Ngày 29/12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói với Tổng thống Nga Vladimir rằng thỏa thuận ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria sẽ có hiệu lực vào lúc 0h00 ngày 30/12/2016 (22:00 GMT ngày 29/12).
Quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn nói trên.
|
Nhiều thành phố ở Syria đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Ảnh Reuters |
Chuyên gia Pháp về các vấn đề Trung Đông Bassam Tahhan nhận định: "Thỏa thuận ngừng bắn, do Thổ Nhĩ Kỳ và Nga môi giới, đã làm thay đổi hoàn toàn các dự báo trước đây liên quan đến tương lai của Syria. Tình trạng thù địch ở Aleppo đã được dự đoán sẽ làm nảy sinh những sự thù địch khác. Và đột nhiên (Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip) Erdogan thay đổi lập trường của mình, quay lưng với phía Tây ... Đây là một bước ngoặt bất ngờ".
Theo quan điểm của chuyên gia Tahhan, sự thay đổi đó là một vấn đề đáng quan tâm đối với các quốc gia phương Tây, thậm chí có thể châm ngòi một âm mưu đảo chính mới ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Tahhan nói tiếp: "Tình hình mới trong khu vực đóng một vai trò rất quan trọng. (Tổng thống Nga Vladimir) Putin đã thực hiện một bước đi rất khôn ngoan, lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ nhập cuộc và nói với Ankara rằng ông đã làm ngơ (trước sự can dự Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột Syria] và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể đánh chiếm thị trấn Al Bab (ở miền bắc Syria)”.
Một chuyên gia Pháp khác là Tancrede Josseran của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Xung đột cũng đồng tình với nhận xét của ông Tahhan rằng việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn sẽ có tác động đáng kể đến tình hình ở Syria.
Nhà nghiên cứu Josseran nói: "Cuộc chiến Syria đang chứng kiến một sự thay đổi. Đó là thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc xác nhận thỏa thuận ba bên giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria".
Ông Josseran cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn thay đổi chính sách đối ngoại của mình và từ bỏ mưu đồ khôi phục Đế chế Ottoman can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác trong khu vực. Ankara đã từ bỏ đòi hỏi Tổng thống Syria Bashar Assad từ chức để đổi lấy việc có một cơ hội bảo vệ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria và hạn chế sự bành trướng của người Kurd.
Trong khi đó học giả Sami Moubayed, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Syria tại Đại học St Andrews, nhận định: "Thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc lần này nghiêm túc hơn tất cả những thỏa thuận trước đó. Nó được công bố ở cấp rất cao: chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và bản thân Tổng thống Nga Vladimir Putin”.
Ông Moubayed chỉ ra rằng cả Tổng thống Nga Valdimir Putin lẫn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đều muốn thỏa thuận ngừng bắn này thành công vì những lý do khác nhau.
Học giả Sami Moubayed giải thích: "Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn cứu vãn tất cả những gì có thể được trong tham vọng và lợi ích cá nhân của ông ở mạn bắc Syria, sau khi các nhóm vũ trang được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn thất trận ở thành phố Aleppo hồi đầu tháng 12/2016. (Tổng thống Nga Vladimir) Putin muốn thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc này tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán (giữa chính phủ Syria và phe đối lập) ở Kazakhstan và hy vọng tái khởi động tiến trình chính trị. Sau đó, nếu thỏa thuận ngừng bắn được duy trì, ông Putin có thể nâng cấp nó thành một nghị quyết của Liên Hợp Quốc".
Ông lưu ý rằng việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc sẽ dễ dàng hơn vào thời điểm hiện nay vì nó nhận được sự hỗ trợ của quân đội Syria và các nhóm đối lập chính. Đó là chưa kể thỏa thuận này lại được Nga cùng với hai cường quốc khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo lãnh.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Aymenn Jawad Tamimi của Diễn đàn Trung Đông có trụ sở ở Mỹ tỏ ý nghi ngờ việc thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc nói trên sẽ được duy trì và làm thay đổi đáng kể tình hình Syria.
"Tôi không chắc chắn về giá trị cuối cùng của một lệnh ngừng bắn, nếu nó không dẫn đến một giải pháp toàn diện hơn. Về cơ bản, phe đối lập và chính phủ Syria vẫn không đồng ý về vai trò của (Tổng thống Assad) và bất đồng này vẫn không hề thay đổi. Ngoài ra, trong con mắt của phe nổi dậy/đối lập, ngừng bắn có thể được xem là cơ hội để tái tập hợp lực lượng và chuẩn bị cho các trận chiến trong tương lai, một phần vì phe này cho rằng cuối cùng thì thỏa thuận ngừng bắn này sẽ bị phá vỡ”.
Theo nhà nghiên cứu Aymenn Jawad, một yếu tố quan trọng có thể dẫn đến sự đổ vỡ của lệnh ngừng bắn toàn quốc do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ môi giới là các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS), Jabhat Fatah al-Sham (Mặt trận al Nusra cũ) và nhiều nhóm thánh chiến có liên quan khác đã bị loại trừ khỏi thỏa thuận ngừng bắn này.
Minh Châu (Theo Sputnik News)