Mỹ , Nhật Bản, Hàn Quốc và cả CHDCND Triều Tiên đều nói rằng Bình Nhưỡng đã thử nghiệm thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang tên Hwasong-14.
|
Hình ảnh tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh ghép: The Sun
|
Một nguồn tin chính phủ Mỹ khẳng định với The Diplomat rằng tầm với của tên lửa Hwasong-14 vào khoảng từ 7.500 đến 9.500 km. Nếu đạt tầm bắn 9.500 km, tên lửa Hwasong-14 có thể đánh phá các thành phố lớn trên bờ biển phía tây nước Mỹ - bao gồm Seattle, San Francisco và Los Angeles. Xét theo mọi tiêu chí, tên lửa mới Hwasong-14 của Triều Tiên đủ tiêu chuẩn dán nhãn ICBM.
Tuy nhiên, phía Nga lại coi Hwasong-14 là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) là tên lửa đạn đạo tầm trung, khi ngăn cản Hội đồng Bảo an LHQ lên án Triều Tiên thử tên lửa ICBM.
Vậy có cơ sở nào để nói rằng tên lửa Hwasong-14 chính là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)?
Tên lửa Hwasong-14 được phóng ngày 4/7 đã bay xa 935 km, lên tới độ cao hơn 2.800 km và thời gian bay 37 phút. Tên lửa đó, nếu bay ở quỹ đạo tối ưu, sẽ dễ dàng vượt qua khoảng cách 5.500 km mà cả Mỹ lẫn Nga đều sử dụng để xác định một tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tuy nhiên, người Nga vẫn cho rằng Triều Tiên không có bất kỳ một ICBM nào. Theo các đánh giá tình báo của Nga vào ngày 4/7 do hãng thông tấn TASS của Nga công bố, tên lửa Hwasong-14 được cho là bay xa 510 km, lên tới độ cao 535 km và có thời gian bay là 14 phút.
Chính vì vậy mà Hwasong-14 chỉ tương đương với tên lửa đạn đạo tầm trung Pukkuksong-1 phóng từ tàu ngầm (SLBM) hoặc tên lửa đạn đạo tầm trung Pukkuksong-2 phóng từ mặt đất (MRBM).
Có một vài khả năng để giải thích điều này.
Khả năng thứ nhất, tên lửa Hwasong-14 có hai tầng và rất có thể hệ thống cảnh báo sớm của Nga mới chỉ phát hiện được tầng đầu tiên của tên lửa. Một nguồn tin của chính phủ Mỹ đã khẳng định với The Diplomat rằng tầng đầu tiên của tên lửa Hwasong-14 có thể leo tới độ cao tối đa 585 km, một con số tương đối sát với con số mà tình báo Nga đã phát hiện. Nếu quả đúng là như vậy, thì hệ thống cảnh báo sớm của Nga đã bỏ lỡ giai đoạn thứ hai của Hwasong-14. Điều này bộc lộ nhược điểm chết người trong hệ thống cảnh báo sớm và các trạm radar phòng không của Nga.
Còn một khả năng khác không hề liên quan đến nhược điểm trong hệ thống cảnh báo sớm của Nga hoặc đánh giá tình báo. Đây có thể là trò chơi chính trị và ngoại giao. Nga có thể cố tình trì hoãn hoạt động tại Hội đồng Bảo an LHQ trong ngày 4 tháng 7. Điều này có thể vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do đối chọi với Mỹ và giúp Triều Tiên tránh bị HĐBA LHQ lên án.
Dường như, phía Nga chưa thuyết phục được thế giới rằng Triều Tiên đã không thực hiện thành công vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên vào ngày 4 tháng 7 năm 2017.
Minh Châu (Theo The Diplomat)