Căng thẳng Biển Đông phản ánh đối đầu Trung – Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Biển Đông “dậy sóng” không chỉ cho thấy sự hung hăng của Trung Quốc mà còn phản ánh tình trạng đối đầu leo thang giữa Bắc Kinh – Washington.        

Trung Quốc có một loạt hành động hung hăng trên Biển Đông như đâm chìm tàu cá Việt Nam và xây dựng trái phép trên các hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Những hành động trên của Trung Quốc khiến tình hình Biển Đông “nóng” lên từng ngày và cho thấy sự hung hăng của Trung Quốc cũng như phản ánh tình trạng đối đầu ngày càng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington trên Biển Đông, một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới.
Trong chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Philippines, Manila và Washington đã kí kết thỏa thuân hợp tác quốc phòng kéo dài trong 10 năm. Các quan chức Mỹ cũng đã nhiều lần tuyên bố việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động khiêu khích.
Trung Quốc cải tạo trái phép ở bãi Gạc Ma. 
Theo giáo sư Edward Chen thuộc ĐH Tamkang (Đài Loan), giới phân tích đưa ra 3 giả thuyết khác nhau về lý do Washington quyết định ủng hộ Philippines và Việt Nam trong căng thẳng trên Biển Đông.
Theo các học giả nghiêng về thuyết chuyển giao quyền lực, sự trỗi dậy của Trung Quốc trong những năm gần đây và sự bất mãn của nước này trước trật tự thế giới hiện nay đang trở thành một thách thức đối với vị thế siêu cường của Mỹ. Theo lý thuyết này, nếu một cường quốc hiện hữu và một cường quốc “mới nổi” cùng ganh đua nhau, sẽ chỉ có thể có một cường quốc giành chiến thắng.
Trong khi đó, những nhà nghiên cứu ủng hộ giả thuyết tấn công dự đoán rằng bất chấp nỗ lực của Mỹ và Trung Quốc nhằm gắn bó và hiểu nhau hơn, hai quốc gia này sẽ tiến tới kết cục đối đầu “một mất một còn”.
Nhóm học giả thứ ba cho rằng chiến lược “Trục châu Á” của Tổng thống Barack Obama thành công ở khía cạnh Washington đã mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua mối quan hệ đồng minh với các quốc gia trong khu vực.
Bên cạnh việc củng cố mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines, Mỹ cũng tăng cường quan hệ với các quốc gia mới nổi trong khu vực như Việt Nam và đã đứng vào thế ngày càng đối đầu trực diện với Trung Quốc.
Mỗi giả thuyết trên đều có cơ sở lập luận riêng, tuy nhiên hiện thực xảy ra trong tương lai có thể sẽ có nhiều khác biệt. Chỉ có một điều chắc chắn là Biển Đông sẽ tiếp tục là nguồn gốc của tình trạng bất ổn trong khu vực.
Tùng Lâm