Tờ Defense News mới đây đã đăng tải bài bình luận về quá trình hiện đại hóa trang bị của Hải quân Việt Nam dẫn lời nhiều chuyên gia quân sự uy tín trên thế giới.
Cụ thể, Defense News dẫn lời chuyên gia phân tích Carl Thayer cho biết, Hải quân Việt Nam dự kiến mua 4 tàu hộ tống lớp Sigma từ Nhà máy Damen Hà Lan, trong đó có hai tàu lớp này sẽ được đóng tại Việt Nam.
Theo Amy McDonald, nhà phân tích hải quân tại AMI International Naval Analyst &Advisors, trong khi rất nhiều quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đầu tư và các tàu ngầm và tàu nổi cỡ lớn với phạm vi hoạt động rộng thì yêu cầu về các tàu cỡ nhỏ, tốc độ nhanh vẫn là một đòi hỏi cần thiết hơn.
|
Việt Nam có thể mua 14 tàu tuần tra ven bờ của GRSE, Ấn Độ.
|
Về điểm này, McDonald tin rằng
Hải quân Việt Nam đang đi đúng hướng. Với việc mở rộng vai trò của các tàu cỡ nhỏ, Việt Nam đang dần lấp các khoảng trống về an ninh này. McDonald cho rằng, theo các kế hoạch đặt mua của Việt Nam, thì các tàu tuần tra cao tốc, các tàu tấn công nhanh cỡ nhỏ, các tàu tên lửa và tàu ngầm đều có phạm vi hoạt động hiệu quả ở khoảng cách ngắn. Điều này sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ, tuần tra ở vùng lãnh hải ở Biển Đông.
Cùng với hướng đi mua các tàu chiến, tàu tuần tra cỡ nhỏ, Việt Nam cũng được cho đang tìm kiếm mua các nền tảng máy bay tuần tra hàng hải, các thiết bị bay không người lái và các chiến đấu cơ khác với thị trường truyền thống là Nga. Defensenews tiết lộ, Lockheed Martin, Boeing của Mỹ cũng đang để mắt tới việc cung cấp các loại máy bay kể từ sau khi lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam được Mỹ nới lỏng.
Để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa hải quân nói riêng và quân đội nói chung, Việt Nam được cho là đã ký kết bản ghi nhớ và các thỏa thuận quốc phòng với nhiều nước khác nhau.
Defensenews cho biết, các thỏa thuận này cho thấy Việt nam vẫn đang tìm kiếm sự hỗ trợ, các trang thiết bị bị và các dịch vụ trong 6 lĩnh vực chính: lưu trữ, bảo trì và nâng cấp các thiết bị hiện có; hiện đại hóa các thiết bị và nền tảng vũ khí cho Lục quân, Hải quân và Không quân; hiện đại hóa ngành công nghiệp quốc phòng nội địa; tăng năng lực hậu cần hàng hải ở Biển Đông; giảm nhẹ tác động của thiên tai, đặc biệt là bão lũ, tăng khả năng tìm kiếm và cứu hộ trên biển; đào tạo lực lượng tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc.
|
Việt Nam được cho là đã đặt mua tàu hộ vệ tên lửa Sigma.
|
Việt Nam cũng đang nhằm tới các hợp đồng chuyển giao công nghệ, đào tào và dịch vụ quốc phòng. Theo Defensenews, Việt Nam đã tiếp cận được sự hỗ trợ của Nga và Ấn Độ để cùng sản xuất loại tên lửa hành trình chống hạm BrahMos.
Phía Việt Nam cũng ủng hộ đề xuất của Malaysia đối với việc thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng trong các nước thành viên ASEAN. Việt Nam và Indonesia đã thảo luận về việc cùng sản xuất loại máy bay vận tải cánh cố định, máy bay trinh sát hàng hải và các trực thăng đa năng. Trong khi đó, Việt Nam và Philippines đã thảo luận trong việc hợp tác sản xuất nhiều loại thiết bị quân sự. Không chỉ thế, Defensenews còn cho biết, Việt Nam cũng đã thỏa thuận với Singapore về sự hỗ trợ lưu trữ an toàn bom mìn và đạn dược.
Cùng với mở rộng hợp tác, Defensenews nhận định rằng, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam cũng có ưu thế trong việc đóng tàu tuần tra cỡ nhỏ. Vào năm 2011, công ty đóng tàu Hồng Hà đã hạ thủy thành công loại tàu tuần tra Project TT400TP có tải trọng 400 tấn, dài 54 mét, được thiết kế dựa trên tàu của Nga và một tàu vận tải binh sĩ dài 72 mét. Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm lịch sử thiết kế tàu của Nga tại địa phương để lại. Ví dụ như tàu tuần tra tên lửa nặng 500 tấn HQ-381 BPS.
Hiện đại hóa quân đội và hải quân được đánh giá là một yêu cầu cấp thiết của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. “Với sự gia tăng các thách thức về an ninh hàng hải từ cướp biển cho tới đánh bắt thủy sản, chống buôn lậu và buôn bán bất hợp pháp trên biển đang yêu cầu sự hiện diện lực lượng trên biển thường xuyên hơn và trang bị tốt hơn”, McDonald nói.
Văn Biên