|
Bình minh ảm đạm trên đồi Capitol ở Washington. |
Các nhà lãnh đạo thế giới có thể không nói thẳng như ông Bộ trưởng Vince Cable, nhưng có lẽ họ có cùng suy nghĩ. Một lần nữa, hai đảng lớn ở Mỹ lại “đấu đá” về các vấn đề nợ nần và chi tiêu công.
Xét trên bình diện quốc tế, cuộc “đấu đá tài chính” ở Mỹ có thể đặc biệt gây hại cho Khu vực đồng Euro (Eurozone) đang chật vật thoát ra khỏi vấn đề nợ công, trong khi triển vọng phục hồi vẫn còn khá mờ mịt.
Bất ổn trong thị trường tiền tệ thế giới chính là điều mà những người dân đang “thắt lưng buộc bụng” ở Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha và thậm chí cả Pháp…không hề mong đợi. Với nền kinh tế Anh quá phụ thuộc vào lĩnh vực tài chính, các mầm bão ở Washington có thể biến thành một cơn bão lớn đối với London.
Nếu cuộc “đấu đá tài chính” hiện nay ở Mỹ cuối cùng dẫn đến cơ cấu nợ vào tháng tới, đây sẽ là một ví dụ rất xấu đối với các nước Eurozone đang phải “thắt lưng buộc bụng” vì vấn đề nợ công.
Một hệ quả chính trị của cuộc “đấu đá tài chính” hiện nay ở Mỹ là sự bùng phát của chủ nghĩa dân tộc mị dân ở Châu Âu.
Bế tắc không có gì mới
Tình trạng bế tắc giữa Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện nằm trong tay đảng Dân chủ về ngân sách liên bang 2014, bắt đầu từ ngày 1/10/2013, là không có gì mới.
Nếu lưỡng viện Quốc hội Mỹ không đi đến thỏa thuận vào lúc 12 giờ trưa hôm nay, chính phủ Mỹ sẽ bị đóng cửa một phần và đụng chạm đến những “dịch vụ không cần thiết” (bao gồm cả thanh toán liên bang cho các hợp đồng chính phủ, phúc lợi xã hội…)
Kể từ năm 1981, chính phủ Mỹ đã trải qua 10 lần bị đóng cửa. Nhưng may mắn là 9/10 lần đóng cửa nói trên chỉ kéo dài trong một ngày và lại rơi vào cuối tuần, khi hầu hết các công sở đều đóng cửa. Trường hợp ngoại lệ là vụ chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton bị đóng cửa 26 ngày, từ cuối năm 1995 đến đầu năm 1996.
Kịch bản này có thể được lặp lại, nhất là khi Hạ viện do phe Cộng hòa chi phối nhất quyết đòi hoãn việc thực thi luật cải cách y tế (còn được gọi là Obamacare) và cắt nguồn tài trợ cho đạo luật này, dẫn đến sự phủ quyết của Tổng thống Obama.
Xem ra, cuộc “đấu đá nội bộ” ở Mỹ đang dẫn đến những hậu quả gây hại cho toàn cầu, nếu tình trạng đối đầu này kéo dài đến giữa tháng Mười - khi nước Mỹ buộc phải tính chuyện nâng trần nợ công.
Trần nợ công đã bị chọc thủng vào cuối tháng 5/2013 và Bộ Tài chính Mỹ đã phải “biến tướng” lấy tiền từ tài khoản chính phủ để trả nợ, nhưng tài khoản này hiện nay đã cạn kiệt. Nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ bị Standard & Poor (và nhiều tổ chức xếp hạng tín dụng khác) hạ bậc xếp hạng.
Do phần lớn nợ chính phủ Mỹ là nợ nước ngoài, các nước chủ nợ và các ngân hàng trung ương có thể đứng ra ngăn chặn cơn hoảng loạn trên thị trường tiền tệ thế giới. Nhưng “cuộc đấu đá tài chính” ở Mỹ vẫn sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng - trải dài từ Châu Á qua Châu Âu và đến Mỹ Latinh.
Đảo lộn lưu thông tiền tệ toàn cầu
Ngay cả khi chỉ phải cơ cấu nợ ngắn hạn, Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc bán trái phiếu kho bạc ngắn hạn với lãi suất thấp để tài trợ cho hoạt động của chính phủ. Hậu quả có thể là chính phủ Mỹ sẽ phải dựa nhiều hơn vào các khoản vay trung hạn và vay dài hạn, đòi hỏi lãi suất cao hơn.
Nếu lãi suất đi vay của Mỹ bị nâng lên, nước này có thể trở thành một “cục nam châm thu hút vốn toàn cầu”, khiến cho các nước Châu Âu bị thiếu các khoản tín dụng tối cần thiết để duy trì sự phục hồi kinh tế vẫn còn đang rất mong manh.
Kịch bản nhiều khả năng là lần này nước Mỹ tránh được nguy cơ cơ cấu nợ, nhưng nỗi sợ hãi về việc tái cơ cấu nợ sắp xảy ra và có thể dễ dàng xảy ra một lần nữa trong những năm tới chắc chắn sẽ làm cho thị trường tiền tệ thế giới trở nên căng thẳng.
Các chủ nợ nước ngoài sẵn sàng cho Mỹ vay vì đây là một sự đặt cược an toàn trong một thế giới đầy bất ổn. Nhưng tình trạng rối loạn chức năng trong chính quyền Mỹ (cả lập pháp lẫn hành pháp) đang biến nước này thành địa điểm đầu tư kém an toàn và khi đó, các nhà đầu tư trên thế giới sẽ tìm đến nơi khác.
Một may mắn cho Washington là đồng Euro không phải là một đồng tiền dự trữ-thanh toán chủ đạo và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc xem ra chưa sẵn sàng thách thức sự thống trị của đồng đô la Mỹ.
Lê Chân (theo CNN)