Để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Washington đã có những bước đi bất ngờ: không tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ như cam kết lúc tranh cử của ông Trump.
Nhưng khi thực tế không như kỳ vọng, "thời kỳ trăng mật" trong quan hệ Mỹ-Trung có thể sẽ chấm dứt.
Mỹ nhượng bộ Trung Quốc
Có một số động thái được coi là sự nhượng bộ mà Mỹ dành cho Trung Quốc để chờ đợi nước này có hành động cụ thể với Triều Tiên.
|
Ông Trump từng rất hi vọng hợp tác với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên. Ảnh: Getty |
Đầu tiên là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo ngược cam kết hồi tranh cử tổng thống, không coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Ông viết trên Twitter: “Tại sao tôi lại gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ khi họ đang phối hợp với chúng ta về vấn đề Triều Tiên. Chúng ta sẽ xem chuyện gì xảy ra”.
Kế đó, trong tháng 4, sau khi tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Mỹ, ông Trump có một loạt dòng tweet chứa chan hi vọng về việc có thể hợp tác với Trung Quốc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ngày 11/4, ông viết: “Tôi đã giải thích với Chủ tịch Trung Quốc rằng thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ tốt hơn rất nhiều đối với họ nếu họ giải quyết vấn đề Triều Tiên”.
Tiếp đó, ngày 12/4, ông Trump tweet: “Đã có một cuộc điện đàm rất tốt tối qua với Chủ tịch Trung Quốc về mối đe dọa Triều Tiên”.
Ngày 13/4, ông Trump bày tỏ tin tưởng: “Tôi có niềm tin lớn rằng Trung Quốc sẽ xử lý đúng đắn với Triều Tiên. Nếu họ không thể làm vậy, Mỹ và đồng minh sẽ làm”.
Theo cố vấn thân cận nhất của ông Trump, Stephen Bannon, sẽ có chiến tranh với Trung Quốc trong tương lai gần nhưng ông Trump dường như đã giảm cứng rắn để đảm bảo Trung Quốc về cùng phía với Mỹ khi đối phó với Triều Tiên.
Thứ hai là vấn đề Biển Đông. Nếu như thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra hàng hải tự do trên Biển Đông thì dưới thời ông Trump, có thông tin nói rằng đề nghị của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cho thực hiện tuần tra trên Biển Đông đã 3 lần bị từ chối, đến mức, không chỉ các nghị sĩ Mỹ mà cả các đồng minh của Mỹ cũng sốt ruột.
Ngày 11/5, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã viết thư cho ông Trump đề nghị ông chú ý hơn tới Biển Đông. Tại Đối thoại Sangri-La ở Singapore đầu tháng 6, các diễn giả như Bộ trưởng Quốc phòng Australia và Nhật Bản đã phải kêu gọi Mỹ tiếp tục tuần tra hàng hải tự do ở Biển Đông.
Kiên nhẫn có hạn
Trong khi Mỹ có nhiều động thái nhượng bộ Trung Quốc để “chờ” nước này thể hiện thiện chí trong vấn đề Triều Tiên, thì Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa.
Theo kênh CNN (Mỹ), trong năm 2017, Triều Tiên đã phóng 16 quả tên lửa trong 10 vụ thử, lần gần đây nhất là 8/6. Vậy là từ sau chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình tới nay, Triều Tiên đã thực hiện 6 vụ thử tên lửa.
Trước các động thái này, có thể dần nhận thấy Mỹ không còn đủ kiên nhẫn chờ Trung Quốc hành động nữa.
Ngày 24/5, tàu khu trục của Hải quân Mỹ USS Dewey đã thực hiện chuyến tuần tra tự do hàng hải đầu tiên dưới thời ông Trump. Đây cũng là chuyến tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông đầu tiên của Mỹ từ tháng 10/2016.
Gần đây, Tổng thống Mỹ không chỉ có dòng tweet bóng gió mà còn liên tiếp có hành động cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên.
Ngày 21/6, Tổng thống Trump đã thể hiện sự thất vọng với Trung Quốc qua đoạn tweet: “Trong khi tôi đánh giá cao nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bắc Kinh trong việc giúp đỡ về vấn đề Triều Tiên thì nó vẫn không có kết quả. Ít nhất tôi biết Trung Quốc đã cố gắng!”.
Mức độ mất kiên nhẫn ngày càng gia tăng và thể hiện bằng hai động thái liên tiếp: trừng phạt các thực thể Trung Quốc liên quan tới Triều Tiên và bán vũ khí cho Đài Loan.
Trừng phạt ngân hàng Trung Quốc
Theo tờ New York Times (Mỹ) ngày 29/6, chính quyền của ông Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với một ngân hàng, một công ty và hai công dân Trung Quốc. Ngân hàng Đan Đông là ngân hàng mà giới chức Bộ Tài chính Mỹ cho rằng đã giúp Triều Tiên thực hiện hoạt động tài chính và rửa tiền phi pháp. Mạng lưới Thực thi luật chống tội phạm tài chính của Bộ Tài chính sẽ cắt đứt liên kết của ngân hàng này với hệ thống tài chính Mỹ, từ đó hạn chế nghiêm trọng khả năng giao dịch với các ngân hàng khác trên thế giới.
Theo ông Michael S. Casey, chuyên gia giao dịch Mỹ thuộc công ty luật Ropes & Gray, đây là đòn trừng phạt nghiêm trọng vì hệ thống tài chính Mỹ có vai trò trung tâm trong nền kinh tế toàn cầu.
|
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin. Ảnh: NYTimes |
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin nói: “Bộ Tài chính cam kết bảo vệ hệ thống tài chính Mỹ khỏi bị Triều Tiên lạm dụng và tối đa hóa áp lực với chính phủ Triều Tiên cho tới khi họ từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Trong khi chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm hợp tác quốc tế về Triều Tiên, Mỹ cũng gửi thông điệp cứng rắn khắp thế giới rằng chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động chống lại những cá nhân, công ty và thể chế tài chính hỗ trợ Triều Tiên”.
Theo New York Times, bằng cách nhằm vào Ngân hàng Đan Đông, chính quyền của ông Trump cũng hi vọng ngành tài chính Trung Quốc sẽ gây áp lực với Triều Tiên theo những cách mà trước đây Trung Quốc đã thất bại hoặc không muốn thực hiện.
Ông Anthony Ruggiero, cựu quan chức Văn phòng chống Tội phạm tài chính và Hỗ trợ tài chính cho khủng bố thuộc Bộ Tài chính Mỹ, vì động thái của Mỹ, các ngân hàng khác của Trung Quốc có thể sẽ nhận được các cuộc gọi từ đối tác Mỹ để đảm bảo rằng họ không giao dịch phi pháp với Triều Tiên. Ông cho rằng các ngân hàng Trung Quốc lớn hơn cũng sẽ bị trừng phạt.
Đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ tìm cách trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ Triều Tiên.
Bán vũ khí cho Đài Loan
Không lâu sau quyết định trừng phạt các thực thể Trung Quốc của Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cùng vào cuộc gây sức ép với Trung Quốc bằng động thái thông qua việc bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc) trị giá 1,4 tỷ USD.
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, Nhà Trắng đã thông báo với Quốc hội về ý định thông qua vụ mua bán vũ khí này, đồng thời nhấn mạnh quyết định thông qua không vi phạm Đạo luật Quan hệ với Đài Loan.
Các nghị sĩ Mỹ có 30 ngày để phản đối quyết định của Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, đa số nghị sĩ đều ủng hộ các thỏa thuận tương tự.
Động thái của Bộ Tài chính và Ngoại giao Mỹ diễn ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Trump ngày càng giận dữ với Trung Quốc vì không hành động với Triều Tiên và vì thương mại song phương. Ông Trump có thể đang cân nhắc cả hành động thương mại chống Trung Quốc.
Sắp tới, Mỹ sẽ bàn về nỗ lực chặn nguồn tài chính cho chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên với Trung Quốc và các nước khác tại Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới ở Đức.
Với những động thái mới nhất, có thể thấy rằng nếu Trung Quốc không hợp tác với Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, Mỹ có thể sẽ hành động một mình và hành động cứng rắn, không chỉ với Triều Tiên mà còn với cả Trung Quốc, nước được nhìn nhận là giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Theo Thùy Dương/Báo Tin Tức