|
Triều Tiên phóng tên lửa liên lục địa Hwasong-14 hôm 4/7. Ảnh: Inquirer News |
+ Trước hết, liệu có thể tự vệ trước loại tên lửa ICBM này không?
- Câu trả lời là chưa. Các nước cảm thấy bị đe dọa trong những năm gần đây đã triển khai nhiều loại lá chắn tên lửa. Mỹ đã lắp đặt nhiều hệ thống THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) trên lãnh thổ Mỹ và tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, hệ thống này không thể bắn hạ tên lửa liên lục địa và chỉ chặn được các loại tầm ngắn hay tầm trung như Nodong hay Musudan của Triều Tiên. Quân đội Mỹ và Nhật sở hữu các chiến hạm trang bị hệ thống chống hỏa tiễn đạn đạo Aegis, nhưng chủ yếu nhằm bảo vệ các tàu chiến.
Washington đặt hy vọng vào hệ thống bắn chặn GMD (Ground Based Midcourse Defense) vừa phức tạp vừa tốn kém. Phối hợp một mạng lưới gồm radar rất mạnh, vệ tinh và hai giàn phóng, hệ thống này nhận ra ICBM và phóng đi một hỏa tiễn sát thủ EKV (Exoatmospheric Kill Vehicle) để phá hủy ICBM ở độ cao 600 km. Tháng Năm vừa rồi quân đội Mỹ loan báo thử nghiệm thành công GMD, tuy nhiên hệ thống này chỉ có thể đi vào hoạt động trong nhiều năm tới.
+ Thứ hai, Bình Nhưỡng sở hữu những loại vũ khí nào?
- Khá đầy đủ,…từ loại Scud (tầm bắn 500 km, có thể bắn tới Hàn Quốc) hay Nodong (chỉ trong 7 phút đã bay đến Tokyo), và cả loại Musudan (tầm bắn 2.500 đến 4.000 km), Hwangsong-12 (4.500 km, bắn đến căn cứ Guam của Mỹ). Trong dịp diễu binh kỷ niệm 105 năm sinh nhật Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) hồi mùa xuân, các chuyên gia nhận ra nhiều loại hỏa tiễn thế hệ mới. Bị bất ngờ trước vụ phóng tên lửa Hwasong-14 hôm 4/7, các nhà chuyên môn cho rằng Bình Nhưỡng sở hữu nhiều loại tên lửa liên lục địa.
+ Thứ ba, CHDCND Triều Tiên có lắp được đầu đạn hạt nhân vào tên lửa hay không?
- Không chắc lắm, dù Bình Nhưỡng khẳng định điều này. Vụ thử hạt nhân gần đây nhất đạt đến 10 kiloton, tức tương đương 10.000 tấn TNT. Để so sánh, hai quả bom mà Mỹ thả xuống nước Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 có sức mạnh lần lượt là 15 kiloton (ở Hiroshima) và 17 kiloton (ở Nagasaki). Tuy nhiên chưa có bằng chứng nào cho thấy Bình Nhưỡng có thể thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân để lắp vào tên lửa, cũng như đủ vững chắc trước độ rung và nhiệt độ trong đường bay xuyên lục địa.
+ Cuối cùng, liệu có thể ngăn chặn được chương trình tên lửa-hạt nhân của Triều Tiên hay không?
- Câu trả lời là không. Từ 11 năm qua, đất nước khép kín này đã nhiều lần bị Liên Hợp Quốc hoặc một số quốc gia trừng phạt. Nhưng bất chấp cấm vận, Triều Tiên sẵn sàng hy sinh việc phát triển kinh tế và mức sống người dân cho các chương trình vũ khí. Đã có nhiều tiếng nói muốn hòa dịu hơn với Bình Nhưỡng, nhưng chính quyền của Tổng thống Donald Trump lo sợ đây là một dạng công nhận tư cách cường quốc hạt nhân cho CHDCND Triều Tiên. Gần đây Washington hàm ý khả năng can thiệp quân sự, nhưng tiến bộ kỹ thuật mới nhất của Bình Nhưỡng khiến giải pháp này trở nên đầy bất trắc.
Minh Châu (BT)