Đối thoại Shangri-La hàng năm ở Singapore dường như bị sa vào lối mòn. Mỹ và các nước bạn bè ở Châu Á chỉ trích Trung Quốc xâm lấn Biển Đông, gây sự ở các vùng biển xung quanh, còn Trung Quốc cực lực bác bỏ, rồi… “ai về nhà nấy”.
Bỏ ngoài tai những lời chỉ trích
Năm ngoái, Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, bao trùm nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý. Sau đó, Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, gây ra nhiều phản ứng dữ dội.
|
Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.
|
Năm nay, Trung Quốc điên cuồng xây dựng “đảo nhân tạo” trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Tại Đối thoại Shangri-La 14, hành động của Trung Quốc bị chỉ trích dữ dội. Nhưng bất đồng thì trở nên sâu xa hơn và không thể hòa giải như cách đây một năm. Tại Đối thoại Shangri-La năm nay, Trung Quốc còn bị cô lập nhiều hơn nữa.
Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 14, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tố cáo trong vòng có 18 tháng, Trung Quốc đã bồi đắp lấn biển ở đảo Trường Sa hơn 2.000 mẫu Anh (810 ha), "nhiều hơn tất cả các bên tranh chấp khác cộng lại… trong toàn bộ lịch sử của khu vực (Biển Đông)". Ông Carter gọi hành động bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc là hành động "gây căng thẳng".
|
Trong vòng có 18 tháng, Trung Quốc đã bồi đắp lấn biển ở đảo Trường Sa hơn 2.000 mẫu Anh (810 ha).
|
Về phần mình, Trung Quốc vẫn nhắm mắt nói bừa rằng Biển Đông vẫn “hòa bình, ổn định”, không đáng bị coi là mối đe dọa an ninh mà Đối thoại Shangri-La cần thảo luận. Trung Quốc khẳng định chủ quyền "không thể chối cãi" của nước này và bao biện rằng công việc xây dựng đảo của nước này ở Quần đảo Trường Sa là vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế: tìm kiếm và cứu hộ, phòng ngừa thiên tai, khí tượng, bảo tồn sinh thái (?)…
|
Trung Quốc biến Đá Xu Bi trên Quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành quân cảng lớn.
|
Nhưng các quan chức Mỹ lại không tin những gì Trung Quốc nói. Họ nói rằng hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã đem hai khẩu pháo tự hành đến một hòn đảo nhân tạo. Trung Quốc cũng xây dựng thêm bến cảng (quân cảng) và đường băng sân bay trên một hay hai “đảo nhân tạo”. Điều này tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc và thông qua việc đắp đảo nhân tạo, Bắc Kinh hy vọng tạo ra bằng chứng về kiểm soát và thực thi chủ quyền ở Biển Đông. Ông Carter cảnh báo rằng Mỹ sẽ chống lại việc "quân sự hóa” Biển Đông hơn nữa.
Đối đầu Trung-Mỹ ở Biển Đông “lấp ló ở phía chân trời”
Tuy Mỹ không đứng về phía nào trong các vụ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng lo lắng "tự do hàng hải" bị đe dọa. Để hiển thị các mối đe dọa “tự do hàng không và hàng hải” ở Biển Đông, cuối tháng 5/2015, một máy bay giám sát của Mỹ đã bay gần một đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trên đó. Hải quân Trung Quốc đã nhiều lần xua đuổi máy bay do thám Mỹ vì đang đến gần “lãnh thổ Trung Quốc”. Các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại rằng cuối cùng Bắc Kinh sẽ thiết lập ADIZ trên vùng biển tranh chấp này.
|
Trung Quốc 8 lần xua đuổi máy bay do thám Mỹ P8A Poseidon trên không phận Quần đảo Trường Sa.
|
Trên khắp thế giới, Mỹ đưa máy bay, tàu chiến đi qua các khu vực căng thẳng để chứng minh rằng họ có quyền tự do làm như vậy. Nhưng hành vi do thám của Mỹ ở Biển Đông khiến cho Trung Quốc vô cùng tức giận. Trung Quốc tố cáo rằng Mỹ lợi dụng chiêu bài “tự do” để đưa máy bay trinh sát và tàu chiến đến sát lãnh hải của Trung Quốc. Bất đồng này đã dẫn đến sự cố năm 2001, khi một máy bay phản lực của Trung Quốc va chạm với một máy bay do thám Mỹ. Một sự cố khác xảy ra trong năm 2009, khi Mỹ “khiếu nại việc tàu Trung Quốc "quấy rối" của một tàu khảo sát của nước này ở Biển Đông.
Một cuộc đối đầu Trung-Mỹ đang lấp ló ở phía chân trời. Bộ trưởng Carter yêu cầu Trung Quốc và các bên tranh chấp khác "chấm dứt ngay lập tức và vĩnh viễn" tình trạng thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc ngừng lấp biển xây đảo nhân tạo và có vẻ như nước Mỹ cũng sẽ không sử dụng vũ lực. Mỹ đang chịu áp lực phải tiến xa hơn trong việc khẳng định quyền tự do sử dụng các vùng biển và vùng trời đang tranh chấp ở Biển Đông. Cũng tại Đối thoại Shangri-La 14, Thượng nghị sĩ John McCain - chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ - nói ông hy vọng chính quyền Obama sẽ bác bỏ bất kỳ "vùng lãnh thổ" nào mà Trung Quốc có thể yêu sách xung quanh các hòn đảo nhân tạo.
Đây là một vấn đề phức tạp. Yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là rất mập mờ, không rõ ràng. Bản đồ “chín đoạn đứt khúc” (còn bị gọi là “đường lưỡi bò” vô cùng phi lý và phản khoa học) mà người Trung Quốc tự vẽ bao trùm hầu hết diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), chủ quyền vùng biển phụ thuộc vào đất liền. Các nước có thể yêu sách 12 hải lý (22km) về lãnh hải và 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) tính từ đất liền và từ các hòn đảo có cư dân sinh sống lâu đời. Những đảo đá không người ở chỉ có vùng lãnh hải và không có EEZ. Những mỏm đá mà bị ngập khi thủy triều dâng cao không có lãnh hải. Rõ ràng, trước khi bị Trung Quốc bồi đắp, các bãi đá ngầm và rạn san hô không phải là "hòn đảo".
Chỉ có điều, cho đến nay, nước Mỹ hiện chưa chịu phê chuẩn UNCLOS.
Mưu toan gạt Mỹ ra rìa
Gây ấn tượng nhất tại Đối thoại Shangri-La là một thế giới đồng lòng phản đối hành động “bắt nạt” của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng nếu Mỹ mạnh tay hơn nữa với hoạt động giám xung quanh các đảo nhân tạo, Trung Quốc có thể đổ tội cho Mỹ là “kẻ gây rối”.
Hơn nữa, Trung Quốc biết rõ rằng Mỹ cũng không muốn làm hỏng những gì mà cả hai nước đều cho là “rất quan trọng” chỉ vì việc bồi đắp xây dựng một số “hòn đảo” ở Biển Đông. Hai nước có kế hoạch tổ chức cuộc gặp cấp cao hàng năm mang tên “Đối thoại Chiến lược và kinh tế” ở Thủ đô Washington vào cuối tháng 6/2015 và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến chính thức thăm Mỹ vào tháng 9 tới. Hai bên vẫn tích cực chuẩn bị cho các sự kiện trọng đại trên, mặc dù vẫn đang "cãi nhau".
Để tránh việc tiếp tục bị chỉ trích tại Đối thoại Shangri-La, Trung Quốc phản ứng bằng cách ráo riết thúc đẩy một cuộc họp thường niên tại Bắc Kinh mang tên Diễn đàn Xiangshan - "một diễn đàn đối thoại an ninh riêng của Châu Á”. Và dĩ nhiên là các quan chức Mỹ hay “gây rối” sẽ không được mời tham dự diễn đàn này.
Minh Châu (Theo The Economist)