Vì sao Nhật Bản “quốc hữu hóa” Senkaku?

Google News

(Kiến Thức) - Quyết định "quốc hữu hóa" Senkaku một phần là do Trung Quốc ngày càng mạnh lên, nhưng chủ yếu là do nỗi sợ "ngày càng bị thất thế" của người Nhật.


 Sóng gió trong vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.

Thật vậy, trong khi viện lý do Nhật Bản buộc phải quốc hữu hóa 3 hòn đảo của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là nhằm ngăn chặn thị trưởng Tokyo theo chủ nghĩa dân tộc mua lại toàn bộ quần đảo này và chọc tức Trung Quốc, nguyên nhân sâu xa của hành động này xuất phát từ lo ngại của Nhật Bản về tương lai.

Khi hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào những năm 1970, Bắc Kinh và Tokyo đã tránh được các vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư bằng cách quyết định để lại vấn đề này cho đời sau giải quyết.

Quyết định này phù hợp với cả hai bên trong năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình sẵn sàng đưa ra một số nhượng bộ để tập trung hiện đại hóa kinh tế, trong khi Nhật Bản đã quản lý Senkaku/Điếu Ngư và mạnh hơn Trung Quốc nhiều lần.

Thời gian không ủng hộ Nhật Bản

Thời thế đổi thay, với thời gian, sức mạnh của Trung Quốc ngày càng đi lên, trong khi sức mạnh của Nhật Bản ngày càng đi xuống. Do tình trạng lão hóa dân số, Nhật Bản không thể nào đảo ngược xu thế này, hiện tại cũng như tương lai.

Như vậy, bằng cách tiếp tục để lại vấn đề Senkaku/Điếu Ngư cho các thế hệ tương lai giải quyết, Nhật Bản sẽ càng ngày càng rơi vào thế yếu và đến một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ đủ mạnh để đơn phương giải quyết vấn đề,
thông qua việc sử dụng vũ lực.

Triển vọng này ngày càng trở nên rõ ràng, khi các nhà  hoạch định chính sách của Nhật Bản chứng kiến việc  Trung Quốc ngày càng “bắt nạt” các nước láng giềng yếu hơn ở Biển Đông. Việc Trung Quốc dùng sức mạnh “thay đổi nguyên trạng” ở bãi cạn Scarborough hồi đầu năm 2012 càng khiến cho Nhật Bản lo ngại.

Cũng giống như Nhật Bản, Philippines là một đồng minh lâu năm của Mỹ. Thế nhưng điều này cũng không ngăn nổi Hải quân Trung Quốc thay đổi nguyên trạng, đơn phương khống chế bãi cạn Scarborough.

 Hiện thời, Nhật Bản còn đủ sức bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư trước sự xâm nhập của "tàu lạ".

Chỉ có điều, tương quan lực lượng Nhật Bản-Trung Quốc mạnh gấp bội tương quan Philippines-Trung Quốc. Nhưng với thời gian, tương quan này ngày càng trở nên bất lợi cho phía Nhật Bản. Trong khoảng thời gian 2012-2013, Nhật Bản tự tin về khả năng bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư trước các cuộc tấn công bằng quân sự của Trung Quốc. Nhưng vào một ngày nào đó trong tương lai không xa, Nhật Bản có thể mất đi khả năng này.

Xét theo góc độ đó, Nhật Bản bắt buộc phải giải quyết dứt điểm vấn đề chủ  quyền Senkaku/Điếu Ngư, trước khi Trung Quốc đủ mạnh để giải quyết vấn đề này bằng vũ lực.

Lợi dụng chính sách "xoay trục" của Mỹ

Có một lý do khác liên quan đến thời điểm chính phủ Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku. Đó là việc chính quyền Obama quyết định “xoay trục” sang Châu Á-Thái Bình Dương. Người Nhật đã tính toán rằng Mỹ sẽ không bỏ rơi Nhật Bản - đồng minh mạnh nhất trong khu vực- trong vấn đề Senkaku, sau khi đã “mất mặt” vì bỏ rơi Philippines liên quan đến bãi cạn Scarborough.

Mục tiêu tiếp theo của Nhật Bản là tăng cường quan hệ với càng nhiều nước trong khu vực càng tốt, để duy trì một sự cân bằng quyền lực trong khu vực, trong bối cảnh một Trung Quốc đang lên. Do Trung Quốc tranh chấp lãnh thổ với hầu như tất cả các nước láng giềng, Nhật Bản có thể sử dụng vấn đề Senkaku/Điếu Ngư để tập hợp các nước này liên kết với nhau. Trong thời gian gần đây, Nhật Bản đã nỗ lực thúc đẩy quá trình liên minh, liên kết này với các nước Đông Nam Á và Nam Á.

Cuối cùng, ngay cả khi có thể bị lép vế trước Trung Quốc về quân sự trong tương lai, tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư vẫn là một cái cớ để Nhật Bản sửa đổi Hiến pháp hòa bình do Mỹ áp đặt và tăng cường lực lượng vũ trang. Điều này có ý nghĩa sống còn đối với các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản, trong bối cảnh dân số ngày càng lão hóa và GDP ngày càng thua kém Trung Quốc. Cái ách 1% GDP dành cho chi tiêu quốc phòng đang ngày càng đè nặng lên Nhật Bản và khiến nước này khó có thể hiện đại hóa quân đội.

Xét tất cả các khía cạnh trên, người ta mới rõ vì sao mà Nhật Bản muốn giải quyết dứt điểm vấn đề Senkaku/Điếu Ngư vào lúc này, chứ không để cho các thế hệ sau giải quyết.

Chỉ có điều các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản chưa lường hết được hậu quả to lớn và bất lợi của việc quốc hữu hóa Senkaku, trong khi quá đề cao cam kết đồng minh của Mỹ. Với việc Trung Quốc ngày càng mạnh lên và Mỹ không muốn hy sinh “mối quan hệ quan trọng nhất thế giới” với Trung Quốc, vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư sẽ còn nhùng nhằng kéo dài và có lẽ vẫn phải… để lại cho đời sau giải quyết.