Bất chấp những cảnh báo thẳng thừng, Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như khó lòng ngăn cản kế hoạch
can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine. Điều này làm dấy lên cuộc xung đột mới giữa phương Đông và phương Tây sau cuộc Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Nga đã có những động thái quyết đoán đối với Ukraine bất chấp những cảnh báo từ phía Mỹ như ngừng kế hoạch tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi hay cắt đứt các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước.
|
Hàng nghìn người dân Ukraine đã chạy sang Nga tị nạn.
|
Tuy nhiên, bởi Ukraine chưa phải là thành viên chính thức của NATO, do vậy, Mỹ và EU không thể viện bất cứ lý do nào để tiến hành hoạt động quân sự trên lãnh thổ Ukraine. Còn trên phạm vi rộng lớn hơn (đó là Liên Hiệp Quốc), các quốc gia này cũng không thể nhờ tới Hội đồng Bảo An can thiệp bởi Nga sẽ dùng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn kế hoạch đó của họ.
“Đã có những lời chỉ trích mạnh mẽ từ
Mỹ và các quốc gia khác. Tuy nhiên, điều đó không hề lay chuyển được ý định của Nga. Thực sự không có một thỏa thuận thỏa đáng nào có đủ ảnh hưởng để giải quyết tình hình ở Ukraine”, chuyên gia phân tích chiến lược quân sự ông Keir Giles cho hay.
Để nhấn mạnh điều đó, vào hôm 1/3, Quốc hội Nga đã phê chuẩn yêu cầu của ông Putin trong việc triển khai quân không chỉ ở khu tự trị thân Nga Crimea mà còn toàn Ukraine trong một cuộc họp chớp nhoáng.
Động thái này được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Obama cảnh báo “bất kỳ hành vị vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đều sẽ gây nên tình trạng bất ổn sâu sắc”. Quyết định này của ông Putin sẽ làm sâu sắc thêm sự căng thẳng trong mối quan hệ vốn rối rắm với người đồng cấp Obama.
“Chúng ta đang đối mặt với sự lựa chọn khó khăn khi tìm cách trừng phạt Nga trước những hoạt động gây tranh cãi ở Ukraine”, ông Andrew Kuchins – Giám đốc chương trình nghiên cứu về Nga thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – nói.
|
Ảnh minh họa.
|
Trước tình hình đó, các quan chức Washigton đang cùng các quan chức châu Âu thảo luận về khả năng các nguyên thủ của họ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến diễn ra ở Sochi vào mùa hè này. Đây được coi là động thái nhằm phản đối sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine. Trong lúc đó, vào hôm 1/3, các cố vấn hàng đầu của ông Obama cũng thảo luận những phương án khác để giải quyết vấn đề này.
Tại châu Âu, các quan chức nơi đây bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự leo thang quân sự của Nga. Tuy nhiên, rất ít người đề cập tới giải pháp nhằm ngăn chặn hay trừng phạt Nga. Liên minh châu Âu (EU), hiện đau đầu trong việc giải quyết những vấn đề nội bộ, tỏ ra khá miễn cưỡng trong việc gây áp lực lên Nga, một trong những đối tác thương mại lớn của họ.
“Thế giới đang bên bờ vực của một cuộc xung đột với những hậu quả không thể lường trước được”, Thủ tướng Ba Lan ông Donald Tusk bày tỏ quan điểm. Đồng thời, ông còn kêu gọi EU gửi đi “những tín hiệu rõ ràng” tới Nga rằng họ sẽ không tha thứ cho bất cứ hành vi xâm lược nào. Tuy nhiên, ông lại không vạch ra các bước chi tiết để trừng phạt Nga.
Còn Hội đồng Bảo an LHQ đã tổ chức một cuộc họp kín về Ukraine vào hôm 1/3. Song, kết quả của cuộc họp này lại không đi tới đâu cả. Trên tờ Telegraph, tác giả Con Coughlin cũng đưa ra nhận định, NATO sẽ không có bất cứ hành động đáp trả nào một khi Nga can thiệp quân sự vào Nga.
Thanh Nga (theo BI)