Vào thời trung cổ, các nhà giả kim thuật đã tìm cách biến đất thành vàng. Ngày nay, Trung Quốc "đổi trắng, thay đen" và làm cái điều tương tự trên Biển Đông, khi tìm cách biến các rạn san hô, bãi đá ngầm thành “đảo nhân tạo”.
|
Trung Quốc: Biển Đông không liên quan gì đến Mỹ.
|
Báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ về năng lực quân sự của Trung Quốc lưu ý rằng trong năm qua, Trung Quốc đã và đang bồi đắp xây dựng “
đảo nhân tạo” ở ít nhất năm trong số các rạn san hô và bãi đá ngầm mà của nước này chiếm được trên Biển Đông. Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng trên bốn trong số các đảo nhân tạo này và ít nhất hai trong số đó là Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Xu Bi (Subi Reef) có đường băng đủ dài để hạ cất cánh tất cả các loại chiến đấu cơ Trung Quốc.
Bắc Kinh coi những hành động này là “hợp pháp và chính đáng” vì chúng diễn ra trên “lãnh thổ Trung Quốc”. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nhấn mạnh tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) hồi đầu năm nay rằng Trung Quốc đang xây dựng trên “các đảo và bãi đá của mình”. Không những thế, Trung Quốc mô tả những hoạt động này là “cần thiết”.
Một nhân tố quan trọng khác là việc Bắc Kinh phát triển đảo Hải Nam - khu vực đặt sân bay vũ trụ mới nhất của Trung Quốc cũng như một quân cảng cho tàu sân bay và các bến tàu ngầm. Khi đảo Hải Nam trở nên quan trọng về mặt chiến lược, thì khát vọng của Bắc Kinh tạo ra một “vùng đệm” ở Biển Đông cũng lớn theo. Hơn nữa, khu vực này chứa nhiều tài sản có giá trị kinh tế, bao gồm những ngư trường dồi dào và các lớp trầm tích dầu lửa tiềm tàng.
Nhưng quyết định của Trung Quốc xây dựng các hòn đảo ở nơi mà trước kia chỉ toàn là các mỏm đá, bãi cát ngầm và rạn san hô (những thực thể chìm dưới mặt nước biển) chính là nỗ lực nhằm “thay đổi nguyên trạng”. Điều này thách thức một loạt các luật pháp quốc tế. Đây là mưu đồ tạo ra các “đảo nhân tạo” để yêu sách vùng nội thủy (lãnh hải 12 hải lý) và các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) kéo dài 200 hải lý. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) , các bãi đá không người ở chỉ có vùng nội thủy 12 hải lý còn các bãi ngầm thì chẳng có vùng nội thủy lẫn EEZ.
Trung Quốc đã tìm cách thúc đẩy yêu sách ở Biển Đông bằng cả chiến tranh pháp lý lẫn hành động phá rối - như việc áp sát tàu USNS Impeccable và USNS Victorious (trong số các tàu khác) vào năm 2009. Trên thực tế, Trung Quốc đang thách thức nghiêm trọng đối với qui tắc “duy trì nguyên trạng” đối với bản chất tự nhiên của các cấu trúc địa hình trên biển và tự do hàng hải.
Nhằm chống lại mưu đồ của Trung Quốc, Washington đang cân nhắc những cách thức đối phó mới. Trong số những sự lựa chọn có các chuyến bay qua không phận của các đảo nhân tạo và tàu Hải quân Mỹ đi vào bên trong khu vực 12 hải lý tính từ các bãi ngầm…để nhấn mạnh rằng các “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc vừa bồi đắp trên các bãi ngầm và rạn san hô không có vùng lãnh hải. Tàu USS Fort Worth, một tàu tác chiến tuần duyên mới, đã đi vào các vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa. Thông điệp của Mỹ là rõ ràng: Trung Quốc không được phép đơn phương đảo ngược nguyên trạng trên Biển Đông hay viết lại luật pháp và các hiệp ước quốc tế.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ không lùi bước, một phần do niềm tin cố hữu rằng Biển Đông “từ lâu đã là lãnh thổ Trung Quốc”.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc làm cho căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Khi thăm Mỹ trong năm 2014, Tướng Phòng Phong Huy - Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) - nói rằng các nước ven Biển Đông đang bị kích động bởi “Mỹ thực hiện chiến lược tái cân bằng Châu Á-Thái Bình Dương”. Lập trường này có khả năng sẽ còn được Trung Quốc lặp lại nhiều hơn trong tương lai.
|
Trung Quốc đã công khai thảo luận việc đưa các yếu tố quân sự vào nỗ lực bồi đắp xây dựng “đảo nhân tạo” ở Biển Đông. |
Các nhà bình luận của Trung Quốc đã công khai thảo luận việc đưa các yếu tố quân sự vào nỗ lực bồi đắp xây dựng “đảo nhân tạo” ở Biển Đông. Hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã từng tuyên bố: “Vì lợi ích bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Trung Quốc cần phải tự vệ… Những cơ sở trên các hòn đảo và bãi ngầm, ngay cả khi mang bản chất quân sự nào đó, là hợp lý và chính đáng để Trung Quốc sử dụng chúng cho các mục đích phòng thủ”. Tuyên bố này được đưa ra giữa lúc Trung Quốc tìm cách triển khai “ba cuộc chiến tranh” - chiến tranh pháp lý, chiến tranh công luận và chiến tranh tâm lý - ở Biển Đông.
Vì nhưng lý do nói trên, điều cần thiết là Mỹ không chỉ chống lại những nỗ lực “đảo ngược luật pháp quốc tế ở Biển Đông” của Trung Quốc mà còn phải nhận được sự ủng hộ công khai của các nước hữu quan trong khu vực.
Minh Châu (Theo The National Interest)