Những trục trặc trong dự án đường sắt cao tốc Trung Quốc-Thái Lan đã trở thành một mối đe dọa đối với Bắc Kinh và là lý do chính khiến Trung Quốc không mời Thủ tướng Thái Lan tới hội nghị thượng đỉnh “Một vành đai, một con đường” (BRI). Xem ra, Trung Quốc bắt đầu dùng “cây gậy” với Thái Lan.
|
Trung Quốc bắt đầu chuyển từ "củ cà rốt" sang "cây gậy" trong quan hệ với Thái Lan. Ảnh: Chinadailyasia |
“Tổ ong vò vẽ” trong quan hệ Trung Quốc-Thái Lan
Trung Quốc và Thái Lan đã thảo luận về dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc từ năm 2010, khi chính phủ Abhisit Vejjajiva nắm quyền. Thái Lan đồng ý cho phép Trung Quốc sử dụng đất trên tuyến đường sắt hiện trong 50 năm. Tuy nhiên, thoả thuận này đã bị hủy bỏ khi Quốc hội Thái Lan bị giải tán vào năm 2011.
Thỏa thuận thứ hai diễn ra dưới thời chính phủ Yingluck Shinawatra vào năm 2012, trong đó đề xuất xây dựng bốn tuyến đường sắt cao tốc từ thủ đô Bangkok đi về phía bắc, đông bắc, đông và phía nam. Tuy nhiên, dự án này đã bị chỉ trích và bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan bác bỏ vào đầu năm 2014. Cuối năm 2014, chính quyền Yingluck đã bị lật đổ bằng một cuộc đảo chính quân sự.
Sau đảo chính, chính phủ quân sự Prayuth đã xem xét dự án và quyết định bắt đầu xây dựng vào tháng 5/2016 để kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Thái Lan-Trung Quốc.
Tuy nhiên, quá trình thương thuyết kéo dài đã khiến chính phủ Thái Lan đụng vào “tổ ong vò vẽ”.
Tại hội nghị cấp cao Hợp tác Thương mại Lancang-Mekong (22-24/3/2016) ở tỉnh Hải Nam, hai thủ tướng Thái Lan và Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rằng Bangkok sẽ tài trợ toàn bộ dự án thông qua các khoản vay trong nước và tốc độ cho phép của tuyến đường sắt cao tốc này sẽ là 250 km/h. Trung Quốc chỉ đầu tư 60% vào hệ thống đường sắt và đào tạo vận hành, trong đó có xây cầu và đường hầm xe lửa.
Một số bài học
Những trục trặc trong dự án đường sắt cao tốc Trung Quốc-Thái Lan cho thấy một số bài học.
Thứ nhất, kế hoạch liên kết Trung Quốc với lục địa Đông Nam Á sẽ không thể không đi qua Thái Lan. Do đó, các nhà hoạch định chính sách Thái Lan có thể sử dụng lợi thế này một cách khôn ngoan để thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cấp nền kinh tế của đất nước.
Thứ hai, ban lãnh đạo Trung Quốc mới có thể không đánh giá cao những quan hệ lịch sử như những người tiền nhiệm. Do đó, Bắc Kinh ít có khả năng thỏa hiệp lợi ích quốc gia để mục đích duy trì mối quan hệ ấm áp với Bangkok.
Thứ ba, Trung Quốc từng dùng “củ cà rốt” để lôi kéo Thái Lan. Bây giờ, Bắc Kinh sẵn sàng dùng “cây gậy” . Bắc Kinh sẵn sàng hăm dọa khi các lợi ích quốc gia của Trung Quốc bị ảnh hưởng. Sự vắng mặt của thủ tướng Thái Lan tại Hội nghị thượng đỉnh BRI có liên quan trực tiếp đến sự chậm trễ của dự án đường sắt cao tốc Trung Quốc-Thái Lan. Đây có vẻ như chỉ là sự hăm dọa ngoại giao nhỏ, nhưng nó cho phép Bắc Kinh gửi một thông điệp không hài lòng với tình hình hiện tại.
Đối với Đông Nam Á, Bắc Kinh đang gây áp lực để buộc khu vực này để ủng hộ sự lãnh đạo của Trung Quốc. Trong trường hợp của Thái Lan, Bắc Kinh cũng không hài lòng về việc Bangkok vẫn quan hệ đồng minh với Washington.
Việc Bắc Kinh gây áp lực ngoại giao khiến Đông Nam Á có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đối phó với Trung Quốc trong tương lai.
Bắc Kinh gây áp lực nhiều hơn để Đông Nam Á ít nhất không cản trở lợi ích của Trung Quốc là một viễn cảnh có thể xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, tình huống này không có lợi cho cả Trung Quốc lẫn Đông Nam Á. Cách tiếp cận trừng phạt của Trung Quốc, nếu duy trì, sẽ chỉ để lại hình ảnh tiêu cực của Trung Quốc và làm sâu sắc thêm mối nghi ngờ về ý định thực sự của Bắc Kinh trong khu vực.
Minh Châu (Theo TODAYonline)