Trong bốn tháng qua, người ta thấy Trung Quốc đổi giọng về Biển Đông, nhưng vẫn tiếp tục hành động “phá vỡ nguyên trạng”, “quân sự hóa” đã được lên kế hoạch từ trước.
Lúc đầu là biện minh cho mục đích hút cát đắp đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa, sau đó thông báo rằng công đoạn đắp đảo sẽ sớm được tạm ngừng. Chỉ có điều, sự thay đổi của Trung Quốc trong lời nói không hề đi kèm với một sự thay đổi trong hành vi. Bắc Kinh vẫn theo đuổi kế hoạch hoàn thành tất cả các công trình đã được lên kế hoạch, sau khi đắp xong “đảo nhân tạo”.
Sự thay đổi này cho thấy Trung Quốc nhận ra những tổn thất đối với “quyền lực mềm” của nước này trong khu vực và cố gắng thuyết phục các chính phủ các nước ASEAN và Mỹ rằng Bắc Kinh không hề gây ra bất kỳ sự đe dọa nào ở Biển Đông (?).
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh: Trung Quốc thực hiện "trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế" của mình bằng cách cung cấp các cơ sở mới để hỗ trợ cho việc "tìm kiếm cứu nạn hàng hải" ở Biển Đông (?).
|
Sự thay đổi trong cách nói này bắt đầu vào ngày 9/4, khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lần đầu tiên giải thích chi tiết về các mục đích xây dựng của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp. Trong bài phát biểu của mình, bà Hoa Xuân Oánh quả quyết rằng Trung Quốc thực hiện "trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế" của mình bằng cách cung cấp các cơ sở mới (trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp trái phép ở Quần đảo Trường Sa) để hỗ trợ cho việc "tìm kiếm cứu nạn hàng hải, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, nghiên cứu khoa học, quan trắc khí tượng, bảo vệ môi trường (chứ không phải phá hủy các rạn san hô tự nhiên để đắp đảo), an toàn hàng hải, dịch vụ sản xuất thủy sản và các lĩnh vực khác”. Với tuyên bố này, Bắc Kinh đã “đổi trắng thay đen”, cố tình che đậy hành động “phá vỡ nguyên trạng”, hủy hoại môi trường và mưu đồ “quân sự hóa” Biển Đông.
Trong các tuyên bố sau đó, Trung Quốc “tung hỏa mù” bằng cách nói rằng các nước khác cũng sẽ được chào đón trong việc sử dụng các tiền đồn mới mà nước này đã xây dựng trái phép. Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) của Trung Quốc đã phác thảo kế hoạch xây dựng trên các rạn san hô ở Biển Đông, bao gồm cả việc xây dựng "ngọn hải đăng lớn", thiết bị dẫn không dây, trạm bảo đảm an ninh hàng hải và thông tin liên lạc, trạm cứu hộ khẩn cấp, phao neo cho ngư dân để tránh bão hoặc bổ sung nhu yếu phẩm và các đài khí tượng, các cơ sở quan sát đại dương và các trung tâm nghiên cứu khoa học.
Ngày 16/6, Bắc Kinh công bố rằng các hoạt động “cải tạo đất” (thực chất là hút cát đắp đảo trái phép trên các rạn san hô và bãi đá ngầm) sẽ kết thúc "trong những ngày sắp tới”, mặc dù các quan chức Trung Quốc từ chối đưa ra một thời gian cụ thể. Trong khi đó, việc xây dựng trên các “đảo nhân tạo” sẽ vẫn được tiếp tục. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Lu Kang đã nói rõ: "Sau khi ‘cải tạo đất’ (?), chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu chức năng có liên quan”.
Các chuyên gia tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) lưu ý: Trước khi công bố sắp ngừng đắp “đảo nhân tạo”, “Trung Quốc đã hoàn thành công đoạn bồi đắp trên Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) và Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và gần hoàn thành công đoạn này ở những nơi khác. Thông báo mới đây chỉ nhằm xác nhận những gì mà các nhà phân tích đã biết: Bắc Kinh đã gần như hoàn tất các hoạt động bồi đắp đảo đã được lên kế hoạch trong quần đảo Trường Sa". Các chuyên gia CSIS kết luận rằng đây chỉ là "một sự thay đổi trong thông điệp, không phải trong chính sách”.
Kết luận nói trên là rất chính xác, nhưng sự thay đổi giọng điệu của Trung Quốc cũng rất đáng để cho người ta lưu tâm.
Trong một bài viết gần đây đăng trên tạp chí The Diplomat, học giả Xue Li của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói rằng tranh chấp Biển Đông có thể gây nguy hiểm cho sự thành công của chính sách "Một vành đai, một con đường” vốn là ưu tiên hàng đầu của ban lãnh đạo ở Bắc Kinh. “Con đường tơ lụa trên biển” đòi hỏi sự hợp tác và tham gia của các nước láng giềng ASEAN. Theo học giả Xue Li, nếu tranh chấp Biển Đông gây ra nhiều vấn đề rắc rối cho chính sách “Một vành đai, một con đường”, thì Trung Quốc cần "điều chỉnh chiến lược và chính sách Biển Đông của mình”.
Sự thay đổi trong thông điệp có thể là bước đầu tiên trong việc điều chỉnh này. Chiến lược Biển Đông của Trung Quốc liên quan đến cả khẳng định chủ quyền lẫn duy trì các mối quan hệ thân thiện trong khu vực, chủ yếu dựa trên các mối quan hệ kinh tế.
Chiến lược “Một vành đai, một con đường” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào mùa thu năm 2013, trong một chuyến công du ve vãn khu vực Đông Nam Á. Nhưng chiến lược này đã bị lu mờ do tình hình căng thẳng trong hai năm 2014 và 2015. Chính sách của Trung Quốc đã quá nghiêng về phía "bảo vệ chủ quyền" và xao nhãng vế "duy trì ổn định”. Trung Quốc dường như nhận ra thực tế đó và bắt đầu điều chỉnh các thông điệp cho phù hợp.
Đáng nói là Trung Quốc chỉ thay đổi lời nói chứ không thay đổi hành động. Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố sẽ không từ bỏ một tấc lãnh thổ, bao gồm cả “đường chín gạch ngang” (đường lưỡi bò) ở Biển Đông. Tuyên bố này vẫn là kim chỉ nam cho hành động của Trung Quốc trong khu vực tranh chấp.
Ngoài ra, mặc dù Bắc Kinh đã liệt kê một loạt “các chức năng dân sự” trên các đảo tiền đồn mới bồi đắp trái phép, Trung Quốc vẫn ngang nhiên bảo vệ kế hoạch “quân sự hóa” các hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Các quan chức Trung Quốc thừa nhận rằng các cơ sở mới sẽ được sử dụng cho mục đích quốc phòng và để “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ tốt hơn”.
Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh vẫn chưa chịu giải tỏa mối lo lớn nhất của các bên tranh chấp về nguy cơ các tiền đồn mới xây dựng ở quần đảo Trường Sa sẽ phục vụ cho mưu đồ “quân sự hóa” Biển Đông của Trung Quốc.
Minh Châu (Theo The Diplomat)