* Bài viết có sử dụng tư liệu Bách khoa tri thức quốc phòng Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam kéo dài 21 năm (1954-1975) đã giành được thắng lợi to lớn. Chúng ta đã đánh bại 4 kế hoạch chiến tranh xâm lược của Mỹ (Chiến tranh đơn phương, Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh) được 5 tổng thống Mỹ (Ai-xen-hao, Ken-nơ-đi, Giôn-xơn, Nich-xơn và Pho) điều hành. Mỹ đã chi cho cuộc chiến này tới 920 tỷ đô la, cao hơn rất nhiều so với các cuộc chiến tranh khác mà Mỹ đã tham gia.
|
Thua kém quân địch về nhiều mặt, đặc biệt là trang bị vũ khí, nhưng quân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành được nhiều chiến thắng oanh liệt.
|
Chúng huy động lúc cao nhất là 55 vạn quân viễn chinh, lôi kéo 5 nước ở châu Á – Thái Bình Dương tham chiến với số quân lúc cao nhất là hơn 7 vạn người trực tiếp chiến đấu và làm nòng cốt cho hơn 1 triệu quân tay sai ở miền Nam. Chúng đã dội xuống 2 miền đất nước ta khoảng 7,8 triệu tấn bom đạn - lớn hơn bất kỳ cuộc chiến tranh nào mà Mỹ đã sử dụng trước đó.
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng (22/12/1944-22/12/2015), báo điện tử Kiến Thức xin giới thiệu tóm tắt một số chiến thắng, chiến dịch tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ:
Chiến thắng Ấp Bắc
Nhằm tiêu diệt gọn đơn vị chủ lực Quân giải phóng, Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn mang mật danh “Đức Thắng 1/13” vào Ấp Bắc, thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, sáng 2/1/1963, địch bắt đầu cho lực lượng càn vào Ấp Bắc. Các đơn vị của ta lợi dụng công sự, trận địa chuẩn bị sẵn đã đánh bại 5 đợt tiến công của địch.
Kết quả, sau 5 đợt tiến công không thành công, quân và dân Ấp Bắc đã loại khỏi vòng chiến đấu 450 tên (trong đó có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5
máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, phá hủy 3 xe bọc thép M.113, đánh chìm 1
tàu chiến. Trận chống càn Ấp Bắc đã mở đầu đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của Mỹ và quân đội Sài Gòn.
|
Quân dân miền Nam dùng đại liên bắn trực thăng Mỹ.
|
Chiến dịch Bình Giã
Chiến dịch Bình Giã được chia làm hai đợt: Đợt 1 từ ngày 2 đến ngày 17/12/1964; Đợt 2 từ ngày 27/12/1964 đến ngày 3/1/1965. Lực lượng tham gia chiến dịch của ta gồm 2 trung đoàn bộ binh (761 và 762); Đoàn pháo binh 563 của Miền (Tiểu đoàn 35
súng cối 81mm và ĐKZ 75mm, Tiểu đoàn sơn pháo 75mm, Tiểu đoàn 41 súng máy phòng không 12,7mm); 2 tiểu đoàn bộ đội tập trung (800 và 500) của Quân khu 7; Tiểu đoàn 186 bộ đội tập trung của Quân khu 6, Đại đội 445 và một số trung đội của các huyện thuộc tỉnh Bà Rịa.
Kết quả, ta đã loại khỏi chiến đấu trên 1.700 (có hàng chục cố vấn Mỹ), bắt gần 300 địch, trong đó diệt gọn Tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến 4, Tiểu đoàn biệt động quân 33 và một chi đoàn xe cơ giới M113 (thuộc Thiết đoàn 1), đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn khác và nhiều đại đội, bắn rơi, phá hỏng 56 máy bay, (chủ yếu là máy bay trực thăng), phá huỷ 45 xe quân sự (phần lớn là xe M113, trong đó có 2 xe tăng M41), thu hơn 1.000 súng các loại và gần 100 máy thông tin.
Chiến dịch Ba Gia
Chiến dịch Ba Gia hay còn gọi là chiến dịch Tây Sơn Tịnh diễn ra từ ngày 28/5 đến 20/7/1965, chia làm 3 đợt, trên địa bàn các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và thị xã Quảng Ngãi. Trong đó Ba Gia là điểm then chốt, nhằm tiêu diệt tiểu đoàn ngụy và cố vấn Mỹ, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và Binh địch vận.
Kết thúc chiến dịch, ta tiêu diệt được 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn; loại khỏi chiến đấu 2.200 tên; phá 15 xe quân sự, bắn rơi 18 máy bay, thu 973 súng; hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng ở 29 xã thuộc 6 huyện của tỉnh Quảng Ngãi; giải phóng 167.600 dân thoát khỏi sự kìm kẹp của địch.
Chiến thắng Ba Gia là một trong những đòn quyết định, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ ở Quảng Ngãi. Đồng thời đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội ta, chỉ trong vòng hai ngày đêm, bằng một loạt trận chiến đấu vận động liên tục đánh địch dưới điều kiện phi pháo ác liệt, đã tiêu diệt hoàn toàn chiến đoàn hỗn hợp ngụy, đánh bại cuộc hành quân ứng cứu quy mô lớn.
|
Trực thăng Mỹ bay rợp trời trong cuộc đọ sức với quân giải phóng miền Nam.
|
Chiến dịch Đồng Xoài
Vào tháng 5/1965, Trung ương Cục, Quân ủy Miền quyết định mở chiến dịch Đồng Xoài với quy mô cấp tương đương sư đoàn tăng cường, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực tinh nhuệ của địch, hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng trên địa bàn các tỉnh Phước Long, Bình Long và phía Bắc tỉnh Bình Dương; phối hợp trên địa bàn bốn tỉnh Lâm Đồng, Bình Tuy, Long Khánh, Biên Hòa.
Tham gia chiến dịch Đồng Xoài, ta huy động 3 trung đoàn bộ binh (271, 272, 273), và tiểu đoàn 840 cùng lực lượng vũ trang địa phương có nhiệm vụ mở màn chiến dịch. Hướng phối hợp ở các tỉnh Lâm Đồng, Bình Tuy, Long An, Biên Hòa, Bà Rịa, tại đây ta sử dụng 1 trung đoàn (thiếu 1 tiểu đoàn) và 1 tiểu đoàn của Quân khu 6, có nhiệm vụ đánh phá giao thông, phân tán lực lượng địch.
Chiến dịch Đồng Xoài diễn ra từ ngày 10/5 đến ngày 22/7/1965, được chia làm 3 đợt. Sau hơn 2 tháng chiến đấu oanh liệt, quân ta đã tiêu diệt 4 tiểu đoàn (d7 dù, d1, d2/e7, d4/e1), 24 đại đội, 6 chi đội cơ giới, 4 phân đội kỹ thuật, loại khỏi vòng chiến đấu 4.459 tên, thu 1.652 súng các loại, phá 390 súng và 60 xe cơ giới, bắn rơi 34 máy bay các loại, phá 76 ấp chiến lược, giải phóng 56 ngàn dân, tổ chức được 180 du kích, vận động được 350 thanh niên tòng quân, góp phần thúc đẩy chiến tranh du kích tại địa bàn lên một bước mới.
|
Bộ đội ta tiến công địch.
|
Chiến dịch Đồng Xoài đã cho thấy bước phát triển cao hơn chiến dịch Bình Giã, bộ đội chủ lực Miền đã có nhiều tiến bộ trong đánh tiêu diệt, đánh công kiên. Trình độ tổ chức và điều hành chiến dịch của đội ngũ cán bộ đã có tiến bộ rõ rệt, ta đã tiêu diệt được một bộ phận sinh lực trong đó có các đơn vị tinh nhuệ (tiểu đoàn 7 và 4). Trình độ hiệp đồng trong tác chiến vận động đã có tiến bộ nhất là lần đầu tiên ta đã đánh công kiên giành thắng lợi.
Chiến dịch Đồng Xoài là sự phát triển của nghệ thuật chiến dịch tiến công, trong đó phải kể đến nghệ thuật mở màn và câu viện. Trong chiến dịch này, ta đã khéo kéo kết hợp giữa đánh điểm và diệt viện, giữa đánh địch trong công sự với diệt địch ngoài công sự. Vai trò đánh điểm đã thể hiện cả hai chức năng: Vừa câu viện vừa diệt sinh lực địch trong công sự vững chắc.
Chiến thắng Vạn Tường
Đêm 17/8/1965, hơn chục tàu chiến thuộc Hạm đội 7 - Mỹ đậu thành vòng cung ngoài khơi liên tục bắn đại bác vào thôn Vạn Tường và các điểm cao. Sáng ngày 18/8/1965, một lực lượng lớn quân Mỹ gồm 4 tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ, 1 tiểu đoàn
xe tăng và xe bọc thép, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly, 6 tàu đổ bộ và pháo hạm cùng hàng trăm máy bay chiến đấu, mở cuộc hành quân phối hợp hải, lục, không quân tiến vào Vạn Tường. Sau khi dùng pháo, máy bay bắn phá dọn đường, quân Mỹ liền chia thành 4 mũi tiến về Vạn Tường: 1 mũi theo đường bộ từ Chu Lai vào, 2 mũi đổ bộ đường biển và 1 mũi đổ bộ đường không.
Trận đánh kéo dài đến chiều tốì ngày 18, địch bị đánh thiệt hại 4 đại đội. Lính thuỷ đánh bộ Mỹ chẳng những không hợp điểm được tại thôn Vạn Tường theo ý định ban đầu, mà còn có nguy cơ bị sa lầy, bị diệt lớn. Hải quân Mỹ pháo kích dữ dội hòng làm giảm áp lực của ta và dùng máy bay lên thẳng chở lực lượng dự bị từ hạm đội đang đậu ngoài khơi đổ xuống Vạn Tường.
Ta tiếp tục tiến công cho đến khi màn đêm buông xuống thì trận đánh kết thúc. Quân Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 900 tên, 22 xe tăng, xe bọc thép, 13 máy bay bị bắn rơi. Đêm 18 rạng 19 lực lượng ta bí mật rút khỏi Vạn Tường an toàn.
Đánh giá về trận Vạn Tường, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng nói: “Nếu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Liên Xô, trận Stalingrad là một bước ngoặt chứng minh quân phát xít Hitler không phải là không đánh được, thì chúng ta cũng có thể coi trận Vạn Tường là một bước ngoặt chứng minh một cách hùng hồn rằng quân giải phóng miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh bại được quân đội Mỹ trong điều kiện chúng có mọi ưu thế tuyệt đối về binh khí và hỏa lực so với quân giải phóng”.
|
Đạo quân nhà nghề, trang bị hiện đại bậc nhất thế giới thê thảm, mệt mỏi.
|
Đánh bại cuộc hành quân Junction City của quân Mỹ
Tháng 1/1967, với lực lượng 3 lữ đoàn Mỹ cùng 3 chiến đoàn Ngụy và cuộc hành quân quy mô lớn nhất, dài ngày nhất mang tên Gian-xơn Xi-ti (Junction City), tập trung lực lượng đánh vào vùng Bắc Tây Ninh, sát biên giới Việt Nam-Campuchia. Lực lượng bao gồm: 31 tiểu đoàn bộ binh thuộc các Sư đoàn 1, 25, 4, 9 và các Lữ đoàn 196, 173 của Mỹ, 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến, 1 liên đoàn biệt động quân Quân đội Sài Gòn; 1 trung đoàn và 8 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp, 4 trung đoàn pháo binh (tổng số khoảng 45.000 quân) với sự yểm trợ của 17 phi đoàn không quân các loại...
Chiến dịch diễn ra bắt đầu từ ngày 22/2, kết thúc vào ngày 15/4/1967 và chia làm 2 đợt. Kết quả, ta đã bẻ gãy cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti của Mỹ. Toàn bộ các mục tiêu mà quân địch đề ra đều không thực hiện được.
Ngược lại, ta loại khỏi vòng chiến đấu 14.233 quân địch (chủ yếu là quân Mỹ), phá huỷ, phá hỏng 992 xe (có 775 xe tăng và xe thiết giáp), 112 khẩu pháo từ 105mm trở lên, bắn rơi và bắn hỏng 160 máy bay (có 144 trực thăng), tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị tinh nhuệ của Mỹ. Đây là thất bại lớn nhất của Mỹ tính đến thời điểm đó.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận xét: "Cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti là một cuộc hành quân lớn nhất của quân Mỹ vào vùng căn cứ Bắc Tây Ninh lại là cuộc hành quân thua đau nhất, là cái mốc đánh dấu đỉnh cao sự thất bại của chúng trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai trong âm mưu tìm diệt của chúng".
|
Bộ đội ta trong một chiến dịch.
|
Chiến dịch tiến công Đường 9-Khe Sanh
Cuối năm 1967, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng đánh vào tuyến phòng ngự vững chắc của địch ở khu vực Đường 9-Khe Sanh. Tham gia chiến dịch có 4 sư đoàn bộ binh (304, 320, 325, 324), các trung đoàn 27, 270, 2 tiểu đoàn BĐĐP tỉnh Quảng Trị; các trung đoàn pháo binh (45, 84, 164, 204, 675), các trung đoàn pháo phòng không (128, 282, 241), 1 tiểu đoàn và 5 đại đội đặc công, 1 tiểu đoàn xe tăng PT76 (4 đại đội), 1 tiểu đoàn thông tin, 1 tiểu đoàn trinh sát, 1 tiểu đoàn hóa học, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội súng phun lửa và bộ đội địa phương các huyện Cam Lộ, Do Linh, Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị.
Chiến dịch diễn ra 4 đợt, bắt đầu từ ngày 20/2 và kết thúc vào ngày 7/5/1967. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu 11.900 quân địch (có nhiều quân Mỹ), bắn rơi 197 máy bay, đánh chìm và hỏng 80 tàu vận tải; phá 78 xe (có 8 xe tăng), 46 khẩu pháo, cối và nhiều phương tiện chiến tranh khác, giải phóng khu vực đường số 9 và huyện Hướng Hóa với gần 10.000 dân, mở thông hành lang tuyến đường vận tải chiến lược Bắc-Nam chi viện chiến trường miền Nam.
Chiến dịch tiến công Đường 9-Khe Sanh thắng lợi có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước phát triển của quân đội ta về trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng, trong đó nổi lên nghệ thuật tập trung lực lượng vây hãm các cứ điểm, vận dụng các hình thức tác chiến linh hoạt và hiệp đồng chặt chẽ giữa các mũi, hướng trong quá trình tác chiến chiến dịch.
Đại Dương