Tiết lộ những khu vực Mỹ bỏ rơi để tránh vỡ nợ

Google News

(Kiến Thức) - Mỹ bên bờ vực vỡ nợ và khó có khả năng duy trì trật tự thế giới hiện tại nên cần lựa chọn từ bỏ những khu vực không cần thiết.

Tờ National Interest vừa đăng tải bài viết của nhà nghiên cứu Doug Bandow của Viện Cato đồng thời là cựu quan chức Mỹ cho rằng Washington cần bắt đầu cân đối các lợi ích của mình và từ bỏ những mục tiêu kém quan trọng.
Dưới đây là nội dung bài viết được Kiến Thức lược dịch:
Mỹ vẫn duy trì chính sách thời Chiến tranh lạnh
Sau Chiến tranh thế giới II, Mỹ tập trung vào chính sách kiềm chế Liên Xô. Washington chịu trách nhiệm bảo vệ cho nhiều nước châu Á và châu Âu, hậu thuẫn các lực lượng chiến đấu tại một số nước thuộc thế giới thứ Ba, gây ảnh hưởng ở nhiều quốc gia và thường xuyên can thiệp ở khắp nơi trên toàn thế giới.
Sau khi Liên Xô sụp đổ và Trung Quốc đang cải cách và một số quốc gia độc tài thuộc thế giới thứ ba đã biến mất, Mỹ vẫn duy trì chính sách ngoại giao kiểu cũ. Washington tiếp tục “nhúng tay” vào từng chi tiết của các vấn đề thế giới.
Tổng thống Obama đi theo những người tiền nhiệm và làm như năng lực của nước Mỹ là vô hạn khi tăng gấp đôi quân số Mỹ ở Afghanistan, thực hiện kế hoạch rút quân khỏi Iraq được chính quyền Bush trước đó đề ra, tham chiến tại Libya, mở rộng các chiến dịch máy bay không người lái ở Pakistan và Yemen đồng thời hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy ở Syria. Tất cả các kế hoạch này khiến ngân sách quốc phòng tăng lên.
Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ vẫn can thiệp vào gần như khắp mọi nơi trên thế giới. Trong ảnh là Quân đội Mỹ ở Afghanistan
Tuy nhiên, chiến lược có tên là “Trục châu Á” cho thấy chính quyền Mỹ cuối cùng đã nhận ra một số ưu tiên của nước này. Trên thực tế, an ninh Đông Bắc Á đang ngày càng mong manh với quá trình chuyển giao quyền lực ở Triều Tiên và một Trung Quốc liên tục có các hành vi hung hăng trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, việc Washington cam kết điều động thêm các nguồn lực và sự chú ý không ảnh hưởng nhiều tới chính sách của Mỹ ở các nơi khác trên thế giới. Các quan chức chính quyền Obama tiếp tục coi NATO có vai trò quan trọng ngay cả khi một số quốc gia châu Âu từ bỏ việc xây dựng quân đội. Cuộc chiến tranh ở Afghanistan vẫn tiếp diễn. Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục các chuyến công du tới Trung Đông và Mỹ tiếp tục viện trợ cũng như hứa hẹn giúp đỡ về quân sự đối với khu vực này.
Mỹ đã quay trở lại Trung Đông với việc vận động Israel ký thỏa thuận hòa bình với Palestine, nỗ lực giải quyết làn sóng Mùa xuân Ả rập, ra sức lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đồng thời đe dọa hành động quân sự chống Iran.
Mỹ tiếp tục có các hành vi can thiệp vào Syria. 
Trung Đông chưa yên ổn thì Nga sát nhập bán đảo Crimea khiến Mỹ phải ra sức “trấn an” các quốc gia châu Âu bằng cách điều động các đơn vị bộ binh, không quân và hải quân tới khu vực này. Thậm chí Washington còn có vẻ sẵn sàng điều động thêm các đơn vị đồn trú Mỹ tại các nước NATO ở phía đông.
Song song với châu Âu, Mỹ tiếp tục có kế hoạch trở lại châu Á với lời tuyên bố bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư của Nhật cũng như triển khai quân ở Philippines sau thỏa thuận quốc phòng 10 năm với nước này.
Trong động thái gần đây, Tổng thống Obama điều động cố vấn quân sự tới Iraq cũng như để ngỏ khả năng tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở nước này. Ngay cả khi lời hứa hẹn tránh tham gia trực tiếp vào các cuộc chiến đấu ở đây của ông Obama là thật lòng, có thể ông sẽ thấy Mỹ rất khó dừng lại ở việc can thiệp có giới hạn đối với cuộc xung đột rất phức tạp và leo thang từng ngày ở Iraq.
Ông Obama tuyên bố cử cố vấn quân sự tới Iraq. 
Tờ Korea Herald mới đây cũng dẫn lời Trung tướng Jan-Marc Jouas của Không quân Mỹ cho hay học thuyết chiến tranh mới mà Lầu Năm Góc thực hiện trên bán đảo Triều Tiên là Hải – Không chiến đòi hỏi Mỹ nâng cấp máy bay chiến đấu và điều động máy bay đắt tiền F-35.
Chính sách ngoại giao vào quân sự của Mỹ được xây dựng dựa trên giả định răng nước này sẽ luôn phải can thiệp vào mọi nơi trên thế giới. Sự can thiệp của Mỹ chưa bao giờ chấm dứt mà chỉ thay đổi cách thức. 
Mỹ cần bỏ mặc khu vực nào?
Theo nhà nghiên cứu Doug Bandow, mặc dù Tổng thống Obama không muốn đưa Mỹ dính líu vào bất kỳ cuộc xung đột nào trên thế giới, ông nên đặt thứ tự ưu tiên cho khác khu vực. Không phải khu vực nào cũng có tầm quan trọng như nhau và không phải cuộc xung đột nào cũng nguy hiểm như nhau.
Ví dụ đối với Trung Đông, ông Obama có thể từ bỏ chính sách leo thang căng thẳng ở Syria. Đó là cuộc xung đột đẫm máu nhưng không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống Bashar al-Assad bị phế truất. Một điều có thể chắc chắn là chiến tranh sẽ tiếp tục, các phe phái sẽ trả đũa nhau và các lực lượng cực đoan, như ISIL sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Những gì các quan chức Mỹ hi vọng rằng vũ khí của Mỹ sẽ được đưa tới đúng người sử dụng để thành lập một quốc gia tự do, dân chủ, thân Mỹ cho tới nay chỉ là câu chuyện cổ tích. Tình hình hiện nay cho thấy Washington nên rút khỏi cuộc xung đột Syria.
 Các hành động can thiệp của Mỹ vào Trung Đông tạo điều kiện cho các lực lượng cực đoan như ISIL lớn mạnh.
Tại châu Âu, Ukraine không phải là quốc gia có vai trò chiến lược đối với khu vực mà Mỹ đã bảo vệ trong hàng thập kỷ qua. Washington không thể thay đổi số phận địa chính trị của nước này. Từ khi Ukraine sát nhập vào Liên Xô, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã chưa bao giờ coi đây là quốc gia quan trọng. Đến ngày nay, vị thế chiến lược của Kiev đối với Mỹ lại càng giảm sút. Ukraine không nên kì vọng Mỹ hay NATO sẽ can thiệp hay Washington sẽ ngừng các kế hoạch hợp tác với Nga về những vấn đề quan trọng hơn như chương trình hạt nhân của Iran hay kế hoạch rút lui khỏi Afghanistan.
Đã đến lúc Mỹ nên để Hàn Quốc với nền kinh tế lớn mạnh tự lo cho mình? 
Ở khu vực châu Á, không ở đâu sự đối lập lại rõ nét như bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập bình quân đầu người gấp 42 lần Triều Tiên. Hàn Quốc cũng có đủ năng lực quân sự để đối phó với Triều Tiên. Trong những năm qua, thay vì đầu tư cho quốc phòng, Hàn Quốc gửi tiền mặt, thực phẩm và các hàng hóa khác tới Triều Tiên để đổi lấy hòa bình ngay cả khi Triều Tiên đang chế tạo vũ khí hạt nhân. Lúc này, Washington có thể tuyên bố “nhiệm vụ đã hoàn thành”, Hàn Quốc đã trở nên giàu có và nên tự chịu trách nhiệm với nền quốc phòng của nước này.
Ông Bandow cho rằng những vấn đề nêu trên chỉ là điểm khởi đầu. Trong một thế giới mà các nguồn lực ngày càng giảm sút, Mỹ không thể giải quyết mọi vấn đề quốc tế, đặc biệt là bằng biện pháp quân sự. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ nên bắt đầu tiến hành những lựa chọn đầy khó khăn và ngay từ bây giờ.
Tùng Lâm