|
Cuộc chiến "súng phun nước" ở vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.
|
Báo Libération gọi đây là “trò chơi mèo vờn chuột không có hồi kết” giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Bài báo thuật lại vụ việc 3-4 tàu Hải cảnh Trung Quốc tiến vào khu vực quần đảo Senkaku hôm 7/8 và bị Nhật Bản xem là xâm phạm lãnh thổ quốc gia. Bị yêu cầu phải lùi ra xa, phía Trung Quốc trả lời lại qua điện đài bằng hai thứ tiếng Hoa và Nhật rằng quần đảo này thuộc chủ quyền Trung Quốc với cái tên là Điếu Ngư và sau đó rút lui.
Theo Libération, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - với năm đảo nhỏ, đầy tiềm năng khoáng sản tự nhiên và nguồn cá dồi dào - chịu sự quản lý của Nhật từ năm 1895 và từ nhiều thập niên nay, đã trở thành món mồi béo bở mà Trung Quốc và Đài Loan muốn thâu tóm.
Ngày 6/8 vừa qua, Tokyo đã phô diễn sức mạnh bằng việc cho hạ thủy khu trục hạm trực thăng khổng lồ được đặt tên là Izumo. Đây là chiến hạm lớn nhất (có chiều dài 248m) do Nhật Bản chế tạo kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II và sẽ được đưa vào biên chế vào năm 2015. Thế nhưng, theo tờ báo Pháp, việc Nhật tung ra chiếc tàu này trong bối cảnh một tuần lễ khá căng thẳng thì chẳng khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”.
Khi cho hạ thủy chiếc tàu, Tokyo khẳng định rằng chiếc Izumo chỉ dành cho việc kiểm soát vùng biên giới trên biển, chống tàu ngầm và cứu hộ trong trường hợp thiên tai. Thế nhưng, Bắc Kinh cáo buộc Tokyo đã đóng một chiếc tàu sân bay trá hình. Đồng thời, việc Tokyo loan báo thành lập một lực lượng đặc biệt gồm 600 người nhằm giám sát và bảo vệ quần đảo Senkaku càng làm cho chính quyền Trung Quốc dị ứng và lên án đà “quân sự hóa” của Nhật Bản.
Ông Jean-Vincent Brisset, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) nhận xét: “Đả kích Nhật cũng như chống nạn tham nhũng là hai đề tài được dân Trung Quốc ưa chuộng, cho phép che mắt dân chúng trên một số vấn đề thực sự nóng bỏng như kinh tế và ô nhiễm. Thế nhưng, Chủ tịch Tập Cận Bình, mặc dù phải trấn an những người theo chủ nghĩa dân tộc trong nước, vẫn cố gắng tạo cho Trung Quốc dáng vẻ một nước bình thường”.
Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các quốc gia láng giềng. Cuối tháng 7, Trung Quốc đã hợp nhất nhiều cơ quan về biển, dưới một tên gọi duy nhất là “Lực lượng tuần duyên”. Cách gọi này cho phép Bắc Kinh trang bị cho lực lượng này các loại vũ khí hạng nhẹ như súng vòi rồng và súng tiểu liên. Đây là một sự leo thang làm tăng mối lo ngại là tình hình sẽ xấu đi thêm.
Tuy nhiên, ít có khả năng Trung Quốc sẽ dùng đến vũ lực ở Senkaku/Điếu Ngư trong bối cảnh Mỹ nhiều lần cho thấy ý định sẽ bảo vệ Nhật Bản.
Ông Jean-Vincent Brisset nhận định: “Điều tệ hại nhất có thể xảy ra là tàu Nhật Bản và Trung Quốc vô tình va chạm vào nhau và làm cho hàng chục người thương vong. Tình hình khi đó có thể chuyển biến rất nhanh vì cả Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không kiềm chế được các thành phần dân tộc chủ nghĩa ở mỗi nước. Ở cả hai phía, có không ít người sẵn sàng lao vào cuộc chiến”.
Theo thăm dò do tổ chức phi chính phủ Nhật Bản Genron và nhật báo Trung Quốc China Daily công bố tuần trước, 90% người Trung Quốc không có thiện cảm với người Nhật và ngược lại.
Theo ông Jean-Vincent Brisset, nếu Nhật Bản và Trung Quốc ký hiệp định tối thiểu cho phép đánh cá như Nhật Bản và Đài Loan đã từng ký với nhau, thì đó sẽ là một bước tiến nhỏ dẫn tới sự hòa dịu.
Văn Bình (theo Liberation)