Với đại hội chuyển giao quyền lực cuối năm nay, Tổng Bí thư Tập Cận Bình chắc chắn sẽ ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng vấn đề nằm ở chỗ thành phần của Bộ Chính trị tương lai, đặc biệt là nhân sự của Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc.
Về nguyên tắc, 5 trong số 7 thành viên của cơ quan lãnh đạo tối cao này sẽ phải về hưu, do quy định tuổi tác, chỉ còn lại Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Danh sách nhân sự mới sẽ cho thấy ông Tập Cận Bình “thành công đến mức nào” trong việc thâu tóm quyền lực. Tuy nhiên, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Vương Kỳ Sơn – được mệnh danh là “ông trùm chống tham nhũng” và là đồng minh của ông Tập Cận Bình - vẫn có khả năng sẽ được ở lại mặc dù đã 68 tuổi.
|
Theo nguyên tắc, chỉ còn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đủ tuổi ở lại Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc sắp tới. Ảnh: Politico |
Báo Le Monde so sánh nhiệm kỳ vừa qua của Tổng Bí thư , Chủ tịch nước Tập Cận Bình với hai nhiệm kỳ nắm quyền của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào (2003-2013). Trong khi người tiền nhiệm bị suy yếu bởi các phe phái chống đối trong suốt hai nhiệm kỳ, thì trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập Cận Bình, “nguyên tắc lãnh đạo tập thể trong đảng” có hiệu lực từ thời Đặng Tiểu Bình đã bị chôn vùi, khi ông Tập được tôn làm “lãnh đạo hạt nhân” của đảng.
Thời gian gần đây, ông Tập Cận Bình bổ nhiệm hàng loạt cộng sự thân tín vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Le Monde chú ý đến những vị trí quan trọng mới như lãnh đạo Ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước (một siêu bộ phụ trách các kế hoạch kinh tế lớn) là một cộng sự của ông Tập Cận Bình khi ông còn là phó thị trưởng Hạ Môn (Xiamen) hay Bộ trưởng Thương mại vốn là một trợ thủ của ông Tập lúc làm Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang. Các tân thị trưởng Bắc Kinh và Thượng Hải đều từng làm việc dưới quyền ông Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, theo một nhà ngoại giao nước ngoài, ông Hồ Cẩm Đào vẫn còn được rất nhiều người ủng hộ trong “phái Thanh niên”. Nhiều vị trí lãnh đạo chiến lược như lãnh đạo Khu tự trị Tân Cương hay thành phố cảng Thiên Tân vẫn không thuộc về các cộng sự thân tín của ông Tập.
Nhà sử học Chương Lập Phàm dự đoán, rất ít khả năng Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ bị thay thế, bởi giữ lại nhân vật này chính là “duy trì sự cân bằng”, đặc biệt là “sau giai đoạn chống tham nhũng lúc ban đầu được lòng dân, dân Trung Quốc đã chán nản các cuộc tranh giành quyền lực và muốn thấy kết quả kinh tế cụ thể”.
Về việc lựa chọn người kế vị Tập Cận Bình, hiện tại rất nhiều khả năng vị trí này sẽ để trống, không giống như bản thân ông Tập Cận Bình đã được chỉ định kế nhiệm ngay từ 5 năm trước khi chính thức trở thành lãnh đạo cao nhất. Tại đại hội mùa thu năm nay, chủ trương của ông Tập chắc sẽ là “nắm toàn bộ các lá bài trong tay để tiếp tục là lãnh đạo trung tâm” và như vậy, việc chỉ định người kế nhiệm cho đại hội lần tới sẽ vẫn để ngỏ cho tới kỳ đại hội 2022.
Minh Châu (BT)