Vì sao Ấn Độ tăng cường hiện diện ở Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Để bảo lợi ích hàng hải trên các vùng biển - trong đó có Biển Đông, chính phủ Ấn Độ đang xây dựng một lực lượng hải quân hiện đại, hùng mạnh.

Tàu chiến hiện đại của Hải quân Ấn Độ
Ấn Độ có lực lượng hải quân lớn thứ 5 trên thế giới và có kế hoạch sở hữu ít nhất 160 tàu hải quân, trong đó có 3 hạm đội tàu sân bay vào năm 2022. Hiện thời, Ấn Độ đã tự đóng được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và vừa hạ thủy một tàu sân bay tự nghiên cứu chế tạo.
Củng cố lợi ích hàng hải
Tuy nhiên, khát vọng trở thành cường quốc hải quân của Ấn Độ đang bị thách thức. Mặc dù gần 55% khối lượng hàng hóa thương mại của Ấn Độ đi qua eo biển Malacca, nhưng có nước vẫn phản đối việc Hải quân Ấn Độ đóng một vai trò tích cực ở Biển Đông.
Đáng chú ý, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối sự hiện diện của Hải quân Ấn Độ trong khu vực. Hồi tháng 7/2011, Hải quân Trung Quốc đã xấc xược đánh điện tín yêu cầu một tàu Hải quân Ấn Độ rời khỏi vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, sau khi hoàn thành một chuyến cập cảng tại Việt Nam. Sau đó, tàu chiến Trung Quốc còn “hộ tống” một tàu hải quân Ấn Độ trong khi đang trên đường từ Philippines sang Hàn Quốc hồi tháng 6/2012. Bắc Kinh cũng đã phản đối Hà Nội cho phép công ty Ấn Độ ONGC Videsh thăm dò các lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Tàu sân bay Viraat.
Mặc dù không là một nước ven Biển Đông, nhưng Ấn Độ có lợi ích hàng hải trong vùng biển này. Tuy không tuyên bố công khai về việc có “lợi ích quốc gia” trong việc tự do hàng hải ở Biển Đông như Mỹ, nhưng Ấn Độ kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông và đảm bảo tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế này.
Ấn Độ cũng có quan hệ hàng hải tốt đẹp với một số quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, với việc Hải quân Ấn Độ được phép thường xuyên cập cảng Nha Trang và giúp Việt Nam đào tạo các thủy thủ tàu ngầm.
Kể từ khi triển khai lần đầu tiên ở Biển Đông vào năm 2000, Hải quân Ấn Độ cũng đã tham gia một số hoạt động hàng hải trong khu vực như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, tập trận hải quân chung và tiến hành các chuyến thăm viếng hải cảng trong khu vực.
Ngăn chặn Trung Quốc bành trướng sang Ấn Độ Dương
Ngoài tiếp cận các nguồn năng lượng, đảm bảo an toàn cho các tàu buôn đi qua eo biển Malacca, Ấn Độ cũng có lợi ích lớn hơn ở Biển Đông trong việc không để cho Trung Quốc biến vùng biển quốc tế này thành “ao nhà” và ngăn chặn không cho hành động hung hăng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông “lan sang” Ấn Độ Dương. Các hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông có thể là một dấu hiệu cho thấy cách ứng xử tương lai của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, đặc biệt nếu Trung Quốc coi việc bảo vệ các tuyến hàng hải ở Ấn Độ Dương là "lợi ích cốt lõi" tương đương với tuyên bố chủ quyền của nước này đối với Tây Tạng và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân INS Arihant do Ấn Độ tự đóng.
Hơn nữa, sự hiện diện hải quân qui mô lớn của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương có thể dẫn đến một sự đảo ngược vai trò của Ấn Độ ở Biển Đông vì Trung Quốc là quốc gia ven biển, còn Ấn Độ là một nước nằm ngoài khu vực.
Với sự hiện diện qui mô lớn ở Ấn Độ Dương, Trung Quốc có thể can thiệp vào việc phân định biên giới trên biển giữa Ấn Độ và các nước láng giềng (cụ thể là Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka), thu thập thông tin tình báo và khai thác tài nguyên gần bờ biển Ấn Độ. Việc Trung Quốc xin được một giấy phép tham gia khai thác đáy biển sâu ở Tây Nam Ấn Độ Dương trong tháng 7 năm 2011 cho thấy một kịch bản như vậy có thể xảy ra trong tương lai.
Điều này càng khiến cho Ấn Độ tích cực can dự vào Biển Đông để ngăn chặn hành vi hung hăng quyết đoán của Trung Quốc lặp lại ở Ấn Độ Dương.
Việc Ấn Độ quan tâm đến Biển Đông diễn ra giữa lúc Mỹ theo đuổi chính sách mới đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ đang “xoay trục” sang Châu Á-Thái Bình Dương, tái khẳng định cam kết đối với khu vực và kêu gọi các đồng minh “chia sẻ gánh nặng an ninh khu vực”.
Máy bay Sea Harrier cất cánh thẳng đứng trên tàu sân bay INS Viraat. 
Việc Ấn Độ tăng cường sức mạnh Hải quân cũng bắt nguồn từ sự trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành một cường quốc hàng hải và sự xói mòn vai trò của Mỹ trong khu vực do khó khăn về tài chính cũng như sự gia tăng của các mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia - trong đó có cướp biển, buôn bán bất hợp pháp và các nguy cơ khủng bố trên biển.
Tầm quan trọng chiến lược của Ấn Độ trong khu vực Đông Á sẽ ngày càng phụ thuộc vào khả năng của nước này đóng một vai trò xây dựng ở Biển Đông.
Lê Chân (theo The Diplomat)