Đó là nhận định của bài phân tích hôm 23/5/2016 trên tờ CNN.com (Mỹ). Bài báo cho biết, Việt Nam gần đây đã tăng nhanh chóng chi tiêu cho quân sự do trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông. Không những thế, Việt Nam có thể sớm sẽ còn nâng cấp hơn nữa khả năng phòng thủ của mình. Nhất là trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố chấm dứt hoàn toàn lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí của Mỹ cho Việt Nam suốt trong nhiều thập kỷ qua.
|
Tàu ngầm Việt Nam mua từ Nga. Ảnh: CNN.com
|
CNN.com dẫn dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) cho biết, năm ngoái Việt Nam chi cho quân sự ước tính lên tới 4,4 tỷ USD, tương đương với 8% chi tiêu của chính phủ. Đây là con số tăng cực nhanh so với năm 2005 khi mà
chi tiêu cho quân sự-quốc phòng của Việt Nam chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, CNN cũng lưu ý đây chỉ là một con số tương đối bởi vì ngân sách cho quốc phòng của chính phủ Việt Nam chưa được công bố công khai.
Theo Jon Grevatt – Chuyên gia phân tích công nghiệp quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương tại Tạp chí JHS Jane’s, ngân sách chi tiêu cho quốc phòng của Việt Nam trong năm 2016 sẽ tăng tới 5 tỷ USD và ước đạt 6,2 tỷ USD vào năm 2020.
Trong khi theo SIPRI, số tiền chi cho quốc phòng của Việt Nam có thể còn tăng nhanh hơn, thậm chí còn đạt tới mức là một trong những quốc gia chi tiêu lớn cho quốc phòng trên thế giới. Hiện Mỹ đang dẫn đầu toàn cầu về lĩnh vực này với ngân sách 596 tỷ USD cho quốc phòng năm 2015. Còn Trung Quốc là quốc gia đứng thứ hai với ngân sách chi tiêu khoảng 215 tỷ USD cho quốc phòng năm 2015.
CNN.com cho rằng, với đà chi tiêu như vậy thì Mỹ sẽ có cơ hội lớn không kém gì các đối tác lớn của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, khoảng 80% mua sắm quân sự của Việt Nam đều được ký kết với phía Nga. Điển hình như việc mua sắm để hiện đại hóa khả năng phòng thủ, tác chiến, nhất là các hạm đội tàu ngầm và tàu mặt nước. Ngoài ra Việt Nam cũng tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển bằng việc mua sắm các tên lửa và các loại pháo chống tàu. Trong khi lực lượng không quân chủ yếu là các máy bay do Nga sản xuất.
Tuy Moscow vẫn lạc quan sẽ tiếp tục dẫn đầu về xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam, nhưng các nước châu Âu và Israel cũng đã bắt đầu tiến vào thị trường này. Vậy còn với Mỹ thì sao? “Bối cảnh này sẽ tạo cơ hội cho Mỹ không khác gì với các đối tác khác của Việt Nam”, chuyên gia Grevatt nói.
Hiện Mỹ đã bán một số thiết bị quân sự cho Việt Nam. Đó là lô thiết bị vốn đã bị trì hoãn hai lần trong thập niên qua, và gần đây nhất là vào năm 2014. Mới đây Washington đã chuyển cho Việt Nam 6 tàu tuần tra cao tốc góp phần giúp Việt Nam bảo vệ bờ biển trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông.
Tạp chí JHS Jane’s cho rằng, Việt Nam đang xem xét mua một số thiết bị, vũ khí quân sự từ Mỹ, bao gồm cả loại máy bay tuần tra biển P-3 Orion của Lockheed Martin và các radar bảo vệ bờ biển của Raytheon.
Trong thời gian tới nhiều hoạt động thương mại, bao gồm cả hợp tác giữ Việt Nam và Mỹ dự kiến sẽ được triển khai. Việt Nam cũng được cho là đang đẩy mạnh gia nhập vào cùng sản xuất cũng như đầu tư cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D) để nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất thiết bị, vũ khí quân sự nội địa.
Văn Biên