Phương án Mỹ xử lý Triều Tiên: Chỉ có tệ hoặc tệ hơn

Google News

Hiện tại, Mỹ và các bên liên quan chỉ còn một lựa chọn duy nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên mà không gây ra bất kỳ hậu quả đáng tiếc nào.

Phuong an My xu ly Trieu Tien: Chi co te hoac te hon
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bên cạnh tên lửa Hwasong-12.
Theo kênh truyền hình CNN, hai quả tên lửa tầm xa Hwasong-14 được bắn liên tiếp trong cùng một tháng 7 đã chứng minh Triều Tiên đủ năng lực để gia nhập các quốc gia có khả năng tấn công hạt nhân nước Mỹ.
Điều này đồng nghĩa với việc đã đến lúc nước Mỹ cần bắt đầu nhìn nhận vấn đề Triều Tiên một cách nghiêm túc. Mặc dù dư luận sẽ đòi hỏi từ phía các chính trị gia phải “làm một điều gì đó”, song sự thật đáng buồn là các lựa chọn giải pháp thì chỉ có hạn. Một số ít các nhà phân tích vẫn tin rằng Triều Tiên sẽ “phi hạt nhân hóa” để đổi lấy sự nhượng bộ về chính trị và kinh tế từ Mỹ và các nước khác.
Giới lãnh đạo Triều Tiên thừa hiểu nước này dễ bị tổn thương từ một cuộc tấn công nước ngoài – như số phận của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein - hoặc từ một cuộc nổi dậy trong nước được quân đội nước ngoài hỗ trợ - như số phận của cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi – người duy nhất trong lịch sử nhất trí hủy bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy lợi ích kinh tế.
Các lệnh trừng phạt kinh tế - hiện nay là chiến thuật được áp dụng nhiều nhất – có lẽ sẽ không còn tác dụng. Vì các biện pháp trừng phạt kinh tế hiếm khi có tác dụng với một chế độ chuyên chế, như đất nước Triều Tiên. Bên cạnh đó, Trung Quốc – đối tác thương mại duy nhất của Triều Tiên – cũng có những lý do mà không hoàn toàn gia nhập lệnh trừng phạt của các nước, vì họ không muốn khơi mào một cuộc khủng hoảng nội địa Triều Tiên và phải giải quyết hậu quả.
Xét đến các giải pháp quân sự, điều đó quá rủi ro: bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào mục tiêu quân sự và hạt nhân tại Triều Tiên đều có thể gây ra một cuộc phản công quy mô lớn nhắm vào Seoul.
Chính vì vậy, Mỹ chỉ còn một phương án duy nhất trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên: sáng kiến “đóng băng”. Phần lớn các lời đề nghị “đóng băng” thường diễn ra theo kịch bản sau: Triều Tiên được phép giữ lại toàn bộ vũ khí hạt nhân và tên lửa mà từ trước đến nay đã sản xuất, tuy nhiên phải tuyệt đối không được thử bất kỳ một vụ phóng tên lửa hay hạt nhân nào nữa. Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ nhận được một gói “nhượng bộ” về kinh tế, chính trị từ Mỹ và các bên liên quan.
Và gói đền bù đó phải thực sự lớn, vì hiện tại nền kinh tế Triều Tiên cũng không phải chịu sức ép gì nhiều. Trong năm 2016, dù bị cấm vận và chịu hạn hán kéo dài, song tốc độ tăng trưởng GDP của Triều Tiên đạt gần 4%.
Một số người có thể phản biện cho rằng Triều Tiên dù có đồng thuận “đóng băng” thì họ vẫn có thể phát triển công nghệ. Điều đó không sai, nhưng chắc chắn tốc độ phát triển sẽ giảm đáng kể, vì các nhà khoa học và kỹ sư nước này cần phải thử nghiệm nhiều. Mà một khi đạt được thỏa thuận, các cơ hội thử nghiệm sẽ giảm đi.
Tuy nhiên, nếu như thỏa thuận được thống nhất, thì có thể sẽ có nhiều vấn đề cần phải xem xét. Thứ nhất, có thể chắc chắn một điều Triều Tiên vẫn sẽ tìm cách vượt qua trong quá trình theo dõi họ có tuân thủ thỏa thuận hay không. Thứ hai, họ có thể rút khỏi thỏa thuận bất kỳ lúc nào, nếu như họ thấy nó không còn phù hợp với lợi ích nữa.
Thông thường, các chính sách thường là sự lựa chọn giữa tốt và xấu. Nhưng đối với Triều Tiên, chỉ có lựa chọn xấu hoặc xấu hơn, và trong trường hợp này, tất cả mọi phương án thay thế “đóng băng” đều thực sự mang lại hậu quả tồi tệ hơn.
Trong trường hợp không có thỏa thuận nào đạt được, Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, có thể gây ra hậu quả khôn lường.
Trong tương lai gần, Triều Tiên có thể phát triển và triển khai loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn. Đối với một quả tên lửa ICBM nhiên liệu lỏng, cần phải ít nhất nửa giờ đồng hồ chuẩn bị. Trong khoảng thời gian này, quân đội Mỹ, với sự trợ giúp từ lực lượng tình báo, sẽ có thể tìm ra vị trí tên lửa và phá hủy nó. Tuy nhiên, đối với ICBM nhiên liệu rắn, chỉ cần vài phút để nó có thể sẵn sàng phóng đi, khiến việc xác định vị trí và tiêu diệt nó khó khăn hơn.
Một thành tựu khác mà Bình Nhưỡng cũng sẽ sớm đạt được là sự phát triển của đầu đạn hạt nhân nhiệt hạch. Vẫn chưa biết rõ độ chính xác của các tên lửa Triều Tiên ra sao, nhưng dù thế nào, một khi đầu đạn hạt nhân phóng ra và rơi xuống lãnh thổ Mỹ, cả một thành phố sẽ bị xóa sổ.
Không chỉ có vậy, càng kéo dài thời gian thì các chuyên gia, kỹ sư của Triều Tiên sẽ có cơ hội hoàn thiện công nghệ kỹ thuật có khả năng làm giảm tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.
Cuối cùng, việc số lượng tên lửa và thiết bị hạt nhân của Triều Tiên ngày một tăng đồng nghĩa với khả năng khiến quan chức lãnh đạo Triều Tiên thêm phần tự tin và sẽ có những hành động mạo hiểm hơn.
Theo Hồng Hạnh/Báo Tin Tức