Trong bài “Bỉ, điểm trung chuyển của thánh chiến”, nhật báo Le Monde phác họa một số mảng ghép trong bức tranh toàn cảnh nhằm lý giải vì sao Vương quốc Bỉ lại trở thành một trong những “ổ khủng bố” ở Châu Âu.
|
Đền thờ Hồi giáo xây dựng giữa thủ đô Brussels từ những năm 1960 bằng tiền tài trợ của Ả-rập Xê-út. |
Mảng ghép đầu tiên là đền thờ Hồi giáo xây dựng giữa thủ đô Brussels từ những năm 1960 bằng tiền tài trợ của Ả-rập Xê-út. Công trình này đánh dấu sự ảnh hưởng của
Hồi giáo cực đoan, một mảnh đất màu mỡ để phát triển các tư tưởng thánh chiến sau đó lan tỏa ra các vùng khác trong Vương Quốc Bỉ.
Mảng ghép thứ 2: Bỉ là nơi có tất cả những lợi thế cho tổ chức khủng bố tồn tại hoạt động. Về địa lý, Bỉ nằm ở trung tâm không gian đi lại tự do Shenghen. Dù có kiểm soát biên giới chặt thế nào thì người ta vẫn có thể dễ dàng di chuyển qua những nước như Pháp, Hà lan, Đức để rồi từ đó tiếp tục tới Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria.
Bỉ là điểm trung chuyển của buôn lậu vũ khí. Cuối những năm 1990 sau cuộc chiến tranh trong khu vực Balkan và Kapkaz, các tổ chức mafia Albania, Chechnya mọc lên như nấm ở nhiều thành phố của nước này và nhanh chóng tạo thành một mạng lưới cung cấp vũ khí lớn nhất Châu Âu. Các tổ chức thánh chiến đã nhanh chóng tận dụng hạ tầng cơ sở của băng đảng tội phạm đó.
Mảng ghép thứ 3 có thể gọi là “đặc thù chính trị” của Vương quốc Bỉ. Vương quốc này có một nền hành chính và lực lượng cảnh sát phức tạp cồng kềnh...bởi sự đa dạng ngôn ngữ và phân khu vùng quản lý.
|
Thủ đô Brussels bao gồm 19 khu vực hành chính, mỗi khu vực có quyền quản một lực lượng cảnh sát riêng. |
Đơn cử như thủ đô Brussels bao gồm 19 khu vực hành chính, mỗi khu vực có quyền quản một lực lượng cảnh sát riêng. Thủ đô Brussels còn được chia thành 6 vùng của cảnh sát liên bang riêng biệt. Chính sự quản trị phức tạp đó khiến cho các đơn vị cảnh sát hoạt động không đồng bộ với nhau và tất nhiên là hiệu quả cũng sẽ yếu kém.
Cuối cùng, còn phải kể đến chính sách hội nhập của Vương quốc Bỉ. Một nửa các gia đình nhập cư gốc Ma-rốc ở Bỉ là những người nghèo. Một thanh niên có gốc gác Bắc Phi hay Thổ Nhĩ Kỳ ít có cơ hội tìm được việc làm hơn những người có gốc gác khác. Sự kỳ thị đối xử cộng với tình trạng nghèo khó là những yếu tố thuận lợi để tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo lợi dụng để chiêu mộ chiến binh thánh chiến.
Minh Châu (Theo Le Monde)