Trong bài phân tích mới đây, Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định rằng, để đối phó chiến lược quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, hiện tại Mỹ sẽ không ngừng củng cố năng lực quốc phòng cho các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh nhằm ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. Và động thái mới nhất của Washington là việc Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam kéo dài suốt vài thập kỷ qua trong chuyến công du chính thức đến Hà Nội vào tháng trước.
Quyết định này đã đưa mối quan hệ hợp tác song phương giữa Washington và Hà Nội lên môt tầm cao mới, tuy nhiên không phải vì thế mối quan hệ Việt-Mỹ có sự thay đổi lớn khi cả hai vẫn còn khá nhiều bất đồng chưa được giải quyết. Các công ty quốc phòng Mỹ cần thêm một khoảng thời gian khá dài nữa để có thể tiếp cận được thị trường vũ khí Việt Nam.
|
Trong ảnh là Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm chính thức của ông chủ Nhà Trắng đến Hà Nội vào hôm 23/5.
|
Trên thực tế trở ngại của mối quan hệ hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ hầu như không đáng kể và chúng có thể được giải quyết trong tương lai gần thậm chí ngay cả khi Washington chịu sức ép từ Bắc Kinh.
Và để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng với Việt Nam, Viện Doanh nghiệp Mỹ đã chỉ ra bốn điểm chính phủ Mỹ cần phải thực hiện trong thời gian sắp tới :
- Luôn sẵn sàng cho một hợp đồng cung cấp vũ khí: Mỹ hiểu rõ Việt Nam luôn dành mối quan tâm đặc biệt đến một số công nghệ quốc phòng của nước này nhất là các công nghệ hàng hải như máy bay tuần tra trên biển, tàu tuần tra ven biển và các hệ thống radar giám sát ven bờ. Do đó nhóm vũ khí này nhiều khả năng sẽ trở thành các hợp đồng quốc phòng đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ sau nhiều năm.
Các báo cáo đầu tiên của Lầu Năm Góc cho biết, Việt Nam rất quan tâm đến mẫu tiêm kích đa năng hạng nhẹ F-16 và máy bay chống ngầm P-3C vốn đã qua sử dụng của Quân đội Mỹ đang được niêm cất ở các kho dự trữ chiến lược.
|
Các loại vũ khí hải quân của Mỹ luôn được Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt.
|
- Quay trở lại Cam Ranh: mặc dù giới chức Mỹ luôn phủ nhận chuyện Hải quân Mỹ muốn quay trở lại Vịnh Cam Ranh nhưng thực tế lại hoàn toàn khác khi vùng cảng nước sâu này có vị trí chiến lược đặc biệt tại Biển Đông. Và với Mỹ Cam Ranh có thể trở thành nút thắt ngăn chặn sự bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Hiện tại Hải quân Mỹ vẫn có các chuyến thăm chính thức đến Việc Nam mỗi năm, tuy nhiên số lượng tàu chiến Mỹ đến Cam Ranh thực sự không nhiều. Trong khi đó Cam Ranh trong thời gian gần đây liên tục đón tiếp và cung cấp dịch vụ hậu cần cho nhiều lượt tàu chiến thuộc hải quân nhiều quốc gia trên thế giới điển hình như Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, và cả Pháp.
Do đó sự phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ sẽ được thể hiện rõ nhất qua việc tàu chiến Mỹ có hiện diện tại Cam Ranh hay không.
- Tăng cường các hoạt động quân sự chung: việc Mỹ mời Việt Nam tham gia các hoạt động quân sự chung cũng là một trong nhưng cách giúp mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước phát triển nhất là các đợt tập trận chung trên biển như RIMPAC. Dù còn một số trở ngại để các hoạt động quân sự chung giữa hai nước có thể diễn ra nhưng điều này có thể thay đối trong tương lai nếu như Mỹ biết thay đổi cách tiếp cận.
|
Mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước cần được đẩy mạnh thông quan các hoạt động quân sự chung.
|
- Và điểm lưu ý cuối cùng của Viện Doanh nghiệp Mỹ dành cho chính phủ Mỹ là: xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các lãnh đạo quân sự Việt-Mỹ trong tương lai thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo quân sự như Giáo dục và Đào tạo Quân sự Quốc tế (IMET), chương trình sáng kiến hoạt động hòa bình toàn cầu và nhiều chương trình hợp tác quân sự khác.
Kết thúc bài phân tích Viện Doanh nghiệp Mỹ đánh giá, phát triển mối quan hệ hợp tác quốc phòng mạnh mẽ với Việt Nam là một trong những chiến lược trọng tâm của Mỹ khi xây dựng hệ thống các đối tác an ninh hàng hải tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Và mối quan hệ Washington và Hà Nội sẽ là một thông điệp cảnh báo rõ ràng đến Bắc Kinh rằng Mỹ luôn có những chiến lược phù hợp để ngăn chặn các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trà Khánh