Từ nhiều thập kỷ qua, khu nghỉ mát Bắc Đới Hà đã trở thành diễn đàn để các vị lãnh đạo đã về hưu và đương chức bày tỏ quan điểm về đường lối của đảng và nhà nước.
Tuy nhiên, hội nghị Bắc Đới Hà năm nay xem ra có vẻ khác với lệ thường, khi đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình dường như sẽ cho thấy ai mới là người có tiếng nói quyết định.
|
Chủ tịch Tập Cận Bình cùng với hai người tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào tại một cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh. Ảnh: Wall Street Journal |
Giáo sư khoa học chính trị Chen Daoyin của Đại học Khoa học chính trị và luật pháp Thượng Hải nhận định: “Sự kiểm soát đảng, chính phủ và quân đội đều nằm trong tay ông ấy (Tập Cận Bình). Cơ cấu quyền lực hiện nay đồng nghĩa với việc không một ai dám trái ý ông”.
Hôm Chủ Nhật (30/7), Chủ tịch Tập Cận Bình là lãnh đạo nhà nước duy nhất xuất hiện tại lễ duyệt binh khổng lồ, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Ngày hôm sau, phát biểu trước các quan chức đảng và nhà nước cao cấp, ông Tập Cận Bình đã có một bài diễn văn rất dài về an ninh quốc gia và phát triển quân đội mà không hề đề cập đến Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, hai vị Chủ tịch Trung Quốc tiền nhiệm vẫn còn sống.
Đây rõ ràng là một sự đoạn tuyệt với truyền thống “kính lão đắc thọ” trên chính trường CHND Trung Hoa, kể từ khi lập quốc.
|
Chủ tịch Tập Cận Bình là lãnh đạo nhà nước duy nhất xuất hiện tại lễ duyệt binh khổng lồ ngày 30/7/2017, kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập PLA. Ảnh: India Today |
Địa điểm tiến hành diễu binh kỷ niệm ngày thành lập PLA cũng rất khác thường: ở căn cứ huấn luyện khổng lồ Zhurihe thuộc Khu tự trị Nội Mông chứ không diễn ra trên Đại lộ Tràng An ở thủ đô Bắc Kinh, với việc các nhà lãnh đạo đương chức và đã về hưu “kề vai sát cánh” trên lễ đài Thiên An Môn.
Theo nhà sử học Zhang Lifan ở Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm thường chọn các nhân vật còn trẻ, thiếu kinh nghiệm để đảm bảo việc duy trì di sản và ảnh hưởng của mình. Ông Zhang nói tiếp: “Kết quả là tân Chủ tịch thường yếu hơn so với người tiền nhiệm. Có lẽ họ chọn ông Tập bởi vì ông ấy có vẻ như không mấy tham vọng và họ đã lầm to”.
Theo giới phân tích, Chủ tịch Tập Cận Bình đã lái Trung Quốc ra khỏi lối mòn, nơi các cựu lãnh đạo có vai trò nào đó đối với các vấn đề hiện tại.
Nhà sử học Zhang Lifan nhận xét việc Bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài, người vốn được hai vị chủ tịch tiền nhiệm chấm làm lãnh đạo Trung Quốc tương lai, bị cách chức và bị điều tra vi phạm kỷ luật đảng rõ ràng là một tín hiệu cho thấy ông Tập đang thách thức những người tiền nhiệm.
Học giả Wang Zhengxu, một chuyên gia về chính trường Trung Quốc tại Đại học Nottingham, nói rằng ảnh hưởng của các quan chức chóp bu về hưu đã bị xói mòn đáng kể trong thập kỷ qua. Ông Wang nói tiếp: “ Ông Tập sẽ làm nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này. Ông ấy có thể chấm dứt sự can dự (chính trường) của các nhà lãnh đạo về hưu bằng cách thay đổi hệ thống”.
Giữa lúc các nhà lãnh đạo đương chức và về hưu tề tựu ở Bắc Đới Hà, Nhân dân Nhật báo cho đăng bài bình luận hiếm thấy chỉ trích các quan chức đã về hưu “tham quyền, cố vị”. Bài bình luận có đoạn viết: “Họ không chỉ dựng lên những người thân cận để tạo cho mình điều kiện gây ảnh hưởng mà còn can thiệp vào những vấn đề lớn liên quan đến tổ chức, mặc dù đã rời nhiệm sở nhiều năm”.
Minh Châu (Theo SCMP)