã phá hủy các trận địa pháo, đánh chiếm các đồn bốt, chiếm giữ các cầu vùng ven.
Ngày 30/4/1975, các binh đoàn của ta đã thọc sâu hùng mạnh, tiến chiếm ngay các mục tiêu chiến lược của địch, bắt toàn bộ nội các bù nhìn của địch, buộc Dương Văn Minh phải lên đài phát thanh tuyên bố đầu hàng.
|
Xe tăng ta trên đường phố Sài Gòn ngày 30/4.
|
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng chủ lực, địa phương, cảnh sát thuộc quân khu 3 địch, lực lượng tổng trù bị còn lại và tàn quân của quân đoàn 1, quân đoàn 2. Đập tan hệ thống ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở, giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn/Gia Định và các tỉnh Tân An, Gò Công, Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa, Vũng Tàu… Tạo điều kiện cho Quân khu 8 và 9 cùng với nhân dân địa phương tiến công nổi dậy tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn quân khu 4 địch và giải phóng đồng bằng sông Cửu Long trong hai ngày 30/4 và 1/5/1975.
Chiến dịch Hồ Chí Minh tuy chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn nhưng là chiến dịch có ý nghĩa chiến lược. Những kinh nghiệm đã phát triển đến đỉnh cao của chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm phong phú thêm nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đại Dương