"Bỏ Mỹ theo Trung Quốc", ông Duterte hy sinh những gì?

Google News

Tổng thống Rodrigo Duterte quyết tâm tăng cường mối quan hệ Philippines-Trung Quốc, nhưng những cái giá phải trả sẽ lớn đến mức nào?
 
 

Kể từ khi lên nắm quyền vào ngày 30/6, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế về chiến dịch chống ma túy khắc nghiệt vốn dẫn việc tử hình không cần xét xử hơn 3,600 đối tượng tình nghi buôn bán ma túy trên khắp quốc gia Đông Nam Á này. Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ đã lên tiếng báo động về chiến dịch trấn áp có phần cực đoan của Manila. Đáp lại, ông Duterte đã chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama, đồng thời tuyên bố sẽ “chia tay với Mỹ”, đồng minh có hiệp ước lâu dài và là "nhà bảo trợ" an ninh cho Philippines.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn chia tay với Mỹ và tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Ảnh Reuters
Tuy nhiên, theo ông Greg Rushford - chuyên gia chính trị và chính sách đầu tư, thương mại quốc tế - bình luận trên tờ Chính sách đối ngoại (Mỹ) ngày 19/10, có một cường quốc thế giới dường như không bận tâm đến sự vượt quá giới hạn của ông Duterte. Trong một bài phát biểu hồi tháng trước, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Zhao Jianhua nêu rõ: “Phía Trung Quốc hoàn toàn hiểu và ủng hộ mạnh mẽ chính sách của chính quyền Duterte vốn (ưu tiên) cuộc chiến chống tội phạm ma túy”. Ông Zhao tiếp tục bày tỏ sự hài lòng của mình về “sự tương tác lẫn nhau một cách thân thiện” giữa hai nước kể từ khi tổng thống mới của Philippines lên nắm quyền, dự báo rằng “mặt trời sẽ chiếu những tia sáng tươi đẹp trong chương mới của mối quan hệ song phương”.
Tuần này, Tổng thống Duterte gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh, nơi hai bên ký một loạt thỏa thuận song phương cấp cao vốn có thể tăng cường đáng kể thương mại và đầu tư giữa hai nước. Chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Duterte tuyên bố chấm dứt các cuộc tuần tra hải quân chung giữa Mỹ và Philippines ở những vùng biển nhạy cảm chiến lược trên Biển Đông, nơi Trung Quốc liên tục mở rộng sự hiện diện bất chấp những tuyên bố chủ quyền của Manila và các quốc gia khác. Trong khi đó, liên minh kéo dài 65 năm giữa Mỹ và Philippines chưa bao giờ bị coi là dễ tan vỡ.
Vậy tại sao Philippines có sự thay đổi trong chính sách đối ngoại? Ở một cấp độ nào đó, việc ông Duterte muốn tìm kiếm mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc phản ánh sự quyết tâm nhằm làm dịu đi quan điểm gây hấn của Bắc Kinh tại những vùng biển tranh chấp. Các tàu thuộc lực lượng hải giám của Trung Quốc với những súng máy và vòi rồng đã quấy rối ngư dân Philippines, ngăn cản họ đánh bắt hải sản ở những ngư trường truyền thống. Những cỗ máy nạo vét của Trung Quốc đã được triển khai nhiều trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, nơi họ đã phá hủy những rạn san hô để xây dựng đường băng và căn cứ hải quân nhằm tăng cường sức mạnh tấn công của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã dùng vũ lực ngăn cản Philippines phát triển các nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản có giá trị mà Manila sẽ cần trong những năm tới để cung cấp cho lưới điện của họ. Nhưng ông Duterte tuyên bố:"Tôi sẽ không gây chiến tranh" về các vấn đề như vậy.
Trong sự “háo hức” chung nhằm thiết lập mối quan hệ kinh tế gần gũi với Bắc Kinh, Tổng thống Duterte cho biết ông đang tìm cách làm sống lại hàng loạt dự án kinh doanh chung Trung Quốc-Philippines vốn được vạch ra một thập kỷ trước dưới thời Tổng thống Gloria Arroyo. Dự án đáng chú ý nhất liên quan đến một hợp đồng viễn thông trị giá 329 tỷ USD với tập đoàn nhà nước ZTE của Trung Quốc.
Trong khi không có cáo buộc tham nhũng xuất hiện trong chính quyền mới của ông Duterte, những mối quan ngại về các hậu quả tiêu cực của việc kinh doanh với Trung Quốc vẫn còn. Như Giáo sư Philippine Aileen Baviera đã chỉ ra, thỏa thuận ZTE "là một ví dụ về sự giàu có của Trung Quốc có thể làm xói mòn các thể chế và quy tắc của chính phủ vốn đã yếu kém ở một quốc gia chuyên đi nhận viện trợ như thế nào”.
Tuy nhiên, một số thành viên thuộc tầng lớp tinh hoa của Manila lo ngại rằng chiến dịch (chống tội phạm ma túy) của ông Duterte đe dọa làm xói mòn các quy chuẩn pháp luật vốn rất khó khăn mới đạt được. Và trong khi ông Duterte hiện đang có uy tín cao trong các cuộc thăm dò dư luận, dấu hiệu của một làn sóng phản ứng dữ dội đã bắt đầu xuất hiện. Một dấu hiệu đáng chú ý đã xuất hiện hồi tuần trước khi một chính khách cao tuổi rất được tôn trọng, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos - người mà ông Duterte tuyên bố sẽ được cử làm đặc phái viên của Philippines tới Trung Quốc - công khai bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với chính quyền Duterte. Ông Ramos than thở rằng "chính quyền Duterte đang thất bại thảm hại". Cũng trong tuần qua, Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio thậm chí cảm thấy cần thiết phải nhắc nhở ông Duterte rằng việc từ bỏ quyền chủ quyền của Philippines sẽ là một "hành vi có thể bị buộc tội phản quốc”.
Thật vậy, nếu ông Duterte tiếp tục đường lối hiện nay của mình - hạ thấp vai trò phán quyết của Tòa trọng tài ở La Haye, Hà Lan liên quan đến Biển Đông, và làm dịu đi những yêu sách lãnh thổ của Philippines – “tuần trăng mật” của ông với cử tri có thể sẽ kết thúc một cách nhanh chóng, bởi vì Philippines vẫn là một trong những nước có nhiều người ủng hộ Mỹ nhất trên thế giới; trong một khảo sát gần đây, một con số khổng lồ với 92% số người được hỏi vẫn giữ thái độ tích cực đối với Mỹ.
Theo Công Thuận/Báo Tin Tức