Nhóm các gia đình trẻ, độ tuổi 20 - 35 có học vấn cao, thu nhập khá, ra tòa ly hôn ngày một nhiều và đặc biệt có đến 70% số phụ nữ đứng đơn ly hôn.
Những nguyên nhân của việc này không hề mới như: Thiếu trách nhiệm, rượu chè bê tha, ngoại tình... song với quan niệm dễ yêu, dễ bỏ đã khiến nhiều gia đình trẻ tan vỡ.
70% phụ nữ đang đứng đơn ly hôn
Tại không ít phiên tòa xử lý hôn, mặc dù đã được hòa giải, nhưng những người vợ trẻ đứng đơn ly hôn luôn giữ thái độ cương quyết bỏ chồng. Lý do mà họ đưa ra rất rõ ràng: “Tôi đã quá mệt mỏi, tôi không thể chịu được việc chồng coi nhà mình như quán trọ, chỉ trở về trong tình trạng say xỉn... Con đau, lo liệu nội, ngoại đều dồn cho tôi hết thì tôi còn cần chồng để làm gì?”.
Hoặc “Tôi bị bỏ rơi, đơn độc, tự bơi để duy trì mái ấm bên cạnh người chồng vô tâm, hờ hững ngày càng đè nặng khiến tôi muốn phát điên và ly hôn là cách tôi tự giải thoát cho mình. Cái tôi cần của người chồng là niềm vui, sự chia sẻ, thương yêu, chứ không cần một người chồng cho có...”.
|
Ảnh minh họa. |
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên, phụ nữ ngày nay có điều kiện mở rộng quan hệ, tự lập trong cuộc sống và kiếm được tiền không phải sống dựa dẫm vào chồng, nên họ rất dễ đưa ra quyết định ly hôn. Người phụ nữ trẻ hiện đại luôn mạnh mẽ, quyết liệt hơn để tìm kiếm hạnh phúc cho mình, không cam chịu cuộc hôn nhân đã thành địa ngục.
Tôi cho rằng đây là sự tiến bộ, là chuyển biến rất tích cực và đó chính là lý do hiện nay có đến 70% phụ nữ đứng đơn ly hôn.
Cương quyết ly hôn
Với những vụ án mà nguyên đơn là phụ nữ, khả năng hòa giải thành công rất thấp, bởi khi quyết định chấm dứt hôn nhân, người vợ đã suy nghĩ rất kỹ, nên sự cương quyết rất cao. Đó là nhận định của một thẩm phán chuyên xử các vụ ly hôn.
Đưa ra nhiều lý lẽ như: Vì hạnh phúc con cái, vì điều tiếng của xã hội, những khó khăn của người mẹ đơn thân... để thuyết phục những người vợ trẻ hàn gắn lại cuộc hôn nhân, thì nhiều phụ nữ nói sẽ dũng cảm chấp nhận những đổ vỡ “hậu ly hôn”.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, gánh nặng, sự tổn thương do ly hôn mang lại cho phụ nữ lớn hơn rất nhiều so với nam giới. Có người ám ảnh, cay đắng cả đời, không thể tìm lại hạnh phúc lần nữa. Người phụ nữ khi ly dị thường trở thành bà mẹ đơn thân, phải vất vả bươn chải nuôi con.
Không ít phụ nữ không có điều kiện nuôi con, phải nuốt nước mắt để con ở lại cho chồng nuôi, còn mình bị mang tiếng bỏ con, bị lên án, đánh giá về nhân cách. Vì thế, để bước qua những đổ vỡ của hôn nhân, người phụ nữ cần rất nhiều nỗ lực.
“Thời điểm sau ly hôn, tôi gần như bị stress, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước đó gần nửa năm, nhưng tôi vẫn không quen với việc tự mình gánh vác việc của một người đàn ông. Và nhiều lúc nghe con nhắc tới bố, tôi đã bật khóc, và nghĩ đây liệu có phải là quyết định sai lầm.
Nhưng thời gian đã giúp tôi cân bằng cuộc sống, và hiện tại, mẹ con tôi hạnh phúc vì điều đó” - một phụ nữ chia tay chồng sau 5 năm chung sống tâm sự. “Cách vượt “sốc” tốt nhất là hãy dành thời gian cho công việc, chăm sóc con cái và chăm sóc bản thân. Rồi hạnh phúc sẽ lại đến” - một phụ nữ đã ly hôn chia sẻ.
Bất cứ ai khi bước chân vào ngưỡng cửa hôn nhân đều mong muốn có cuộc sống viên mãn, hạnh phúc. Nhưng khi cuộc sống hôn nhân rạn nứt, không còn tình yêu, hôn nhân chỉ là những đau khổ, thì giải pháp cuối cùng là kết thúc sự đổ vỡ của tình yêu hoặc chấm dứt một cuộc hôn nhân.
Đó là cách nghĩ, cách làm của đa số những phụ nữ trẻ hiện đại.