Cục trưởng Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) – ông Trần Đức Thắng cho biết trong năm 2016 đã rà soát và thanh lý hơn 1.000 chiếc xe công, giá bán thanh lý xe ôtô công chỉ có 46,2 triệu đồng/xe (tính trung bình trên số 761 xe đã báo cáo thanh lý). Nhưng hiện vẫn còn khoảng 2.000 xe ôtô công đã được các bộ, ngành và địa phương xác định là dư thừa nhưng chưa báo cáo về Bộ Tài chính và cũng chưa có phương án xử lý.
|
Hiện vẫn còn khoảng 2.000 xe ôtô công đã được các bộ, ngành và địa phương xác định là dư thừa chưa có phướng án xử lý. |
Ngày 13/3, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Tài chính rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành về quản lý, trang bị tài sản công để bổ sung, sửa đổi theo nguyên tắc bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả.
Đối với những xe doanh nghiệp tặng, Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ kiểm tra, làm rõ việc các bộ, ngành và địa phương tiếp nhận, sử dụng xe ôtô do các doanh nghiệp tặng. Thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: “Trường hợp phát hiện có sai phạm, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức có liên quan và xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/4/2017”.
|
Tình trạng sử dụng xe công lãng phí đã từng được phản ánh khi ngân sách phải gánh thêm các khoản phụ phí từ tài xế đến tiền xăng... |
Theo cơ chế quản lý xe công chính phủ dự định đến năm 2020 sẽ giảm 30-50% số lượng xe công đang được trang bị cho các bộ, ngành và địa phương, trừ những đơn vị thuộc địa bàn miền núi, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn. Tình trạng sử dụng xe công lãng phí đã từng được phản ánh khi ngân sách phải gánh thêm các khoản phụ phí từ tài xế đến tiền xăng phục vụ tầng tầng lớp lớp các cán bộ có chỉ tiêu.
Hệ thống càng cồng kềnh nhân sự, số lượng xe càng nặng nề. Chưa kể đến là tình trạng sử dụng xe tùy tiện của nhiều quan chức cho mục đích cá nhân cũng là một vấn nạn lãng phí.
Thảo Nguyễn (TH)