Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia khoa học chính trị Pavel Svyatenkov cho rằng Tổng thống Marcon muốn khôi phục quan hệ Pháp-Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố rằng trong những vấn đề bức thiết quan trọng nhất thì không thể thiếu việc đối thoại với Nga.
|
Tổng thống Nga Putin bắt tay Tổng thống Pháp Marcon ở Paris. Ảnh: Reuters |
Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng nếu thiếu đối thoại với Nga thì không thể làm việc về những vấn đề quan trọng và bức thiết nhất. Ông Macron thông báo rằng tại cuộc gặp đã đề cập đến hàng loạt nội dung, trong đó có thảo luận về tình hình Syria, nơi mà theo lời ông, ưu tiên hàng đầu là cuộc đấu tranh chống phiến quân IS . Theo lời Tổng thống Pháp, cần tìm kiếm giải pháp chính trị có thể giúp lập lại hòa bình ở đất nước này.
Ông Macron nhấn mạnh rằng Pháp quan tâm đến việc tăng cường hợp tác với Nga. "Về bang giao song phương, tôi muốn để chúng ta tiếp nối và tăng cường quan hệ hợp tác", Tổng thống Pháp khẳng định.
Đến lượt mình, ông Putin ghi nhận rằng trọng tâm của cuộc đàm phán cấp cao là quan hệ song phương Nga-Pháp, ông và người đồng cấp Marcon đã trao đổi về những "điểm có vấn đề trên thế giới và cố gắng tìm ra những cách tiếp cận chung".
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, nhà khoa học chính trị Pavel Svyatenkov cho rằng đối với Pháp, điều quan trọng là phát triển quan hệ với Nga để bảo tồn quy chế một cường quốc mạnh có ảnh hưởng, không chỉ riêng ở Châu Âu mà còn trên thế giới nói chung.
"Đối với nước Pháp, điều quan trọng là thiết lập tiếp xúc với Nga. Vấn đề ở chỗ, trong bối cảnh Anh ra khỏi Liên minh châu Âu, đang diễn ra tăng cường thế lực của Đức trong khuôn khổ EU. Đức đang có ảnh hưởng lớn trong những năm gần đây, trên thực tế đang trở thành nhân tố quyết định trong phạm vi Liên minh này. Tôi nghĩ Pháp cảm thấy có thể biến thành quốc gia phụ thuộc, đánh mất quy chế một cường quốc lớn và hùng mạnh. Để chống lại xu thế đó, dù sao chăng nữa Pháp cũng cần phát triển liên hệ truyền thống với Nga, bởi ngay từ cuối thế kỷ XIX Pháp đã kháng cự lại một nước Đức mạnh nhờ có tình bạn với nước Nga chúng ta", ông Pavel Svyatenkov nhận xét.
Ông cho rằng dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron Pháp có thể cố gắng trở thành một “nước trung gian đặc biệt” trong cuộc đối thoại giữa Nga và phương Tây.
Chuyên viên Pavel Svyatenkov nhận định: "(Tổng thống Pháp) Macron sẽ cung cấp dịch vụ trung gian như một ‘cầu nối’ giữa Nga và phương Tây chính bởi Pháp cảm thấy đã bị mất đi thế lực ngoại giao to lớn một thời. Paris đang dần trượt xuống vị trí quốc gia thứ yếu, hạng nhì. Mà trong điều kiện nước Đức và bà Merkel thực sự từ chối uy tín ‘người bảo vệ Nga’ khi đối mặt với phương Tây và Liên minh châu Âu, có lẽ Pháp sẽ đề xuất dịch vụ của mình theo hướng này".
Minh Châu (Theo Sputnik)