Theo quy luật, Quý cuối năm với khởi đầu là tháng 10 bao giờ cũng là đợt tiêu thụ ôtô mạnh nhất năm. Năm 2016, lượng xe bán được đã tăng lên dốc bắt đầu từ sau tháng "Ngâu" và lên đến đỉnh điểm tháng 12, cũng là tháng kỷ lục với con số 33.295 xe. Năm nay, cuộc đua bán xe cuối năm cũng xuất phát từ sau "tháng Ngâu" nhưng lại hoàn toàn không suôn sẻ như cũ.
Báo cáo bán hàng mới nhất từ VAMA cho thấy, trong tháng 10/2017, lượng bán hàng của toàn thị trường ôtô Việt chỉ đạt 21.868 xe, tăng 3% so với tháng 9/2017 và giảm 22% so với tháng 10/2016. Cụ thể, đã có 21.868 xe được tiêu thụ, bao gồm 12.012 xe du lịch (tăng 3% so với tháng trước đó); 8.968 xe thương mại (tăng 3%) và 888 xe chuyên dụng (tăng 1%).
|
Sức mua của thị trường ôtô trong tháng 10/2017 đã sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp các chương trình khuyến mãi hạ giá bán cho thấy sự chững lại. |
Trong tổng số xe tiêu thụ, số lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 15.498 xe, tăng 5% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 6.370 xe, giảm 2% so với tháng trước. Như vậy, so với tháng 9 (với số ngày phần lớn thuộc tháng Ngâu), lượng tiêu thụ của tháng 10 có sự chênh lệch không quá lớn (652 xe) mặc dù các chiến dịch khuyến mãi giảm giá xe vẫn tiếp tục duy trì, thậm chí có thêm nhiều hãng xe cũng nhảy vào cuộc như Hyundai, Toyota...nhưng sức mua không như kỳ vọng.
Lý giải về sự trầm lặng của thị trường ôtô, nếu nhìn vào bảng số liệu của VAMA từ tháng 6/2017, biểu đồ tiêu thụ xe không tạo được hình dốc mà trồi sụt "nhẹ nhàng", có phần bằng phẳng. Nó hoàn toàn khác so với 6 tháng đầu năm 2017, sức mua tuân theo quy luật hàng năm. Như vậy, dường như đã có yếu tố tâm lý đè nặng lên quyết định mua xe của người tiêu dùng. Và tâm lý ấy chính là sự chờ đợi mốc 2018 đang đến rất gần, mà nhiều người đã và đang nghĩ xe nhập sẽ giảm mạnh khi thuế từ ASEAN bằng 0%, kéo theo xe lắp ráp cũng phải giảm để cạnh tranh. Lúc đó mua xe sẽ tiết kiệm khá nhiều tiền.
|
Bên cạnh mốc 2018 đến rất gần, cuộc đua hạ giá bán xe suốt nhiều tháng qua đã hình thành tâm lý "đứng núi này trông núi nọ. |
Quả thực, sức ép của năm 2018 là có và nó đang diễn ra. Trường Hải duy trì liên tục nhiều tháng giảm giá xe Mazda để tăng tượng tiêu thụ xe nhằm đáp ứng đòi hỏi của phía Mazda Nhật nếu muốn thành trung tâm xuất khẩu xe của khu vực. Hyundai Thành Công quyết định lắp ráp Grand i10, sau đó là Tucson. Toyota Việt Nam liên tục tung phiên bản mới của xe lắp ráp CKD... Những điều này cho thấy các "ông lớn" đã sẵn sàng bước chân vào cuộc chơi sống còn khi rào cản thuế được gỡ bỏ.
Bên cạnh mốc 2018 đến rất gần, cuộc đua hạ giá bán xe suốt nhiều tháng qua đã hình thành tâm lý "đứng núi này trông núi nọ", và rất có thể chỉ được cởi trói vào 2 tháng cuối năm 2017 nhờ Nghị định 116 vừa mới xuất hiện hồi giữa tháng 10 vừa qua.
|
Tổng lượng tiêu thụ ôtô ở Việt Nam qua các tháng theo thống kê VAMA.
|
Theo Nghị định 116 do Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2018, nhiều quy định về việc nhập khẩu và kinh doanh ôtô được bổ xung mà theo giới chuyên gia, chúng giống như "dây trói" quăng ra thêm để cản bước xe nhập, khiến chi phí đưa xe về bán tăng lên, bù lại với thuế giảm. Bù lại, Nghị định sẽ giúp xe lắp trong nước có lợi thế về thời gian và cả chi phí sản xuất. Có thể nhìn thấy ngay điều này ở bước đi rất sớm của Toyota Việt Nam khi công bố giá xe CKD áp dụng từ 1/11/2017, theo hướng giảm giá hàng chục triệu đồng. Sự tự tin của Toyota khi đặt niềm tin ở xe CKD là có cơ sở bởi Nghị định 116 bất thình lình xuất hiện, giới nhập xe sẽ phải mất nhiều thời gian để xoay chuyển, và khi đó thì đã qua mùa kinh doanh cao điểm.
Với những nhận định trên cùng sự xuất hiện kịp thời của Nghị định 116, lượng tiêu thụ xe cuối năm tại Việt Nam có thể sẽ tăng cao đạt kỳ vọng. Đây cũng là 2 tháng tốt nhất để người tiêu dùng Việt Nam mua xe có lợi thực sự.
Thảo Nguyễn