Tiêu hủy vũ khí hóa học Syria: Khó khăn chồng chất

Google News

(Kiến Thức) - Mỹ-Nga đang đối mặt với những trở ngại to lớn trong việc thực thi thỏa thuận tiêu hủy các loại vũ khí hóa học của Syria.

 Ảnh minh họa.
Đầu tháng 9, Washington và Moscow nhất trí rằng khoảng 1.000 tấn vũ khí hóa học của Syria phải bị tiêu huỷ hoặc tịch thu trước giữa năm 2014, trong khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad cam kết hợp tác.
Theo kế hoạch, các thanh sát viên của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) sẽ được điều động tới Syria trước tháng 11 để giám sát quá trình này. Theo VOA, các cường quốc thế giới vẫn chưa nhất trí hoặc tiết lộ quá trình này sẽ tiến hành ra sao.
Tiêu hủy ở Syria
Nếu các cường quốc quyết định tiêu hủy kho vũ khí hóa học bên trong lãnh thổ Syria, quá trình này có khả năng sẽ bao gồm việc gửi các đơn vị chuyên ngành. Xây dựng một cơ sở tiêu hủy thường trực có thể mất một năm hoặc hơn, và do đó kéo lùi thời gian thực thi sau tháng 6/2014. Theo thỏa thuận Nga-Mỹ, tới khi đó, kho vũ khí vũ học Syria phải bị tiêu hủy hoàn toàn.
Mỹ và Nga có thể cung cấp các thiết bị cần thiết. Cả hai cường quốc đều có hơn một chục năm kinh nghiệm trong việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học. Nhưng hiện chưa có nước nào cho biết liệu có tham gia vào hoạt động tiêu hủy ở Syria hay không.
Mỹ có hai loại cơ quan đặc biệt chuyên tiêu hủy vũ khí hóa học. Một là Hệ thống tiêu hủy chất nổ (EDS) vô hiệu hóa các loại đạn dược có chứa hóa chất và hai là Hệ thống thủy phân triển khai thực địa (FDHS ) vô hiệu hóa các loại hóa chất và tiền thân của chúng với số lượng lớn.
Quân đội Mỹ đã xây được 5 đơn vị EDS có khả năng đồng thời xử lý một số loại đạn dược. Quân đội Mỹ cũng công bố đơn vị FDHS đầu tiên trong tháng 6, nói rằng hệ thống này "được thiết kế để triển khai trên toàn thế giới với khả năng hoạt động trong vòng 10 ngày sau khi tới nơi”.
Vấn đề nảy sinh
Ông Al Mauroni, nhà phân tích người Mỹ về vấn đề chống phổ biến vũ khí hủy diệt, nói với VOA rằng sử dụng những đơn vị EDS của quân đội Mỹ để tiêu hủy các loại đạn dược bên trong Syria sẽ chậm chạp. “Tôi không nghĩ họ có thể hoàn thành việc này trong 6 tháng”, ông nói.
Ông Mauroni là giám đốc của Trung tâm chống phổ biến vũ khí hủy diệt của Không quân Mỹ ở bang Alabama. Trung tâm này huấn luyện các lãnh đạo Không quân đối phó với vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Ông cho biết Mỹ đã gửi một đơn vị cơ động đến Albania vào năm 2006 để tiêu hủy kho vũ khí hóa học 16 tấn theo yêu cầu của nước này. Ông nói: “Họ đã phải mất khoảng một năm mới làm xong. Vì thế, nếu Syria có 1.000 tấn, có thể thấy là không thể nào tiêu hủy hết trong vòng một năm”.
Cuộc nội chiến kéo dài hai năm của Syria cũng có thể gây khó khăn cho bất kỳ nhân viên và thiết bị của nước ngoài nào hoạt động tại Syria.
Trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm thứ Hai, Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói với đài truyền hình nhà nước CCTV của Trung Quốc rằng quân nổi dậy muốn lật đổ ông có thể ngăn không cho những toán làm việc của nước ngoài đến gần những địa điểm vũ khí hóa học do chính phủ quản lý.
Giáo sư quan hệ quốc tế Sharon Weiner của American University nói việc tiếp cận bị ngăn chặn sẽ không phải là mối rủi ro duy nhất. Ông nói: “Tôi cho rằng mỗi phe tham chiến trong cuộc nội chiến này sẽ có quan điểm khác nhau về việc tấn công hay bảo vệ những người định tiêu hủy các loại vũ khí này. Vì vậy, các đơn vị tiêu hủy vũ khí hóa học sẽ bị cuốn vào xung đột lớn hơn”.
Tiêu hủy ngoài lãnh thổ Syria
Để tránh những vấn đề nói trên, các cường quốc thế giới có thể chuyển vũ khí hóa học của Syria đến các cơ sở ở Mỹ và Nga để xử lý nhanh hơn và an toàn hơn.
Mỹ có hai cơ sở tiêu hủy các loại đạn dược trong những năm tới. Một cơ sở đang được thử nghiệm ở bang Colorado, trong khi cơ sở kia đang được xây dựng ở bang Kentucky.
Nga đang tiêu hủy kho vũ khí còn lại của mình tại 4 cơ sở ở các khu vực Bryansk, Kirov, Kurgan và Penza. Một khu phức hợp thứ năm ở khu vực Kizner đang thi công và sắp hoàn thành.
Nhưng việc sử dụng những cơ sở này cũng không ổn. Cả Washington lẫn Moscow đều không xác nhận liệu có đồng ý đưa vũ khí hóa học của Syria vào lãnh thổ của mình hay không.
Những thách thức ở nước ngoài
Công ước vũ khí hóa học (CWC) cũng cấm “chuyển giao, trực tiếp hoặc gián tiếp, vũ khí hóa học cho bất cứ ai”. Ông Mauroni nói Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) sẽ phải đưa ra ngoại lệ để cho phép vũ khí hóa học được đưa ra khỏi Syria.
Vận chuyển các vũ khí hóa học sẽ là một thách thức khác. Ông Mauroni nói liệu có ai dám chở những hàng hóa nguy hiểm như vậy bằng máy bay hay không và vì thế, vận chuyển đường bộ có thể là phương cách khả dĩ.
Quân đội Mỹ đã sử dụng phương cách này trước đây. Vào năm 1990, họ đóng gói một kho vũ khí hóa học của Mỹ gần Clausen, chất lên xe tải và chở đến cảng Nordenham của Ðức.
Từ đó, quân đội Mỹ chuyển vũ khí đến hòn đảo Johnston ở Thái Bình Dương và tiêu hủy. Lệnh cấm của CWC đối với việc vận chuyển vũ khí như vậy khi đó vẫn chưa có hiệu lực.
"Vận chuyển đường bộ rất an toàn," ông Mauroni nói. "Vận chuyển đường biển cũng không thành một vấn đề, miễn là không có bão."
Vấn đề chi phí và xác minh
Nếu các cường quốc thế giới có thể đồng ý về nơi tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria, họ vẫn phải đối mặt với vấn đề làm thế nào để chi trả và xác minh quá trình này.
Tổng thống Assad ước tính chi phí tiêu hủy sẽ là 1 tỉ USD. Trong khi đó, bà Weiner cho rằng hãy còn quá sớm để đưa ra một con số cụ thể. Bà nói: “Chi phí tiêu hủy vũ khí hóa học Syria còn tùy thuộc vào những yếu tố như vận chuyển vũ khí đi bao xa và phải chi trả bao nhiêu để bảo vệ những người làm công tác tiêu hủy. Bất cứ ai cố gắng đưa ra một dự toán thực tế vào lúc này đều chưa có thông tin cần có”.
Để xác minh kho vũ khí hóa học của Syria bị loại bỏ hoàn toàn, Tổ chức cấm vũ khí hóa học cần phải buộc chính phủ Assad khai báo trung thực những gì họ có. Bất kỳ thành viên nào nghi ngờ Syria đang giấu diếm gì đó có thể ra lệnh thanh tra mà chính quyền Syria sẽ không có quyền khước từ .
Bà Weiner nói rằng Mỹ và Nga cũng phải vượt qua những nghi ngờ lẫn với nhau: “Tôi cho rằng người Mỹ muốn có mặt để xem người Nga xử lý ra sao và ngược lại. Mỹ và Nga có lịch sử từ thời Chiến tranh lạnh về việc nước này luôn muốn biết nước kia đang làm gì. Vì vậy mà có sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước”.
Văn Bình