Đây là nhận định của bài phân tích mới đây trên trang Defense News (Mỹ).
Bài phân tích dẫn một nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ tiết lộ, với việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí Mỹ cho Việt Nam, chính quyền Hà Nội sẽ tìm kiếm các giải pháp để cải thiện khả năng phòng không và an ninh biển với việc mua sắm các chiến đấu cơ F-16 theo Chương trình bán trang bị quân sự dư thừa (EDA) của Lầu Năm Góc và tân trang lại các máy bay tuần tra biển P-3C Orion bằng cách lắp thêm các ngư lôi.
|
Việt Nam có thể mua F-16 theo chương trình EDA. Ảnh: Airforce-technology.com.
|
Trước đây, các ngư lôi được xếp vào loại vũ khí cấm bán cho Việt Nam, nhưng giờ Việt Nam cũng có thể sử dụng được ngư lôi giống như chương trình P-3 mà Mỹ bán cho Đài Loan. Còn với F-16 EDA, Việt Nam cũng có thể đặt đơn hàng tương tự với chính phủ Obama như Indonesia đã từng thực hiện.
Nguồn tin trên cũng cho biết, Việt Nam có thể tìm mua cả các máy bay không người lái (UAV) do Mỹ sản xuất để thực hiện các nhiệm vụ, tình báo, trinh thám và giám sát (ISR).
Tờ Defense News xác nhận, đã có trong tay một bản báo cáo tóm tắt về ngành công nghiệp quốc phòng do Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ chuẩn bị. Bản báo cáo này cho biết, Việt Nam là nước đang được Mỹ đưa vào Kế hoạch hợp tác an ninh. Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cũng đang có một chương trình hợp tác an ninh bảo mật để đạt được các mục tiêu trong chính sách và lợi ích của Mỹ nhằm thúc đẩy việc hội nhập và truy cập vào các lĩnh vực chủ chốt với kiến trúc an ninh của Việt Nam.
Báo cáo cho rằng, chương trình hợp tác bao gồm cả việc nâng cao nhận thức về các khu vực trên không và biển, cung cấp an ninh hàng hải để đối phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, cung cấp các phản ứng chống lại tất cả các mối nguy nghiệm và hỗ trợ dân sự, tham gia vào phòng vệ trong khu vực và các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.
“Tổ chức hợp tác an ninh (SCO) đang được thực hiện và có thể cung cấp các hỗ trợ trong nước cùng các hợp tác trong các chương trình để mở rộng điều khoản mua sắm quốc phòng Mỹ và hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển bền vững lực lượng vũ trang chuyên nghiệp”, Defense News dẫn nguồn báo cáo cho biết.
|
Việt Nam cũng có thể mua P-3C Orion loại được tân trang và gắn thêm ngư lôi. Ảnh: Naval-technology.com
|
Theo báo cáo, Việt Nam để thúc đẩy bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế biển sẽ tăng cường cải tiến, nâng cấp khả năng tác chiến ngầm, phòng không trên biển, chống ngầm và tác chiến trên mặt biển, cảnh báo sớm, các thiết bị chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, tính toán, tình báo, trinh sát và giám sát. Việt Nam sẽ tham gia sản xuất các radar quét trên biển với tần số cao trong một hợp đồng trị giá 30 triệu USD của Mỹ.
Báo cáo cho rằng, lục quân Việt Nam nên chuyển dịch cấu trúc bảo vệ lãnh thổ và coi đó như một nhiệm vụ trung tâm trong bảo vệ chủ quyền quốc gia và nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai. Trong khi Không quân Việt Nam cần nâng cao khả năng cảnh báo sớm và các hoạt động ISR trên không, phát triển khả năng khoanh vùng cấm và đào tạo phi công. Còn hải quân cần trang bị thêm các thiết bị điện tử, tình báo, mở rộng khả năng thực thi pháp luật biển, phát triển không quân hải quân và nâng cao cảnh báo sớm.
Báo cáo lưu ý, Đại sứ quán Mỹ luôn xúc tiến quan hệ hợp tác của Mỹ dựa trên quan điểm xây dựng đối tác tin cậy trong các vấn đề phức tạp và cùng hướng tới các vấn đề an ninh. Trong đó Mỹ hy vọng sẽ thiết lập các mối quan hệ quân sự ngoài sân chơi truyền thống để hỗ trợ việc mua bán quốc phòng, dịch vụ, sửa chữa, hợp tác khoa học và công nghệ.
Văn Biên