Trong một tuyên bố, Thủ tướng Dmitry Medvedev cáo buộc, các nhà lãnh đạo
Ukraine đang nắm quyền bất hợp pháp và tuyên bố, quyền cai trị của họ sẽ kết thúc bằng "một cuộc cách mạng mới" với sự đổ máu mới.
“Đó là bất hợp pháp. Việc chiếm đoạt quyền lực là bất hợp pháp. Và điều đó có nghĩa là quyền lực đó sẽ không ổn định. Nó sẽ kết thúc trong một cách mạng mới”, Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Medvedev cũng tuyên bố, dù cựu Tổng thống Viktor Yanukovich thực tế đã bị mất thẩm quyền, ông vẫn là người đứng đầu hợp pháp của Ukraine theo hiến pháp. Đồng thời, Thủ tướng Nga nhấn mạnh: “Nếu ông Yanukovich có tội đối với người dân Ukraine – Hãy theo đúng thủ tục và trình tự pháp luật để luận tội ông ấy".
|
Thủ tướng Nga Medvedev.
|
Tuyên bố của Thủ tướng Medvedev được đưa ra cùng ngày với lời kêu gọi Moscow – Kiev đối thoại của các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh , Ba Lan và Đức sau khi họ bày tỏ quan ngại “ngày càng sâu sắc” về khả năng
Nga can thiệp vào Ukraine.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thảo luận về mối quan ngại nói trên trong cuộc điện đàm khẩn cấp với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski và Thủ tướng Đức Merkel sau khi Tổng thống Putin ngày 1/3 được Quốc hội Nga trao quyền điều động quân đội can thiệp vào Ukraine.
|
Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố rất quan ngại về khả năng Nga can thiệp quân sự vào Ukraine và đang nỗ lực gây áp lực với Moscow.
|
Trước tình hình khủng hoảng Ukraine không ngừng leo thang, Tổng thống Obama quyết định cử phái viên hàng đầu, Ngoại trưởng John Kerry tới Kiev vào ngày mai. Đồng thời, Mỹ tuyên bố, sẽ đáp trả cứng rắn với Nga về vấn đề Ukraine và cảnh báo, Moscow có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế và cô lập ngoại giao từ phía Washington và các đồng minh phương Tây của họ.
Ngoài ra, thay cho nhóm G-7, Mỹ đưa ra tuyên bố chung về việc G-7 đình chỉ tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế tại Nga vào mùa hè này.
|
Trong các cuộc điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo thế giới, Tổng thống Nga, Putin luôn khẳng định quan điểm "trước sau như một" rằng Moscow sẽ không đứng bên lề nếu khủng hoảng Ukraine tiếp tục leo thang đe dọa đến sự ổn định và cuộc sống của các công dân nói tiếng Nga tại Ukraine.
|
Trước các áp lực từ Mỹ và phương Tây, Tổng thống Nga Putin, trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Obama ngày 2/3 thẳng thắn nhấn mạnh quan điểm Nga đó là kiên quyết bảo vệ lợi ích cũng như các công dân nói tiếng Nga ở Ukraine nếu bạo lực lan rộng ở các khu vực phía đông và phía nam bao gồm
bán đảo Crimea (vốn thân Nga) của nước này.
Giữ nguyên quan điểm nói trên trong cuộc đàm thoại với Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Putin tuyên bố, Nga không thể ngồi yên nếu bạo lực tiếp tục xảy ra đối với các nhóm nói tiếng Nga tại Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, Moscow sẽ thực thi những biện pháp cần thiết dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế.
Dù vậy, cả Tổng thống Putin và Tổng thư ký Ban Ki-moon đều nhất trí rằng, sự leo thang ngày càng xa hơn của cuộc khủng hoảng ở Ukraine cần phải sớm được ngăn chặn.
Ngoài ra, theo nguồn tin từ chính phủ Đức, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (2/3) đã đồng ý thiết lập một nhóm liên lạc về Ukraine.
“Tổng thống Putin đã chấp nhận đề nghị của Thủ tướng Đức Angela Merkel để thành lập ngay lập tức một ủy ban điều tra và nhóm liên lạc (có khả năng nằm dưới sự chỉ đạo của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) để mở đường cho một cuộc đối thoại chính trị với Ukraine”, nguồn tin từ Berlin cho biết.
Bạch Dương (tổng hợp)