“Tuần trăng mật” Trung Quốc-Philippines sắp kết thúc?

Google News

(Kiến Thức) - Sau một thời gian “tuần trăng mật”, Trung Quốc và Philippines công khai tranh cãi với nhau vì cả hai bên đều kiên quyết củng cố tuyên bố chủ quyền Biển Đông.

Mười tháng sau khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức tổng thống, "tuần trăng mật" Trung Quốc-Philippines  đã biến thành mối quan hệ đầy trục trặc. Mặc dù hai bên có thể vẫn tiếp tục đối thoại và đàm phán nhằm ngăn chặn xung đột vũ trang ở Biển Đông và theo đuổi các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn, song cả hai bên đều cứng rắn hơn về lập trường đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp.
“Tuan trang mat” Trung Quoc-Philippines sap ket thuc?
Tổng thống Rodrigo Duterte và các tướng lĩnh Philippines hàng đầu. Ảnh: Asia Times 
Điều đó đã trở nên rõ ràng trong quyết định của Manila đưa các quan chức quốc phòng hàng đầu đến đảo Thị Tứ trong Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mặc dù Trung Quốc đã phản đối động thái này và coi đó là một sự khiêu khích, Philippines mô tả chuyến thăm này là “thông lệ”, mặc dù trên thực tế không có quan chức Philippines cao cấp nào đến đảo Thị Tứ trong nhiều năm qua.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vốn ưu tiên cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Sự “đảo chiều” của ông Duterte đã dẫn đến một số nhượng bộ đối với Trung Quốc mà những người chỉ trích cho rằng nó có thể làm xói mòn chủ quyền và an ninh quốc gia trong việc theo đuổi các lợi ích kinh tế.
Những nhượng bộ nói trên bao gồm việc không đả động đến phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế ở La Haye có lợi cho Philippines và bác bỏ tuyên bố chủ quyền tham lam phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông; huỷ bỏ một số cuộc tập trận chung với Mỹ - cụ thể là cuộc tập trận Phiblex và Carat giữa Mỹ và Philippines; không cho Mỹ sử dụng các hải cảng Philippines để tiến hành chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải và từ chối cho phép Mỹ mở rộng Căn cứ Không quân chiến lược Bautista trên đảo Palawan.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc ráo riết xây dựng mạng lưới các cơ sở quân sự trên các tính năng đang tranh chấp ở Biển Đông mà Bắc Kinh đã bồi đắp trái phép thành “đảo nhân tạo” đã buộc chính phủ Duterte và các tướng lĩnh Philippines phải có lập trường cứng rắn hơn.
Các quan chức Philippine nói rằng họ đang theo đuổi chiến lược quản lý rủi ro, theo đó họ cố gắng xử lý các mối quan hệ với Trung Quốc thông qua sự kết hợp lỏng lẻo giữa ngăn chặn và can dự. Trong tháng qua, các quan chức Philippines đã tìm cách củng cố vị thế trên các tính năng mà Manila tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và sẽ không còn bỏ qua mối đe dọa đang tăng lên do chiến lược bành trướng của Trung Quốc trong vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Để đáp lại báo cáo nói rằng một đơn vị quân đội của Trung Quốc đồn trú trên Đá Xubi đã tìm cách xua đuổi chiếc máy bay chở quan các chức quốc phòng Philippines (trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana) đến đảo Thị Tứ, Văn phòng Tổng thống Duterte tuyên bố: "Từ lâu, Philippines đã thực hiện việc tuần tra hàng hải theo thông lệ và thường xuyên Biển Tây (Biển Đông)” và rằng đó là “những hoạt động hợp pháp theo luật quốc tế ".
Tuần trước, Bắc Kinh đã công khai bày bỏ bực bội khi Tổng thống Duterte tuyên bố rằng ông sẽ đến cắm cờ Philippines trên đảo Thị Tứ, một hòn đảo lớn thứ hai trong Quần đảo Trường Sa. Ông Duterte cũng ra lệnh cho quân đội chiếm và bảo vệ “các tính năng của Philippines” trong khu vực.
Sau đó, Tổng thống Duterte đã huỷ bỏ kế hoạch thăm và cắm cờ trên đảo Thị Tứ, tránh làm mất lòng Bắc Kinh.
Ngay sau đó, ông Duterte đã “bật đèn xanh” cho Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana và Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Philippines Eduardo Año đến thăm đảo Thị Tứ mà Bắc Kinh coi là một phần của lãnh thổ Trung Quốc, trong phạm vi cái gọi là “bản đồ đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) tham lam phi lý. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, các quan chức quốc phòng Philippines hàng đầu tới đảo Thị Tứ.
Không giống như Tổng thống tiền nhiệm Aquino vốn ưu tiên sử dụng các công cụ luật pháp đối với Trung Quốc, Tổng thống đương nhiệm Duterte đã dành 1,6 tỷ peso (35 triệu USD) cho việc nâng cấp các cơ sở của Philippin ở Quần đảo Trường Sa. Vốn được cho là thân thiện với Trung Quốc, nhưng trên thực tế Tổng thống Duterte lại có lập trường cứng rắn hơn trên mặt đất, sẵn sàng sử dụng các nguồn lực và triển khai các quan chức quốc phòng để tăng cường vị thế của Philippines ở các vùng biển tranh chấp.
Những nỗ lực này do tướng Lorenzana, cựu tùy viên quân sự Đại sứ quán Philippines tại Washington, đứng đầu. Trong những tháng gần đây, tướng Lorenzana là một trong những người kêu gọi mạnh mẽ nhất về việc chống lại những tham vọng trên biển của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác an ninh chặt chẽ với Mỹ.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc bắt đầu nhận ra rằng chính phủ Duterte đang theo đuổi lập trường thực tế hơn về tranh chấp lãnh thổ. Đây không phải là một chiến lược dễ dàng bị lay chuyển, ngay cả khi Bắc Kinh cam kết trợ giúp kinh tế một cách hào phóng. Giới tướng lĩnh ở Manila đang trở nên cứng rắn hơn trong việc chống lại các tham vọng hàng hải của Trung Quốc gần bờ biển Philippines, trong khi Tổng thống Duterte vẫn duy trì cuộc tấn công quyến rũ ngoại giao đối với Bắc Kinh.
Minh Châu (Theo Asia Times)