Tổng thống Pháp quyết định rút khỏi các “tiền tuyến” Ukraine, Syria

Google News

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định đặt an ninh quốc gia làm trọng tâm chính sách đối ngoại mới, giảm can thiệp vào các cuộc xung đột ở nước ngoài.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: "Với tôi, đây sẽ là sự kết thúc của chủ nghĩa bảo thủ kiểu mới, từng thâm nhập vào Pháp 10 năm qua. Chúng ta cần tìm lại sự gắn kết và sức mạnh của một chính sách quốc tế giúp lấy lại lòng tin và có một chính sách an ninh mạnh tay chống khủng bố".
Tong thong Phap quyet dinh rut khoi cac “tien tuyen” Ukraine, Syria
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: The Sun
Khi nhậm chức cách đây một tháng, Tổng thống Macron được cho là sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại hiện nay của "đất nước hình lục lăng", bởi đây là lĩnh vực vẫn còn khá mới đối với ông. Những năm gần đây, Pháp đã nhanh chóng can thiệp quân sự vào các điểm nóng xung đột tại Libya, Mali và Cộng hòa Trung Phi. Tuy nhiên, điều này sẽ có thể thay đổi dưới thời ông Macron. Theo các chuyên gia, ông Macon dường như gắn chính sách đối ngoại của mình với các ưu tiên của Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, trong khi tìm cách cải thiện quan hệ với Nga - nước mà ông coi là một đối tác lâu dài hơn là một mối đe dọa trực tiếp đối với châu Âu.
Thời gian qua, chính sách can dự của Pháp vào các cuộc xung đột ở Trung Đông và chủ nghĩa thế tục nghiêm ngặt của nước này đã khiến Pháp trở thành mục tiêu tấn công của các tay súng Hồi giáo. 130 người đã thiệt mạng ở Paris trong loạt vụ tấn công kinh hoàng hồi tháng 11/2015 và hơn 100 người thiệt mạng trong các vụ tấn công khác ở Pháp trong hơn 2 năm qua. Một số nhà ngoại giao Pháp cho rằng chính sách của những người tiền nhiệm như cựu Tổng thống Francois Hollande và cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đã đẩy đất nước "lên tiền tuyến" cùng với các nước như Mỹ và Anh. Pháp cũng tham gia các lệnh trừng phạt chống lại Nga sau cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine năm 2014. Tuy nhiên, dưới thời ông Macron, trọng tâm của Pháp sẽ có thể chuyển sang các lĩnh vực mà Washington thấy ít "giá trị gia tăng", như châu Phi, hoặc biến đổi khí hậu.
Sự thay đổi sẽ là rõ nhất tại Syria. Năm 2011, chính sách của Pháp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad tập trung vào việc công khai kêu gọi nhà lãnh đạo này từ chức, ủng hộ phe đối lập và thúc đẩy kế hoạch chuyển giao hòa bình do LHQ làm trung gian. Khi Mỹ có dấu hiệu không quan tâm nhiều tới Syria, quan điểm trên bỗng nhiên đặt Pháp vào thế đối đầu với Nga, đồng minh chính của ông Assad. Cựu Tổng thống Hollande phản đối hành động của Nga tại Syria và thúc đẩy LHQ ra nghị quyết nhằm trừng phạt chính phủ của ông Assad.
Nhưng tân Tổng thống Macron đã dỡ bỏ mọi chỉ trích công khai như vậy, và tuyên bố tình hình nhân đạo phải được cải thiện, quan điểm cho thấy Paris có thể ủng hộ các nhượng bộ được Nga đảm bảo. Tuần qua, tân Tổng thống Macron cũng đã từ bỏ yêu cầu về việc Tổng thống Syria Assad phải ra đi như một điều kiện cho bất cứ giải pháp hòa bình nào tại Syria, và chìa "nhành ôliu" ra với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc hội đàm tại Điện Versailles ngày 29/5. Dưới thời ông Macron, Pháp cũng có một kế hoạch hòa bình cho các phe phái đối địch tại Libya, trong đó lần đầu tiên công khai kêu gọi thành lập một quân đội quốc gia thống nhất ở nước này, bao gồm cả lực lượng dân quân miền Đông do tướng Khalifa Haftar chỉ huy, để chống các tay súng Hồi giáo.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian dưới thời ông Hollande là người tập trung vào triển vọng an ninh trong chính sách đối ngoại và khởi xướng cách đối phó của Pháp với các tay súng Hồi giáo ở Mali, Libya và Syria. Việc ông Macron giữ lại nhân vật này trong nội các mới được xem là dấu hiệu cho thấy tân tổng thống muốn duy trì các mối quan hệ mật thiết của ông Le Drian với một số lãnh đạo ở châu Phi, trong đó có Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi hay Tổng thống Chad Idriss Deby. Mục đích của việc này là giúp phát triển các lực lượng ủy nhiệm tại khu vực mà Pháp không còn muốn can thiệp lâu dài nữa nhưng vẫn cần các lực lượng bản địa. Việc Pháp thúc đẩy LHQ thành lập một lực lượng chống khủng bố mới tại Tây Phi, bên cạnh 4.000 binh sĩ Pháp, là một ví dụ.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Macron đang gây ra tranh cãi trong giới ngoại giao ở Pháp vì bị cho là "một chiều" và đặt Pháp vào giữa mối quan hệ Nga và Mỹ.
Theo TTXVN/Tin Tức