Mỹ, Nhật, Hàn liên tục thách thức Trung Quốc
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Nhật Bản cho biết, các máy bay của họ đã bay xuyên qua ADIZ của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông mà không gặp bất cứ kháng cự nào từ phía Bắc Kinh.
Phát ngôn viên của lực lượng này là ông Yasutaka Nonaka hôm qua nhấn mạnh, việc này nằm trong hoạt động tuần tra khu vực định kỳ của Nhật Bản và các phi cơ của họ đã không gặp máy bay quân sự Trung Quốc. Theo đó, Tokyo khẳng định, bất chấp các yêu sách của Trung Quốc về ADIZ trên Biển Hoa Đông, Nhật sẽ không có bất cứ thay đổi nào liên quan đến các kế hoạch cũng như hoạt động giám sát trong khu vực.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng xác nhận trong cuộc họp báo ở Tokyo rằng, máy bay quân sự Nhật Bản "vẫn thực hiện các hoạt động giám sát như trước đây ở Biển Hoa Đông và không bị các yêu sách của Trung Quốc về ADIZ tác động. Ông Yoshihide Suga cũng cho biết thêm rằng, tàu hải quân và máy bay tuần tra P3C vẫn đang thực hiện các sứ mệnh giám sát thường xuyên xung quanh quần đảo tranh chấp với Trung Quốc Điếu Ngư/Senkaku.
Trong khi đó, Seoul cũng khẳng định, họ không hề thông báo trước cho phía chính quyền Trung Quốc về kế hoạch này. Động thái này của Hàn Quốc được cho là nối gót việc Mỹ điều máy bay ném bom B-52 vào ADIZ, thách thức các tuyên bố của Trung Quốc.
|
Máy bay tuần tra P3C.
|
Tương tự Mỹ, máy bay quân sự Hàn Quốc bay qua ADIZ đã hoàn thành sứ mệnh mà không gặp phải bất cứ phản ứng nào từ Trung Quốc.
Theo nguồn tin quân sự, máy bay tuần tra P3C của Hải quân Hàn Quốc đã thực hiện sứ mệnh trên. Chiếc máy bay đã rời đảo Jeju chiều 26/11 và bay qua các khu vực thuộc ADIZ trên Biển Hoa Đông.
Seoul cho biết, động thái này nằm trong khuôn khổ chuyến bay tuần tra hai lần/tuần định kỳ của quân đội nước này; đồng thời nhấn mạnh, họ không cần phải trình kế hoạch bay trước cho chính quyền Trung Quốc vì ADIZ chỉ là tuyên bố đơn phương của Đại lục.
Các quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết, vấn đề này được thảo luận trong các cuộc đàm phán quốc phòng cấp cao với Trung – Hàn tại Seoul hôm nay. Khu vực Nhận dạng Phòng không mới của Trung Quốc chồng lấn lên vùng nhận dạng phòng không không chỉ của Nhật Bản mà còn Hàn Quốc trên Biển Hoa Đông.
Trước đó, ngày 25/11, quân đội Mỹ đã điều 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 qua xuyên qua ADIZ mới của Trung Quốc mà không hề báo trước. 2 chiếc B-52 đã hoàn thành sứ mệnh mà không gặp bất cứ phản ứng nào từ phía Trung Quốc.
Trung Quốc chỉ lập ADIZ để "chơi"
|
Các ADIZ chồng lấn nhau ở khu vực Đông Bắc Á.
|
Trước đó, Bắc Kinh mạnh mẽ tuyên bố có đủ thẩm quyền, khả năng kiểm soát hiệu quả ADIZ và sẽ áp dụng “các biện pháp phòng thủ khẩn cấp” để đáp trả bất cứ máy bay nào vi phạm quy chế họ đưa ra.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc không có bất cứ phản ứng thực tế nào với cả máy bay quân sự Mỹ lẫn Hàn Quốc bay vào ADIZ của họ khiến nhiều chuyên gia quốc phòng nghi ngờ, có thể radar phòng không nước này không phát hiện ra các phi cơ nào.
Reuters dẫn nguồn tin chính phủ Nhật giấu tên cho biết, dù Trung Quốc nhiều năm qua không ngừng tăng cường ngân sách quốc phòng để hiện đại hóa quân đội song vẫn chưa sở hữu được các radar phòng không hoặc máy bay có đủ khả năng giám sát cả một khu vực nhận dạng phòng không rộng lớn như vậy.
Đồng quan điểm trên, biên tập viên mảng châu Á của tạp chí Flightglobal ở Singapore, Greg Waldron cũng nhận định, Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi cái gọi là Khu vực Nhận dạng Phòng không Biển Hoa Đông. Không quân Trung Quốc còn hạn chế về năng lực tiếp nhiên liệu trên không cho máy bay, năng lực cảnh báo sớm dẫn tới khó có khả năng phát hiện máy bay nước ngoài xâm phạm vào ADIZ.
Do đó, theo chuyên gia về an ninh thuộc Trung tâm Đông – Tây ở Hawaii, Denny Roy, bước đầu, động thái lập ADIZ của Trung Quốc sẽ chỉ dừng ở mức độ “tuyên bố suông”.
“Từ nay trở đi, người Trung Quốc có thể bắt đầu đếm và thông báo về số lần xảy ra cái mà họ xem là hành động xâm phạm vào ADIZ. Bắc Kinh có thể lập luận rằng phía Trung Quốc đã hết sức kiềm chế, không thực hiện quyền nố súng trước và tuyên bố nước này không thể kiên nhẫn như vậy vô thời hạn”, ông Roy nhận định.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, lập ADIZ, có thể Bắc Kinh chỉ muốn “cạnh tranh” với khu vực nhận dạng phòng không của Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.
Bạch Dương (tổng hợp)