Trong năm 2015, phía Mỹ công bố đã trao học bổng đầu tiên của Chương trình tập huấn Lãnh đạo Hàng không (Aviation Leadership Program - ALP) cho Thượng úy phi công Trịnh Công Huy. Đích thân Đại tá Không quân Mỹ Ray Powell đã trao cho Thượng úy Huy thư chúc mừng từ Tướng Lori Robinson, Tư lệnh Không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương.
Được biết, đây là chương trình học bổng danh giá, bao gồm các học phần tiếng Anh và huấn luyện bay. Sau khi rèn luyện tiếng Anh, Thượng úy Huy sẽ đến căn cứ Không quân Mỹ tại bang Mississippi để bắt đầu khóa tập huấn kéo dài một năm.
Việc phi công Việt Nam được Mỹ mời tham gia khóa đào tạo quy mô như trên chắc chắn không phải chỉ là việc tăng cường hợp tác thông thường, khả năng cao đây chính là bước đi đầu tiên nhằm tiến tới những hợp đồng mua sắm vũ khí hàng không lớn giữa hai nước sau khi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam.
Vậy, Việt Nam ưu tiên mua sắm máy bay nào đầu tiên? Đến nay, dù chưa có gì rõ ràng tuy nhiên theo thông tin được truyền thông phương Tây đăng tải, hàng loạt ứng cử viên sáng giá đang được Việt Nam đặc biệt quan tâm.
|
Máy bay tuần tra săn ngầm SC-130J Sea Hercules. |
Ứng cử viên mới
Tạp chí IHS Jane's ngày 30/3 cho biết, Hải quân Việt Nam đang dành sự quan tâm đặc biệt đến máy bay tuần tra săn ngầm S-3 Viking do Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất.
"Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm tới việc mua máy bay săn ngầm S-3 Viking nhằm nâng cao khả năng tuần tra biển và tác chiến chống ngầm", một đại diện của Lockheed Martin tuyên bố bên lề triển lãm hàng không FIDAE ở Santiago.
Giám đốc chương trình tuần tra biển của Lockheed Martin - ông Clay Fearnow cho biết, máy bay S-3 Viking thỏa mãn những yêu cầu về tuần tra biển và tác chiến chống ngầm từ phía Quân chủng Phòng không - Không quân và Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, vị đại diện nhà sản xuất không tiết lộ Việt Nam đang quan tâm đến phiên bản nào của S-3 bởi hiện nay, dòng máy bay này có 2 phiên bản là S-3 Viking và S-3B Viking - tất cả đều là những máy bay đã qua sử dụng.
Máy bay săn ngầm S-3 Viking và S-3B Viking nói riêng đều thiết kế cho nhiệm vụ nhận dạng, định vị, theo dõi và tấn công tàu ngầm đối phương bảo vệ biên đội chiến hạm. Máy bay có khả năng mang 2,2 tấn vũ khí gồm các loại bom, ngư lôi, tên lửa trong 4 giá treo thân và hai giá treo ngoài cánh.
S-3B có khả năng mang được hai tên lửa chống hạm AGM-84D hoặc chỉ một tên lửa hành trình đối đất AGM-84H/K SLAM-ER. Ngoài ra trên máy bay S-3 còn có hệ thống đối phó ALE-39 mang 90 đạn pháo sáng, mồi bẫy gây nhiễu tên lửa đối phương.
Lộ kẻ thay thế
Trước khi công khai muốn bán máy bay S-3 Viking cho Việt Nam, truyền thông Mỹ cho biết Hải quân Việt Nam đã tiến hành thảo luận với nhà sản xuất Mỹ về việc mua máy bay P-3 Orion.
Tuy nhiên hồi cuối năm 2015, tạp chí National Interest dẫn nguồn tin từ Lockheed Martin cho rằng, Việt Nam sẽ chọn SC-130J Sea Hercules thay cho P-3 Orion và hai bên đã bắt đều đàm phán về loại máy bay này.
Theo những thông tin ban đầu của Lockheed Martin, SC-130J kế thừa các hệ thống chống tàu ngầm được trang bị trên P-3C Orion. Nói cách khác, SC-130J có thể là nền tảng mới (khung gầm máy bay mới) lắp đặt các công nghệ cảm biến, vũ khí giống hệt P-3C.
Máy bay mạnh nhất
Ngoài những máy bay trên, tạp chí National Interest còn cho rằng Hải quân Việt Nam hiện đang dành sự quan tâm đặc biệt đến máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon - sản phẩm tập đoàn Boeing.
Theo nguồn tin từ nhà sản xuất, máy bay P-8A Poseidon được thiết kế để thực hiện một loạt vai trò gồm: tác chiến chống tàu ngầm; chống tàu mặt nước; phong tỏa hàng hải và tình báo điện tử.
Máy bay tuần biển P-8A làm việc với các vệ tinh có nhiệm vụ giám sát các căn cứ tàu ngầm, và thả các máy nghe dưới lòng biển để nghe tiếng tàu ngầm di chuyển, phối hợp với các tàu mặt nước có thiết bị sonar dò tìm dưới nước.
Một khi xác định được mục tiêu tiềm tàng, chiếc P-8A liền thả các phao chìm mang thiết bị dò tìm sonar, sau đó bay vòng vòng trên khu vực này để nhận tín hiệu từ phao chìm truyền lên. Những tín hiệu này sẽ hiện lên màn hình trên máy bay và được các chuyên gia, người được đào tạo để nhận ra các ký âm của tàu ngầm xử lý.
Ngoài những máy bay tuần tra săn ngầm, tiêm kích F-16 cũng được coi là ứng cử viên sáng giá trong Không quân Việt Nam để thế chỗ cho phi đội MiG-21 vừa nghỉ hưu.
Mời quý độc giả xem video Máy bay bị bắn rơi (nguồn Youtube):
Theo Đất Việt