Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), với âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc.
Nhiệm vụ đảm bảo vũ khí cho các lực lượng vũ trang của ta chiến đấu với một kẻ thù có tiềm lực về kinh tế, quân sự mạnh bậc nhất thế giới đã đặt ra cho Ngành Quân giới những yêu cầu mới hết sức nặng nề. Nhiều cán bộ, công nhân quân giới năm xưa cùng với lớp cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân trẻ mới được bổ sung lại tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Ở miền Bắc, các xí nghiệp quốc phòng ngày càng được củng cố, tiếp tục sản xuất vũ khí bộ binh thông thường, đồng thời phối hợp chặt chẽ với một số trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài quân đội nghiên cứu, cải tiến thành công một số loại vũ khí do các nước bạn viện trợ. Những chiến công trong cải tiến vũ khí, khí tài phòng không góp phần bắn rơi nhiều máy bay hiện đại của Mỹ, kể cả pháo đài bay B-52; nghiên cứu và chế tạo các phương tiện rà phá bom từ trường, rà phá thuỷ lôi của địch, góp phần bảo đảm các tuyến giao thông thuỷ, bộ ra chiến trường thông suốt; nghiên cứu, chế tạo thành công một số loại vũ khí trang bị cho bộ đội đặc công; tổ chức sản xuất một số loại vũ khí mà chiến trường rất cần như súng cối 81mm, súng và đạn chống tăng CT62, mìn định hướng...
|
Tổng cục CNQP đã có những đóng góp quan trọng trong bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của toàn quân. Trong ảnh: LLVT tỉnh Vĩnh Phúc diễn tập thực binh (năm 2011) về động viên thí điểm tổ chức xây dựng các đơn vị dự bị động viên trong tình hình mới. Ảnh: Hoàng Hà. |
Với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt và bám sát phương châm lấy súng địch đánh địch, các nhà máy quân giới ở miền Bắc đã tận dụng sửa chữa vũ khí ta thu được của địch trong kháng chiến chống Pháp…kịp thời chi viện có hiệu quả cho đồng bào, đồng chí miền Nam chiến đấu, đánh đắm nhiều tàu chiến, phá huỷ nhiều máy bay, tiêu hao sinh lực địch, làm thất bại nhiều cuộc càn quét của Mỹ, ngụy.
Tại vùng căn cứ ở Khu V và Nam Bộ, một vài xưởng thời kỳ kháng chiến chống Pháp hoạt động trở lại và nhanh chóng phát triển thành hàng chục xưởng mới, rải khắp từ các quân khu, các tỉnh, các huyện đến các xã, đáp ứng yêu cầu cung cấp vũ khí tại chỗ cho chiến tranh nhân dân.
Quân giới miền Nam đã tận dụng vũ khí thu được của địch, chế ra nhiều vũ khí dễ sử dụng và đánh địch có hiệu quả; cải tiến những vũ khí hiện đại như: Đạn hoả tiễn mang lượng nổ lớn, các loại mìn phóng, đạn bay…đánh vào các sân bay, tàu chiến và các căn cứ của địch.
Với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, ngành Quân giới đã có bước phát triển vượt bậc. Sau 10 năm (1955-1965) số lượng nhà máy Quân giới ở miền Bắc đã tăng 5 lần, quy mô sản xuất tăng gấp 20 đến 30 lần... Đây cũng là thời kỳ Ngành Quân giới đã phát huy cao độ tinh thần độc lập tự chủ, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, công nhân. Điển hình nhất là việc nghiên cứu, sản xuất các phương tiện chống thủ đoạn phong toả của địch. Những viên phe-rít nhỏ bé hay các thiết bị phóng từ đặt trên xe ô tô, ca nô... do các cơ sở Quân giới chế tạo đã trở thành những trang bị có tác dụng rất tốt trong việc rà phá bom mìn, thuỷ lôi, khai thông các tuyến đường bộ, đường thuỷ.
Bằng tinh thần tự chủ, sáng tạo, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Ngành Quân giới không những đã tạo ra được nhiều loại vũ khí đáp ứng yêu cầu tác chiến của chiến trường, góp phần nâng cao hiệu quả chiến đấu của các lực lượng vũ trang mà còn làm giàu thêm vốn kinh nghiệm của ngành trong bảo đảm kỹ thuật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Theo Quân Đội Nhân Dân