Em về anh mượn khăn tay/Gói câu tình nghĩa lâu ngày sợ quên. Với nhiều cặp vợ chồng, sự xa cách cả thời gian lẫn không gian được ví như lá đơn ly hôn đã viết sẵn...
1. Lần nào về quê tôi cũng đến thăm chị - người phụ nữ có biệt danh “Bích đầu trọc”. Cái tên nghe chẳng hay ho chút nào nên có lần tôi đề nghị: “Bích để tóc dài lại đi”, chị cười buồn: “Chưa hết đau mà em!”. Ba năm đã qua, nhưng chị nói, cái cảm giác dằn vặt, khổ tâm vẫn nguyên vẹn trong lòng, như thể chuyện vừa mới hôm qua. Chị giải thích: “Thà nỗi đau do mình anh ấy tạo nên thì may ra nguôi ngoai; đằng này, chị cũng có “công” đóng góp nên chưa hết trách mình”.
Bảy năm trước, cuộc sống vợ chồng chị rất khó khăn. Mỗi năm hai mùa lúa với ba sào ruộng không đủ nuôi cả nhà năm miệng ăn, còn phải lo chữa căn bệnh ung thư máu cho cậu con trai lớn. Năm đó, tin một thương lái cần tuyển lao động sang Lào đốn gỗ lương rất cao xôn xao ở quê chị. Nhìn con đau bệnh, chị bấm bụng khuyên chồng đăng ký, thỏa thuận phải hai năm mới được về thăm quê. Vậy là anh đi.
|
Ảnh minh họa. |
Đều đặn mỗi năm một lần anh gửi tiền về cho chị, nhưng chưa đến lần gửi thứ ba thì cậu con trai mất. Chuyến ấy anh về, chị bàn thôi không đi gỗ nữa; anh ậm ừ, nói việc bên kia còn đang dang dở. Anh lại đi, không hẹn ngày quay về. Cho đến mùa lúa cách đây ba năm, người trong xóm thấy chị đang cắt lúa bỗng bất ngờ dừng lại, ngẩng mặt kêu trời, nước mắt lưng tròng. Chị không giải thích. Lời đồn đoán loan khắp quê được xác định khi Tết ấy anh về, mang theo một phụ nữ và đứa trẻ đang tuổi tập đi. Chị hờn tủi, đau lòng, hành hạ mình trong câm lặng. Anh chán, bỏ nhà đi đánh bạc, đến đâu cũng đưa người phụ nữ và đứa trẻ kia theo. Tết xong, anh dặn chị ở nhà… muốn lấy ai thì lấy, sau đó cùng “tổ ấm” mới biền biệt luôn đến nay. Anh đi rồi, chị ra tiệm cắt trụi mái tóc, ai đàm tiếu cũng mặc.
2. Người phụ nữ ngồi bệt dưới gốc cây trước cổng TAND TP.HCM hôm ấy thu hút sự chú ý của tôi bởi cái cách thi thoảng chị nhìn vào sân tòa với ánh mắt vừa sợ sệt vừa như trông mong điều gì. Hỏi thăm, chị tình thật: “Em tên Vân, ngồi đây chờ chồng. Ảnh bị người ta đòi… ly hôn và cấp dưỡng nuôi con. Em không dám vào vì sợ tòa biết em, hỏi này hỏi kia không biết cách trả lời”. Vân quê Sóc Trăng, lập gia đình năm 18 tuổi. Giờ ở tuổi 32, chị là mẹ của ba đứa trẻ. Bốn năm trước, gia đình quá túng bấn, chị Vân thuận tình để Tòng - chồng chị, lên Sài Gòn làm ăn. Hai năm đầu, hàng tháng Tòng còn đều đặn mang tiền về cho vợ. Càng về sau người và tiền về đến quê cứ thưa dần. Chị nghe nói Tòng đã có người khác.
Cô gái này là cháu chủ tiệm sắt nơi Tòng làm việc. Từ được chủ tiệm bao ăn ở, Tòng “ra riêng” chung sống với cô gái như vợ chồng. Rồi họ có con. Vân kể, chị rất đau đớn khi biết tin đó; tranh thủ mấy lần ít ỏi chồng về thăm, chị gặng hỏi nhưng Tòng không thừa nhận. Đến một ngày, chị đưa con gái lên Sài Gòn tìm, chuyện mới vỡ lở. Cô gái kia cũng “té ngửa” khi biết người đàn ông luôn miệng hứa hẹn sẽ đưa cô về quê ra mắt và tổ chức cưới xin đã là cha ba đứa trẻ. Cuộc sống không còn vui, cô đòi… ly hôn, yêu cầu Tòng cấp dưỡng nuôi con. Tòa sơ thẩm tuyên không công nhận hai người là vợ chồng, yêu cầu Tòng cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Tòng kháng án, nói không là vợ chồng thì… cũng chẳng phải là cha đứa trẻ, tại sao phải cấp dưỡng.
Tôi hỏi Vân có còn yêu chồng và Tòng giải thích chuyện cùng lúc đến với hai người phụ nữ thế nào, chị rớm nước mắt: “Xa mặt cách lòng, chắc ảnh hết thương em nên mới có con với người khác. Có lần ảnh trách em nếu đừng lên khiến chuyện vỡ lở thì ảnh đã tìm cách xoay trở bỏ người ta. Chuyến này lên, một là em xem có phải cấp dưỡng hàng tháng 1,5 triệu đồng không; hai là em nói ảnh về làm lúa với mấy mẹ con, nghèo khổ cũng được”. Sau phiên tòa, Tòng gặp vợ, lạnh lùng: “Cô về đi, về dưới mấy mẹ con tự lo cho nhau. Tôi ở đây kiếm việc nuôi đứa nhỏ”.
3. Tôi đã có mười ngày “quần thảo” trước cổng Công viên Đầm Sen để tìm gặp đôi vợ chồng ấy. Gửi con cho người thân, họ rời Nghệ An vào Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề buôn bán dạo. Chồng đẩy xe chả cá, bò viên; vợ xe bánh mì thịt nướng. “Lãnh địa” của họ là những con đường đông đúc nhà trọ quanh khu vực Công viên Đầm Sen. Buổi tối, họ thường dừng trước cổng công viên này. Có lần, người vợ kể vui, khách mở hàng của chị là anh, khách mở hàng của anh là chị. Mỗi sáng, vừa đẩy xe ra khỏi khu trọ, anh sẽ “bày đặt” kêu chị dừng lại mua ổ bánh mì đúng nghĩa một vị khách; ngược lại, chị cũng làm như anh, mua bán trả tiền đàng hoàng. Hôm nào giận không mua hàng của nhau kể như ngày đó họ ế. Thế nhưng, ít ai biết, để có cái hạnh phúc bình dị vợ chồng luôn có nhau ấy, với chị là một sự lựa chọn.
Tay trắng đến với nhau, tiền mừng cưới anh dùng mở cho chị tiệm tạp hóa nhỏ buôn bán qua ngày; phần anh có hai sào ruộng thuê làm, đến mùa đong lúa trả người ta. Ba đứa con lần lượt ra đời không đủ ăn đủ mặc. Năm ấy, xong mùa lúa, nhàn rỗi, anh bàn chuyện một mình vào Sài Gòn kiếm việc, hứa về vào mùa lúa tiếp theo. Anh đi rồi, chị lo lắng vợ chồng xa mặt cách lòng. Nỗi lo thành sự thật khi mùa lúa sau không thấy anh về, chị điện thoại nghe một giọng nữ bắt máy. Anh giải thích thế nào chị cũng không nghe. Cuối cùng, anh chìa ra lá đơn ly hôn, thú nhận “vợ chồng mà cách xa khó bề… gìn giữ”. Anh nói, sẽ không về quê làm lúa nữa vì quần quật lam lũ, xong mùa đong trả cho chủ chẳng còn lại bao nhiêu, Sài Gòn ngó vậy mà… dễ sống! Hai hướng giữa ly hôn hay theo anh vào Nam đặt chị vào tình thế phải lựa chọn. Chị quyết định theo anh…
Ở con hẻm 25 Bùi Cẩm Hổ, Q.Tân Phú nhiều người biết chuyện của anh chị. Nhưng, tôi tìm đến “nhà” họ thì đã muộn. Chủ nhà trọ nói, họ trả phòng cách đây mấy hôm, nghe đâu ba anh tuổi cao, muốn anh chị về thay ông chăm sóc mấy sào ruộng. Người chủ dí dỏm: “Nghèo mà dính như sam. Anh chồng định về trước, kêu cô vợ ở lại làm thêm một thời gian, xem tình hình ở quê sao hẵng tính. Ngờ đâu, thấy chồng lục tục xếp hành lý, cô nói cho em về cùng rồi quày quả theo luôn”… Tôi ra về, chợt nhớ có lần nói chuyện với tôi, chị quả quyết: “Vợ chồng sống xa nhau, chẳng khác gì lá đơn ly hôn được viết sẵn, chỉ chờ ngày ký tên!”.