Bật mí kế hoạch tấn công Syria của Anh-Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Khi Mỹ, Anh lên danh sách mục tiêu tấn công Syria, giới quan sát dự đoán về kế hoạch này và phản ứng của chế độ Assad cũng như Nga, Iran.

Những mục tiêu Mỹ nhắm đến?
 
Các tùy chọn ưa thích của các nhân vật cấp cao là sử dụng các loại vũ khí ngoài tầm hỏa lực phòng thủ của đối phương nhằm hủy diệt trang thiết bị của quân đội Assad và ngăn chặn khả năng Damascus kích hoạt các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.
Thông tin tình báo về các mục tiêu sẽ do phi đội máy bay không người lái tuần tra trên bầu trời Syria và các lực lượng đặc biệt trên mặt đất đảm nhiệm. Các nhà phân tích cho rằng, một cuộc tấn công có thể sẽ kéo dài từ 24h đến 48h và sẽ nhắm vào các kho quân sự quan trọng của chế độ Assad. Theo đó, các mục tiêu sẽ bao gồm hệ thống phòng không tích hợp của Syria, các hầm chỉ huy và kiểm soát, các trung tâm thông tin liên lạc, các tòa nhà chính phủ và các căn cứ tên lửa cũng như không quân của chế độ Assad.
Không quân là lợi thế lớn của chế độ Assad. Do đó, loại bỏ hoặc làm suy yếu lực lượng này sẽ giúp quân nổi dậy chiếm được ưu thế.
Lựa chọn quân sự khác là không kích và các đơn vị Syria được cho là chịu trách nhiệm triển khai thực hiện các cuộc tấn công hóa học. Một báo cáo của phương Tây tuần trước tiết lộ, Lữ đoàn 155 thuộc Sư đoàn 4 của quân đội Syri là đơn vị chịu trách nhiệm đối với các loại vũ khí hóa học. Lữ đoàn này được cho là có một căn cứ quân sự tại một trong những dãy núi phía tây của Damascus dưới sự chỉ huy của anh trai Tổng thống Assad, Maher Assad.
Những thành phần nào được Mỹ sử dụng?
Theo nhiều nguồn tin, tàu chiến Mỹ đã được triển khai ở Địa Trung Hải và sẵn sàng tấn công Syria.
Các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu nhắm vào Syria sẽ bắt đầu được khai hỏa từ tàu chiến hoặc tàu ngầm ở Đông Địa Trung Hải và Vịnh Ba Tư hoặc từ phi đội chiến đấu cơ có khả năng phóng tên lửa từ khoảng cách hàng trăm dặm.
Một nhóm chiến đấu của Hải quân Mỹ bao gồm 4 tàu khu trục đã được triển khai ở phía đông Địa Trung Hải và sẵn sàng tấn công Syria. Các tàu khu trục này được trang bị các tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa 2.000 km. Chính loại tên lửa này cũng được Anh, Mỹ sử dụng hiệu quả để chống lại quân đội của Đại tá Gaddafi trong cuộc chiến Libya.
Ngoài ra, Không quân Mỹ cũng có thể triển khai máy bay ném bom tàng hình B-2 để đập tan các căn cứ quân sự của chế độ Assad. Có căn cứ ở Missouri, phi đội máy bay ném bom tàng hình B-2 có thể được triển khai ở bất cứ nơi nào trên thế giới chỉ với một lần tiếp nhiên liệu.
Chưa hết, Mỹ còn có phi đội chiến đấu cơ F-16 được triển khai ở các căn cứ quân sự của nước này ở Trung Đông cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ở ở Jordan, láng giềng của Syria.
Sự góp sức của Anh bao gồm những gì?
 Thủ tướng Anh David Cameron.
Dù cắt giảm ngân sách quốc phòng nhiều tỷ bảng khiến Anh buộc phải đắp chiếu hàng loạt máy bay phản lực, tàu chiến, máy bay do thám và 30.000 quân, Bộ quốc phòng nước này vẫn có khả năng đóng góp đáng kể trong chiến dịch tấn công vào Syria.
Hải quân Hoàng gia có thể phóng các tên lửa Tomahawk từ tàu ngầm chạy bằng năng lương hạt nhân lớp Trafalgar liên tục thực hiện các sứ mệnh tuần tra ở Trung Đông. Các tàu ngầm Anh có khả năng mang một trọng tải khổng lồ của nhiều tên lửa siêu chính xác.
Máy bay cường kích Tornados của Không quân Hoàng gia Anh có thể bay một chuyến hành trình dài 6.760 km từ căn cứ Marham ở Norfolk để tham gia tiêu diệt các mục tiêu ở Syria hoặc được triển khai tới Síp để khởi động các sứ mệnh ném bom từ đây.
Mang theo các tên lửa hành trình chính xác Storm Shadow, các máy bay cường kích Tornados có khả năng phá hủy hệ thông phòng thủ của đối phương bao gồm các trạm radar, hệ thống phòng không và các tuyến đường tiếp viện.
Tên lửa Storm Shadows có phạm vi 240 km cho phép các máy bay có khả năng tấn công vào các mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ của đối phương mà không sợ tiếp cận quá gần các hệ thống phòng không.
Các rủi ro sẽ phải đối mặt?
 Nhiều người cho rằng, vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria hôm 21/8 đã trở thành cái cớ để Mỹ và phương Tây can thiệp vào Syria.
Giới phân tích cảnh báo, có những rủi ro lớn liên quan đến bất cứ hành động quân sự nào tại Syria. Chế độ Assad được biết đến là đã xây dựng được hệ thống phòng không mạnh mẽ với các thiết bị đến từ Nga có khả năng bắn rơi chiến đấu cơ Mỹ hoặc Anh.
Ngoài ra, các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu cụ thể ở Syria chắc chắn đồng nghĩa với các nguy cơ như vô tình tàn sát hoặc làm dân thường bị thương, mang lại chiến thắng tuyên truyền cho cho chính quyền Damascus.
Chưa hết, nếu tên lửa nhắm mục tiêu vào các kho hóa chất Syria, chỉ tấn công chúng mà không có sự bảo vệ sau đó, nguy cơ những chất độc thần kinh chết người và các chất khác sẽ rơi vào tay khủng bố là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu những chất hóa học chết người rơi vào tay bọn khủng bố, chúng có thể khởi động các cuộc tấn công kinh hoàng nhắm vào phương Tây.
Nga và Iran sẽ phản ứng thế nào?
 Ngoại trưởng Nga Lavrov cảnh báo Mỹ và phương Tây về hậu quả nếu can thiệp quân sự vào Syria.
Bất chấp sự những lời lẽ đao to búa lớn, Tổng thống Barack Obama vẫn ngần ngại và lưỡng lự lựa chọn hành động quân sự chống lại Syria. Cả ông chủ Nhà Trắng lẫn Thủ tướng Anh David Cameron đều nhận thức rõ về sự nguy hiểm của “chảo dầu đang sôi” ở Trung Đông khi Syria có 2 đồng minh mạnh mẽ là Nga và Iran.
Nga kêu gọi chính phủ Assad hợp tác điều tra vụ tấn công khí độc ở ngoại ô Damascus với các thanh tra của Liên Hợp Quốc và tuyên bố, ngày càng có nhiều bằng chứng chứng tỏ quân nổi dậy Syria đứng sau vụ này.
Đồng thời, Điện Kremlin cũng mạnh mẽ cảnh báo, nếu can thiệp vào Syria, Mỹ sẽ lặp lại “sai lầm bi thảm” tương tự như các hành động quân sự tại Iraq trước đó và gây ra hậu quả tai hại khó lường đối với Trung Đông. Ngoại trưởng Nga, ông Lavrov kêu gọi Mỹ kiềm chế để không gây áp lực đối với Damascus đồng thời không triển khai các động thái khiêu khích. Nga cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc phải tạo điều kiện cho cuộc điều tra của các thanh tra Liên Hiệp Quốc để làm sáng tỏ vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta, Syria.
Iran cũng đã lên tiếng cảnh báo chống lại bất cứ hành động can thiệp nào vào Syria do Mỹ dẫn đầu.
“Mỹ cần biết rằng, can thiệp vào Syria sẽ gây ra hậu quả tại hại, nghiệm trọng đối với Nhà Trắng”, ông Massoud Jazayeri, Phó Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran nhấn mạnh.
Bạch Dương (Theo DLM)